Bạn đã bao giờ nổi nóng, mặt đỏ tía tai giữa một cuộc họp quan trọng? Bạn đã bao giờ to tiếng với đồng nghiệp/ nhân viên/ hoặc cả sếp của mình ngay giữa văn phòng dưới sự chứng kiến của nhiều người? Bạn đã bao giờ gào qua điện thoại với cường độ âm thanh mà các bạn đồng nghiệp ngồi xung quanh phải nín thở hồi hộp? Và những tình huống như thế lặp đi lặp lại khá thường xuyên.

Nếu câu trả lời là có. Bạn không đơn độc. Tôi đã từng rơi vào tất cả những trường hợp trên, liên tục trong một thời gian dài.

Đại gia đình Anger gồm những bạn ‘nhẹ nhàng’ như Bực mình (Annoyed), Lạnh lùng (Cold),  Cáu (Irritated) … cho đến các bạn hung hăng hơn một tẹo như Giận dữ (Anger), Điên tiết (Mad), Tức tối (Resentful)… và các anh chị ghê gớm hơn như Phẫn nộ (Outrage), Hung hăng(Aggressive), Thù địch (Hostile)…

Thông thường chúng ta có thói quen phân loại Giận dữ, Sợ hãi vào nhóm những cảm xúc tiêu cực, và những bạn như Hạnh phúc, Vui vẻ vào nhóm tích cực. Cách phân loại như thế làm cho ta có thói quen tránh xa hoặc kiềm chế, dồn nén những cảm xúc được xem là tiêu cực. Tuy nhiên không có cảm xúc nào là không cần thiết cho cuộc sống của mỗi người. Nếu không có Anger, bạn mất khả năng bảo vệ bản thân và những người mình thương yêu. Nếu sống mà không Sợ hãi thì bạn dễ dàng lâm vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Các bạn cảm xúc ấy đều có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng chỉ trở nên đáng ghét khi bạn không thể kiểm soát chúng, để chúng xuất hiện vào những lúc bạn không mong đợi để rồi sau đó bạn phải hối hận vì ‘tầm sát thương’ mà chúng đã gây ra.

Tôi đã có một thời điêu đứng vì bạn Anger. Tôi hoàn toàn ý thức được lúc nào bạn ấy sắp đến, biết được khi nào bạn ấy mang bom cảm tử nhưng lần nào cũng thất bại trong công cuộc đàm phán với bạn là có cho nổ bom hay không. Mấu chốt nằm ở chỗ tôi không ý thức được rằng mỗi khi đến gặp tôi, bạn còn dắt theo một số bạn khác. Trong đó có một vài bạn có vai trò ‘châm ngòi’ chứ thật ra bạn Anger không phải là kẻ chủ mưu.

Có một lần tôi tổ chức một buổi họp quan trọng mời rất nhiều bên bao gồm cả những vị có chức vụ cao. Ở buổi họp nửa ngày ấy có một phần thuyết trình quan trọng của một bạn research partner ngồi tận London. Đây là phần thiết yếu để mọi người dùng thông tin động não tìm ra hướng đi mới cho chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng. Thế mà đến giờ vẫn không thấy các bạn ấy gọi vào, gọi di động không bắt máy, nhắn tin không trả lời. Bạn trong team tôi, người chịu trách nhiệm gửi thư mời cho các bạn kia, vẫn cười tươi như không có chuyện gì xảy ra. Thế là bạn Anger nhanh chóng đi vào phòng họp. Sau vài giây bạn ấy ‘tiến hóa’ thành Thịnh nộ. Tôi chẳng nhớ mình đã nói gì, có đập bàn hay quăng đồ hay không, =)) chỉ nhớ là tất cả business partners của tôi đều ngồi im re, không nhúc nhích, không khí vô cùng căng thẳng. Trong tôi dồn dập bao nhiêu là cảm xúc khó chịu: Outrage (phẫn nộ vì sự bất cẩn của bạn kia), Shame (xấu hổ vì hành vi của mình), Fear (sợ hãi vì cuộc họp có thể thất bại vì không có người thuyết trình), Resentment (Tức tối vì đã dặn kỹ rồi mà vẫn làm sai), Guilt (cảm thấy tội lỗi vì mình lại gào vào mặt bạn ấy lần thứ n trong khi đã dặn mình không được làm như thế nữa).

Kiềm nén (repress) hay bộc phát (express) Anger trong trường hợp này đều dỡ. Ở đây, nếu tôi chỉ tập trung vào bạn Anger, cố gắng tập hít thở sâu để xua đuổi bạn thì chỉ có tác dụng tạm thời. Rồi rất nhanh chóng bạn ấy sẽ quay lại, lại làm làm tanh bành mọi thứ.

Ở đây Anger có hẳn một nhóm bạn thân: Fear, Resentment, Shame, Guilt. Để kiểm soát bạn, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào bạn ấy, xem bạn có bị ai đó ‘xui khiến’ không. Với trường hợp của tôi, Resentment và Fear là những kẻ chủ mưu. Là một người có tinh thần trách nhiệm, tôi luôn vạch ra kế hoạch chi tiết để đảm bảo mọi thứ chạy thật hoàn hảo, luôn dặn dò kỹ lưỡng bạn trong team trước những sự kiện quan trọng. Thế nên những sự cố xảy ra dễ dàng làm tôi bực tức. Rồi Sợ hãi cũng đến cùng lúc và châm ngòi cho Giận dữ. Và rồi nếu không biết cách khống chế, Giận dữ sẽ dễ dàng ‘tiến hóa’ thành những cơn Thịnh nộ. Do đó, để giải quyết bạn Anger tận gốc rễ, tôi đã phải ‘nói chuyện’ với bạn Tức tối và Sợ hãi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hai bạn này.

Mỗi cảm xúc đều mang theo nó một thông điệp và bắt chúng ta hành động. Trong trường hợp của tôi là giảm bớt kỳ vọng của bản thân, chấp nhận cuộc sống luôn có rủi ro. Khi bạn chuyển từ trạng thái kỳ vọng cao sang chấp nhận thực tế, bạn Tức tối sẽ ra đi và bạn Bình tĩnh/ Điềm tĩnh sẽ đến. Sau đó để giải quyết bạn Fear, tôi lên kế hoạch cho những rủi ro có thể xảy ra, và nếu cuối cùng vẫn xảy ra thì nhắc nhở mình ‘rủi ro là một phần của cuộc sống’ và ngay lập tức tìm lối đi mới. Tức tối và Sợ hãi không còn thì Anger cũng không còn lý do gì để thăm viếng tôi nữa.

Anger cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu bạn cho phép gia đình bạn ấy luôn có mặt bên bạn không đúng thời điểm thì đã đến lúc bạn cần một ai đó lắng nghe và giúp bạn tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Khỏi phải nói tác hại của gia đình bạn này lên sức khỏe, hình ảnh của bạn, cản trở con đường thăng tiến phía trước. Thậm chí như nếu bạn có may mắn như tôi, luôn được đồng nghiệp và sếp thấu hiểu (nóng vậy thôi chứ không có ý xấu), những cơn bộc phát như thế ngày qua ngày sẽ dần làm xói mòn sự tự tin để trở thành một inspiring leader trong bạn.

Nếu bạn cần một ai đó lắng nghe, đặt câu hỏi để giúp bạn nhìn sâu hơn vào các cảm xúc làm bạn khó chịu hàng ngày, hãy liên hệ tôi qua pham-t-thanh.thao@overflowingbuckets.com. Chúng ta sẽ có 30 phút trao đổi về mục tiêu bạn đang hướng tới. Đây là quà tặng dành cho các ‘tay leo Everest’ – những bạn luôn tin rằng mình có nhiều tiềm năng và luôn khao khát phát triển bản thân.

#OBEmotions #OBAnger #Obphattrienbanthan #OBEverestClimbers