Coaching có phải dành cho những người ‘có vấn đề’?

Trước kia hồi còn làm ở các công ty đa quốc gia, dù đã ở một vị trí quản lý nhất định trong một thời gian dài, tôi chưa từng được biết đến các chương trình coaching cho cá nhân. Giờ đây khi đang được tham gia những dự án lớn, coaching cho cấp quản lý C-level ở một tập đoàn đa quốc gia với thầy cô của mình, tôi đã tìm được câu trả lời. Những gói coaching cho mỗi cá nhân trong các chương trình như thế có giá không hề rẻ, nên hồi xưa cấp bậc của mình chưa được công ty đầu tư là đúng rồi. Khách hàng là những người rất thành công và công ty muốn đầu tư nhiều hơn vào họ để họ tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực cho cấp dưới. Ví dụ như họ vừa được promote lên một vị trí cao hơn, cần tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn cho team mới, hoặc chuyển bộ phận/ thay đổi công tác từ quốc gia này sang quốc gia khác và cần xây dựng mối quan hệ nhanh chóng với các cấp ở nơi mới, để công việc nhanh chóng vào guồng….

Do đó, coaching không phải dành cho nhũng người ‘có vấn đề’ hoặc bị công ty cho vào sổ bìa đen như một số quan niệm sai lầm. Coaching là để phát triển bản thân nên bản thân tôi cũng tìm hiểu kỹ khách hàng và từ chối những trường hợp dùng coaching để ‘manage out’ nhân viên.

Vậy coaching dành cho ai?

Ngày xưa lúc mới biết đến coaching, tôi áp dụng những gì mình học được vào công việc và cuộc sống, kiên trì luyện tập để thay đổi bản thân, tôi thấy cuộc sống mình thay đổi tích cực, làm được những điều mà trước kia tôi không hề nghĩ mình có thể làm được. Và thế là tôi nghĩ coaching phù hợp cho tất cả mọi người, vì ngay cả mình cũng làm được cơ mà.

Tôi tin rằng hễ mình thật sự tận tâm, luôn hết mình vì khách hàng thì chắc chắn khách hàng sẽ chuyển hoá (transform). Và thế là tôi hăm hở ra đi, rồi rất nhiều hôm ngồi chiêm nghiệm lại những buổi coaching mà thấy lòng trĩu nặng. Vì có những trường hợp khách hàng không transform dù mình đã cố gắng dành thời gian rất nhiều, cho thêm thời gian để nói chuyện.

Rồi tôi vô cùng ngạc nhiên và có phần hơi ‘tội lỗi’ khi thấy có những khách hàng viết thư cám ơn thật chân thành vì họ đã transform và rất happy. Họ là những khách hàng mà tôi đã coach rất nhẹ nhàng thoải mái, không phải lo lắng gì nhiều. Đó là lúc tôi học được bài học lớn về niềm tin sai trái của mình ‘Người coach chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự thành bại của khách hàng’.

Sự thật là ‘Khách hàng là người chịu trách nhiệm chính về sự thành bại của họ’. Người coach dù giỏi đến mấy, giúp cho khách hàng của mình nhận ra nhiều điều thú vị/ nhiều cơ hội để phát triển, đóng góp hữu ích vào kế hoạch rèn luyện của họ mà họ không kiên trì luyện tập thì mọi công sức đều đổ sông đổ bể.

Trong cuốn Coaching for Leadership của Marshall Goldsmith (No. 1 Executive coach của thế giới), ông ấy đã chia sẻ kinh nghiệm đau thương tương tự. Một trong những bài học lớn mà ông ấy đã học được là ‘Pick the right clients’ và ông đã thiết kế những vòng sàng lọc để lựa chọn khách hàng rất kỹ.

Vậy đâu là dấu hiệu của một người thật sự quan tâm đến con đường phát triển bản thân:

  1. Có động lực để thay đổi (Motivated to change).
  2. Không đổ lỗi cho người khác, thay đổi bản thân để thay đổi tình thế.
    Quan sát của cá nhân tôi, có những tình huống xấu nhưng chỉ mỗi khách hàng của tôi thay đổi cũng làm cho tình hình tốt lên rất nhiều và người kia cũng thay đổi theo. Nhưng nếu đến coaching chỉ để ca thán về người khác và không chịu thay đổi mình thì tình hình không bao giờ thay đổi. 
  3. Cam kết đầu tư thời gian và ngân sách cho việc phát triển bản thân.
    Kinh nghiệm đau thương của bản thân: Free coaching doesn’t work! Đơn giản vì thiếu commitment từ phía bên kia với suy nghĩ: ‘Mình có mất gì đâu’.
  4. Luôn mở rộng tâm trí để đón nhận điều mới.
  5. Kiên trì luyện tập để thay đổi.

Coaching không dừng ở những buổi nói chuyện để hiểu vấn đề. Điều quan trọng nhất là phải thấy kết quả. Kết quả sẽ không có nếu không thật sự bắt tay vào rèn luyện.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, coaching cần thiết và rất hữu ích cho những ai thật sự quan tâm đến phát triển bản thân. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ cám ơn bản thân vì đã có một quyết định đầu tư đúng đắn. Nhưng điều đầu tiên bạn cần hỏi bản thân là ‘Mình có thật sự NGHIÊM TÚC và CAM KẾT trên con đường phát triển bản thân của mình chưa?’

Hy vọng bài viết này giải đáp được thắc mắc cho câu hỏi: Coaching phù hợp cho ai?

Written: Pham Thi Thanh Thao, ICF PCC.