Bạn tin rằng ‘Cảm xúc do người khác mang đến’ hay ‘Cảm xúc là do mình tự tạo ra’?
Không có câu trả lời đúng. Không có câu trả lời sai. Nhưng mỗi cách trả lời sẽ cho bạn những chọn lựa hành động rất khác nhau.
- Cảm xúc của mình là do người khác mang đến
Nhân viên làm việc không vừa ý mình. Cảm xúc: bực, giận dữ, thất vọng… Suy nghĩ: những cảm xúc khó chịu kia là do bạn nhân viên kia gây ra, nếu không có bạn ấy, mọi việc đã dễ chịu biết bao. Xu hướng hành động: nói những lời ‘làm đau lòng nhau’.
Những lần sau gặp lại bạn nhân viên ấy, cảm xúc bực bội tiếp tục trỗi dậy. Mong muốn: hoặc là bạn ấy phải tự thay đổi cho vừa ý ta, hoặc bạn ấy phải ra đi thì ta mới có được bình yên.
Nói cách khác, sự bình yên của bản thân phụ thuộc hoàn toàn vào bạn nhân viên hay sự bình yên của bạn nằm trong ‘tay’ của bạn ấy.
2. Cảm xúc là do mình tự tạo ra
Bản thân tôi chọn câu trả lời này. Chẳng phải tôi tin vào bề dày và các kết quả nghiên cứu của Lisa Feldman Barrett trong cuốn ‘How emotions are made’, bản thân tôi đã trải nghiệm rất nhiều câu chuyện chứng minh cho lập luận này.
Ngày xưa, mỗi khi nói chuyện với ai đó mà người ấy không nhìn thẳng vào tôi, tôi cảm rất khó chịu. Nếu người đó có chức vụ cao, tôi thấy tức vì nghĩ rằng người ấy hống hách/ ỷ chức vụ cao mà khinh thường người khác. Nếu người đó ngang hoặc thấp hơn mình, tôi cảm thấy ghét (hatred) vì nghĩ rằng họ không đáng tin. Sau này nhờ đọc được một nghiên cứu, tôi vỡ lẽ ra rằng có một % dân số đáng kể có xu hướng học thông qua cách lắng nghe nên họ sử dụng tai nhiều hơn mắt. Thế là tôi cảm thấy Acceptance (chấp nhận) khi giao tiếp với họ.
Bạn thử quan sát, suy ngẫm sẽ nhận ra những tình huống tương tự. Cảm xúc của ta được hình thành từ những đánh giá/ kết luận của bản thân về một sự việc nào đó. Rất đôi cùng một sự việc xảy ra, hai người khác nhau sẽ có cảm xúc khác nhau vì những đánh giá khác nhau.
Nhìn một người khiếm thị bán vé số bên đường, có người sẽ dừng lại mua vì họ cảm thấy ‘tôn trọng’ (respect) công sức lao động, nhưng cũng có người dừng lại để cho tiền vì họ cảm thấy ‘cảm thương’.
Nếu tin rằng CẢM XÚC CỦA MÌNH LÀ DO MÌNH TỰ TẠO RA, sức mạnh để làm chủ cảm xúc và thay đổi cảm xúc nằm trong tay ta. Làm việc ấy cũng không quá khó khăn, chỉ cần một chút rèn luyện.
-
-
- Mỗi khi cảm xúc đến, hít thở SÂU và CHẬM bằng BỤNG để cường độ cảm xúc giảm đi.
- Khi đã bình tĩnh, tự hỏi mình ‘những đánh giá/ niềm tin nào đã mang (những) cảm xúc ấy đến?’
- Xem xét lại những đánh giá/ niềm tin của mình đã đúng chưa và có kế hoạch hành động hợp lý
-
(Bạn có thể xem lại bài ‘Cẩn thận với những đánh giá của mình’ để biết cách validate những đánh giá/ niềm tin của bản thân.
Written by: Pham Thi Thanh Thao