Meditation (Thiền) và Mindfulness (tạm dịch: Tỉnh thức) có lẽ là những thuật ngữ đang dần trở nên phổ biến.
Mình có duyên biết đến Meditation và Mindfulness vào năm 2017 khi tình cờ đọc được cuốn Silence của Sư ông Thích Nhất Hạnh. Sau đó nhờ đọc Presence-based coaching và The mindful coach của Doug Silsb, mà mình học được cách ứng dụng Mindfulness và Meditation vào công việc coaching. Có thể nói đó là bước ngoặc lớn trên hành trình của mình.
Kết quả của việc thực tập Mindfulness và Meditation đã giúp mình rất nhiều trong việc lắng nghe, thấu cảm, và giúp khách hàng nhìn sâu, tìm ra insights từ những vấn đề hóc búa của họ. Nhiều khách hàng vẫn hay nói mình tạo cho họ cảm giác bình an và có thể chia sẻ rất dễ dàng. Và thế là bất cứ ai hỏi mình luyện thi lấy bằng của Liên đoàn coaching quốc tế như thế nào, mình đều giới thiệu đọc thêm hai cuốn này và lời khuyên: thực hành Meditation & Mindfulness nhé!
Lợi ích to lớn như thế nên mình cứ thực tập mỗi ngày thôi (vì bỏ cái là thấy ảnh hưởng đến công việc liền). Cơ mà bạn bè, người quen hay khách hàng hỏi mình lợi ích của Meditation và Mindfulness là gì thì mình hay ú ớ lắm. Vì mình chỉ có những trải nghiệm cá nhân chứ không có chứng cứ khoa học nào.
Hôm nay thì mình có rồi đây: “THE ALTERED TRAITS – Khoa học tiết lộ cách thiền định thay đổi tâm trí, cơ thể và bộ não của bạn” được viết bởi Daniel Golman và Richard J. Davidson.
Daniel Golman là tác giả của cuốn Emotional Intelligence (International bestseller); Ông từng là phóng viên khoa học của New York Times, hai lần được đề cử giải Pulitzer, và nhận được Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Richard J. Davidson là Giáo sư nghiên cứu về Tâm lý học và Tâm thần học của William James và Vilas, người sáng lập Center for Healthy Minds, và Giám đốc Phòng thí nghiệm Waisman về hành vi và hình ảnh não, Đại học Wisconsin-Madison.
Nếu bạn đã bắt đầu những bước chân đầu tiên trên hành trình thực tập Meditation và Mindfulness thì cuốn sách này sẽ tiếp thêm động lực; còn nếu như bạn vẫn đang phân vân hay “chưa có thời gian” ^^ thì hy vọng những kết quả nghiên cứu tâm lý học và neuroscience (tạm dịch: khoa học thần kinh) sẽ truyền thêm cảm hứng cho bạn.
Các nghiên cứu cho thấy Meditation & Mindfulness giúp giảm stress (có ít phản ứng của amygdala (hạch hạnh nhân) với căng thẳng ở những người có thực tập); cải thiện sự tập trung/ tâm trí bớt đi long rong và cải thiện trí nhớ (chỉ trong vòng 2 tuần thực tập); tăng khả năng thấu cảm (compassion) (kết quả scan não cho thấy có sự tăng kết nối trong mạch đồng cảm); nhịp thở chậm hơn (tốc độ trao đổi chất chậm lại). Những bậc thầy ở Tibet (thực tập Meditation và Mindfulness vài chục nghìn giờ) thì não của họ đo được sóng gamma và não lão hoá chậm hơn so với những người ở cùng độ tuổi.
Có ba điều mình thấy rất thú vị trong quyển sách này:
- Học lý thuyết về Meditation & Mindfulness mà không thực tập thì không có tác dụng gì. Các nghiên cứu đều được thực hiện trên hai nhóm: nhóm có thực tập và nhóm được giảng cho nghe lý thuyết mà không thực tập (Control group). Có những thử nghiệm mà các nhà nghiên cứu thậm chí đã cho nhóm Control bay đến các khu retreat, giảng cho họ nghe lý thuyết và nói rằng họ trong danh sách chờ (nhằm tạo điều kiện gần giống nhất với nhóm được thực tập). Và kết quả là chẳng có sự thay đổi nào cho nhóm chỉ được học lý thuyết.
Các bạn mình ơi, đã mất công đi học các lớp về Meditaion, Mindfulness, Trí tuệ cảm xúc thì hãy nhớ thực hành thì mới nếm được hoa trái nhé. ^^
2. Meditation & Mindfulness giúp não THẬT SỰ THƯ GIÃN
Trong một nghiên cứu năm 2001, Marcus Raichle, nhà thần kinh học tại Washington University, đã quan sát thấy những người được yêu cầu làm công việc đòi hỏi cao về khả năng nhận thức, ví dụ như đếm ngược con số 1475 trong vòng 13 giây, có một số vùng não lại không hoạt động. Thế mà khi được yêu cầu “không làm gì cả” thì các vùng não này lại “vùng lên” hoạt động mãnh liệt, thậm chí còn “dữ dội” hơn khi phải làm cái công việc căng não vừa rồi.
Thử nghiệm này chứng minh: Mặc dù não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nó tiêu thụ đến 20% năng lượng trao đổi chất và mức tiêu thụ này không đổi cho dù mình có làm việc căng não hay không. Điều đó có nghĩa: Não luôn BẬN RỘN KHÔNG NGỪNG cho dù ta có đang làm việc căng thẳng hay đang nghỉ ngơi.
Và cái sự bận rộn không ngừng nghỉ của não làm tiêu tốn 20% năng lượng của ta đến từ việc TÂM TRÍ ĐI LONG RONG, suy nghĩ hết việc này đến việc khác, và thường tâm trí sẽ suy nghĩ về những điều làm phiền chúng ta: những nỗi lo về tương lai, người khác đánh giá mình như thế nào, những nuối tiếc trong quá khứ, dằn vặt bản thân về những lỗi lầm… Tất cả những điều này làm cho mình mệt và tiêu tốn nhiều năng lượng của não.
Tin vui là việc thực tập Meditation & Mindfulness sẽ giúp làm lắng dịu hoạt động của các vùng não này. Giúp tâm trí ta tĩnh lặng và có những giây phút nghỉ ngơi thật sự.
3. Meditation & Mindfulness giúp cái Tôi nhỏ lại
“So long as you grasp at the self, you stay bound to the world of suffering” – Vasubhandu
Cái tôi bao gồm “tôi” (me), của tôi “mine” gây ra rất nhiều đau khổ cho chúng ta. Thực tập Meditation giúp ta quan sát hơi thở, suy nghĩ, cảm thọ trên cơ thể… để từ từ tách rời ra khỏi những điều ta cứ nghĩ rằng là “của mình” và không còn bị chúng làm cho đau khổ.
Để trình bày được những kết quả này trong quyển sách nhỏ này, các tác giả đã phải đọc rất nhiều công trình nghiên cứu, dùng óc phản biện và kinh nghiệm hàn lâm của mình để soi rọi, tìm ra những phương pháp khoa học nhất. Daniel Goleman thậm chí còn tự phê phán kết quả nghiên cứu lấy bằng tiến sỹ tại DH Harvard của chính mình để tìm ra đâu là những lợi ích được chứng minh thuyết phục nhất. Bạn an tâm đây không phải là cuốn sách “bằng mọi giá ca ngợi” Meditation & Mindfulness nhé.
Mà dù sao thì, tự mình trải nghiệm thông qua việc thực tập vẫn thú vị hơn phải không?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions