Mình có một bí mật. Mặc dù hay kêu gọi Love YOUR Emotions, nhưng trong thế giới ấy, có một đứa mình rất ghét. Tên nó là Arrrogance (tạm dịch: kiêu căng/ ngạo mạn).

Là một đứa thiếu tự tin từ nhỏ, hay nghĩ về điểm yếu và nghi ngờ bản thân (self-doubt) nên mình rất nhạy khi gặp một ai đó đang “làm bạn” với cảm xúc này. Họ luôn cho mình cảm giác đã nhỏ bé lại càng nhỏ hơn.

Mình đã học được cách yêu Giận, Lo, Sợ, Ghét… Những đứa này mặc dù hay làm cho mình khó chịu nhưng chúng luôn mang đến nhiều bài học thú vị. Giận giúp mình học được cách Thấu cảm (Empathy) cho người khác; Lo Sợ dạy mình sống Can đảm hơn; Ghét luyện cho mình biết cách Thương nhiều hơn. Arrogance ấy hả? Mình đã suy nghĩ mãi mà chẳng thấy nó có tích sự gì.

Rồi một ngày Arrogance đã đến và ở lại nhà mà mình không hề hay biết. Arrogance đã lừa mình rất ngoạn mục nhờ vào khả năng hoá trang đại tài của nó. Một mình nó đóng hết một tá vai, dắt mũi mình đi từ mê cung này đến mê trận khác.

Lúc mới tới chơi nó giả dạng làm “Vui” (Joy). Nó hay nhắc mình ghi nhớ những lời khen ngợi: “Công nhận bản thân một chút để tự tin hơn nha Thảo”. Ngày tháng trôi qua rồi đến một hôm, nhận được email cảm ơn của khách hàng mà mình chẳng còn thấy bóng dáng của “Vui” đâu. Có “ai đó” bắt đầu thì thầm “Chuyện này nhiều người hay nói bạn vậy mà, đâu có gì lạ nữa đâu”.

Đó là lúc Arrogance đã đổi vai thành Giận. Người ta khen thì thấy bình thường chứ hễ nghe ai chê hay nói gì nghịch tai, trái ý một chút là nó xui mình bực. “Mấy người này chẳng biết trân trọng bạn gì cả”, “Chuyện đơn giản vậy mà cũng không hiểu là sao? Đã thế lại còn cãi!”; “Sao lại có thể chia sẻ quan điểm như thế nhỉ? Có hiểu gì về tâm lý học không?” Xui mình bực một hồi xong nó còn giả luôn giọng của Empathy “À mà thôi đừng chấp mấy người đó Thảo, kiến thức có một nhúm thôi mà. Hiểu cho họ đi”.

Tuyệt chiêu hơn nữa, nó lăn lê FB rồi chê luôn mấy đứa Arrogance bạn nó: “Bài viết này đọc là thấy có Arrogance rồi nè Thảo. Mình đời nào làm vậy đâu ha”.

Ngày qua ngày bực càng nhiều và bực càng lâu. Có những hôm nằm trên thảm tập yoga mà mình không thở sâu được. Nguyên cục tức đè nặng trên ngực suốt cả buổi. Khỏi phải nói là mệt mỏi cỡ nào. Bao tử có lúc lại còn quặn lên.

Hôm khác Arrogance lại đóng giả làm Buồn: “Người Thầy lớn nhất trong cuộc đợi bạn đã không còn nữa rồi. Giờ còn ai để bạn học được nữa đâu” và Chán: “Mấy cuốn sách này có gì hay đâu. Đọc vài trang đầu đã thấy chẳng có gì thú vị”, “Đi học thêm nữa hả? Mấy lớp đó có kiến thức gì mới đâu? Bạn biết hết rồi mà.”.

Ngày qua ngày mình lê lết với Buồn rồi Chán, tụt hết năng lượng vì hai đứa đó. Có những hôm thức dậy mà mình thấy một ngày như dài vô tận, thấy cuộc sống chẳng còn gì thú vị phía trước.

Dạo gần đây mình có thói quen hay chiêm nghiệm lại những buổi nói chuyện với những người mình gặp gỡ trong ngày. Mình tin rằng điều ấn tượng nhất, được lưu giữ trong tâm trí mà không cần nỗ lực phải ghi nhớ, chắc chắn là một bài học quan trọng cần giải mã. Sau buổi ăn trưa với một chị bạn đã lâu không gặp, mình ngạc nhiên nhận ra điều mình nhớ rõ nhất và cứ lặp đi lặp lại trong não là lời khen của chị ấy. Mình thấy “Vui” thích chí đứng cười. Nó cười to đến nỗi rớt luôn cái mặt nạ. Đó là lần đầu tiên mình nhận ra khuôn mặt thật của Arrogance.

Là người hiểu rõ cái cảm giác nhỏ bé, không có chút giá trị gì khi phải đối diện Arrogance của người khác, mình thấy sợ vì sự hiện diện của bạn cảm xúc này. Còn ai sẽ muốn đồng hành với mình trên hành trình phát triển bản thân của họ khi mà Arrogance cứ lẽo đẽo theo mình? Hành trình coaching của mình sẽ đi về đâu?

“Đi ra khỏi nhà mình ngay, Arrogance!” Mình gào lên.

Arrogance mặt tỉnh bơ, cười bí hiểm: “Sao mình phải đi? Mình có chứng cứ rành rành là bạn giỏi hơn ngày xưa rồi. Bạn có nhớ là đã nhận được bao nhiêu là lời cảm ơn và công nhận của khách hàng, bạn bè, đối tác?”

Mình bí lù, hoang mang thì “ai đó” lên tiếng: “Thế một mình Thảo tự giỏi được như vậy sao?”

“Biết ơn (Gratitude), bạn đến thật đúng lúc! Giúp mình với!” Mình hồi hộp hy vọng.

Arrogance ấp úng: “Uhm… uhm… đương nhiên là không rồi.”

Biết ơn mỉm cười: “Có phải là để đến được cột mốc của ngày hôm nay, Thảo đã phải học hỏi từ rất nhiều thầy, cô. Có những thầy cô được gặp ở lớp, có những thầy cô chỉ được biết qua sách, những bài nói trên TedTalk, Podcast, những bài viết được bạn bè chia sẻ trên FB, LinkedIn, các websites, và cả bạn bè, khách hàng, đối tác… cùng làm việc và gặp gỡ hàng ngày.”

Arrogance nhún vai đẩy cửa bỏ đi nhưng mình vẫn hơi lo: “Biết ơn, lỡ mai Arrogance lại đến cùng một lời cảm ơn của ai đó thì sao?”

Biết ơn cười thật tươi: “Đơn giản lắm, bạn chỉ cần nhận và sau đó ngay lập tức thầm cảm ơn tất cả những người thầy đã có mặt trong cuộc đời bạn. Nghe câu “thần chú” này, mình sẽ đến canh cửa không để Arrogance lẻn vào nhà”.

Mình cảm ơn Biết ơn và thở phào nhẹ nhõm.

Mình nhận ra…

…Cũng như bao cảm xúc khác, Arrogance đến là có lý do và không phải cứ không thích là đuổi nó đi được. Sự có mặt của cảm xúc này mang đến rất nhiều phiền toái cho cuộc sống, các mối quan hệ và cả con đường phát triển bản thân của mỗi người.

…Lần đầu tiên mình thật sự cảm thông với những người đã làm cho mình cảm thấy thật nhỏ bé. Mình cứ ngỡ họ đã cố tình làm vậy. Giờ mình hiểu, cũng như mình, họ đang chịu khổ sở vì những trò tinh quái của Arrogance mà có thể không tự nhận ra hoặc cũng muốn đuổi mà không làm được.

…Biết ơn là cảm xúc màu nhiệm giúp bảo vệ mình trước Arrogance và có nhiều bình an hơn trong cuộc sống.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions

Trích dẫn thông điệp của Arrogance :
Arrogance: “I am better and more important than other people”.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby and Curtis Watkins.

P.S.:
Chân thành cảm ơn những bài dạy về Gratitude mình đã đọc và học được từ sách/ những bài giảng trên Youtube của Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy Minh Niệm, Jay Shetty, Oprah Winfrey, Swami Vivekanada và nhiều người thầy khác mà mình rất tiếc đã không còn nhớ tên. Những bài học này đã giúp mình vượt qua thử thách của Arrogance.