The Culture Map

The Culture Map by Erin Meyer

Erin Meyer hiện là giáo sư của trường INSEAD. Một ngôi trường mình chỉ mới nghe tên vào năm 2017, hồi còn làm ở Singapore, khi một đồng nghiệp người Trung Quốc tuyên bố nghỉ làm để đi học. Lúc đó mình đã choáng khi biết số tiền bạn phải bỏ ra để theo đuổi chương trình MBA ở đây. =)) Cơ mà vừa tốt nghiệp xong bạn được nhận vào Boston Consulting Group. Chắc cũng đáng tiền. 😀

Công việc của Erin Meyer là giúp các nhà quản lý tại các công ty đa quốc gia hiểu sự khác biệt văn hoá giữa các lãnh thổ có tầm quan trọng kinh tế trên thế giới. Những hiểu biết này giúp các công ty phát triển văn hoá tổ chức, và giúp các cấp quản lý (expat) hoà nhập nhanh khi đảm nhận vị trí mới ở những đất nước xa lạ.

Trải nghiệm sống và làm việcc tại Châu Phi, Châu Âu và Mỹ đã thôi thúc Erin nghiên cứu cách thức truyền thông và hệ thống kinh doanh của nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Các nghiên cứu của chị đã có mặt trên Harvard Business Review, The New York Times và CNN.

The Culture Map là quyển sách mà mình đã tiếp cận với rất nhiều e dè. Lúc đọc bản Kindle sample, mình cảm nhận rất rõ sự “chống đối” của bản thân với những chia sẻ của tác giả: “Lại là một quyển sách stereotype/ làm cho người đọc có cái nhìn quy chụp về con người ở từng quốc gia”, “lại khuyến khích dùng logic để đánh giá con người”… Vậy mà chỉ sau vài câu chuyện rất thật từ những trải nghiệm của tác giả, Culture Map đã thành công trong việc thuyết phục mình mua cả cuốn ebook.

Mình đã đọc The Culture Map trên chuyến xe bus đến Dhamma Kancana. Đọc được vài trang lại bỏ sách xuống rồi tủm tỉm cười (lâu lâu cười rung cả bụng một mình =))). Có cái gì đó vui vui, thú vị và thật ngạc nhiên, mình cảm thấy được CHỮA LÀNH.

EGALITARIAN vs. HIERARCHICAL CULTURES
Tạm dịch: Văn hoá theo chủ nghĩa quân bình và văn hoá phân cấp/ thứ bậc.

Egalitarian culture (Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan…): không có khoảng cách giữa sếp và lính, sếp lắng nghe/ đóng vai trò điều phối trong các cuộc họp, truyền thông có thể vượt cấp và thậm chí là không cần align với sếp trực tiếp…

Hierarchical culture (Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…) trái ngược hoàn toàn với Egalitarian culture: sếp luôn luôn đúng, thậm chí khi sếp rất sai thì sếp vẫn đúng. =))

Không chỉ đưa ra các định nghĩa khô khan. Erin kể cho chúng ta nghe những câu chuyện sốc văn hoá thật dễ thương. Như là một anh manager người Mexico, nhận được vị trí tại Hà Lan, đã choáng khi bạn admin từ chối đi ăn trưa với mình vì bạn ấy đã có hẹn với Tổng Giám Đốc (sếp của sếp anh ấy). Rất nhiều tình huống mà các cấp quản lý sinh ra và lớn lên ở những quốc gia có thứ bậc phải gào trong thầm lặng “Please remmeber I am your boss”. =))

Còn các anh quản lý ở các quốc gia có văn hoá quân bình khi chuyển sang các quốc gia thứ bậc cũng bất ngờ không kém, khi mà phong cách lãnh đạo siêu cool của mình lại làm team mới thất vọng: không quyết đoán, không có uy, làm cho cả bộ phận bị đánh giá là không có quyền lực… Đọc xong bần thần luôn. Hồi đó mình đã nghĩ về chị Vice President người Hà Lan y hệt như thế và cũng không có chút niềm tin về chị ấy.

Cách đây hơn một năm, mình đang ngồi cafe với bạn ở Gem Center thì một bạn HR của một công ty đối tác cười thật tươi đến chào mình. Mình vui và xúc động vì mình cũng rất quý bạn. Mình đứng dậy mỉm cười, hỏi han một chút. Chưa được hai phút thì bạn thấy sếp của bạn là chị CHRO đang đứng gần đó và gọi với sang: “Chị L ơi, chị Thảo nè chị” và mọi người có thể đoán được là mình đã hành xử như thế nào không? Mình đã rời khỏi chỗ của mình, tiến về phía chị ấy bắt tay chào.

Trong một thoáng, mình có thể cảm nhận được là bạn HR bị tổn thương (hoặc ít nhất là thất vọng về cách hành xử của mình). Tại sao hồi nãy mình đã không rời khỏi chỗ của mình, tiến đến nói chuyện và bắt tay bạn? Mình cũng đã thất vọng về chính mình. Tại thời điểm đó, mình cảm nhận rất rõ cái việc rời khỏi chỗ, bước đến bắt tay chị CHRO là một phản xạ rất nhanh. Cái sự quan sát/ tự ý thức chỉ có được sau khi hành động đã xảy ra chứ không phải kiểu hành vi mà mình đã có cân nhắc.

Mình đã tự hỏi có phải là mình là người chỉ coi trọng người có chức quyền và đã áy náy một thời gian dài. Đọc xong phần nghiên cứu này, mình đã nhẹ nhõm và cảm thông với chính mình: được sinh ra và lớn lên trong một môi trường văn hoá nào đó, suy nghĩ và hành động không phải có thể chọn lựa thay đổi bất cứ lúc nào mình muốn, nó là một phần máu thịt của mỗi người. Điều tốt nhất có thể làm là tăng khả năng tự nhận thức rồi từ từ điều chỉnh suy nghĩ/ hành vi (nếu muốn).

TASK-BASED vs. RELATIONSHIP-BASED CULTURES

Task-based culture: chữ tín được xây dựng dựa trên các hoạt động có liên quan đến công việc. Bạn làm việc tốt/ hiệu quả, bạn được đánh giá đáng tin cậy. Đồng nghiệp sẽ thích làm việc với bạn nhưng mối quan hệ chỉ dừng ở đây. Còn làm việc chung, còn chơi chung, hết làm việc rồi (dù là bạn tự nghỉ hay bị công ty sa thải chẳng hạn) thì mối quan hệ cũng chấm hết.

Relationship-based culture: chữ tín được xây dựng qua những lần đi ăn/ uống cafe/ beer… chung. Các mối quan hệ được xây dựng từ từ/ chầm chậm theo thời gian. Mọi người tìm hiểu/ chia sẻ nhiều khía cạnh trong cuộc sống cá nhân cho nhau và dần tin tưởng nhau hơn.

Đọc phần này xong mình đã hết thắc mắc/ hết ấm ức khi nhớ về rất nhiều mối quan hệ ở nơi làm việc cũ – hầu hết đã phai mờ sau khi mình rời đi. Đó là nơi chẳng phải không thể xây dựng những mối quan hệ lâu dài. Vấn đề nằm ở chỗ của mình đã xem thường/ có cái nhìn tiêu cực về những mối quan hệ Relationship-based, xếp chúng vào rổ “play political game”. Và thế là mình đã chọn cách tiếp cận task-based mà không hề biết được hệ quả của nó.

ACFECTIVE TRUST AT WORK. IS IT WORTH?

Một anh quản lý người Ý đã phải động não tìm điểm chung giữa mình và Indian team của ảnh. Anh ấy đã phải dành thời gian tìm hiểu loại nhạc team mình thích. Chit chat qua lại để hai bên từ từ thân nhau.

Ảhh nói: “If you don’t develop a good personal relationship with them, they will tell you everything is okay even the entire project has gone up in flames”.

“Gone up in flames” chính xác là tình huống mình đã trải qua và cái kết không thể “đẹp” hơn. Hồi đó mình không có direct report ở India nhưng phối hợp làm việc với một team bên ấy để chạy project. Đối tác marketing ngày ngày hỏi dự án đến đâu, mình hỏi bên kia thì hoặc là im lặng hoặc là rề rề. Đến lúc dự án gần bung bét, chịu hết nổi, mình đã escalate lên cấp quản lý cao hơn. Kết quả là mối quan hệ ngày đó cũng bung bét không kém.

Trời ạ, bí mật nằm ở đây sao?

Vô số bí mật kiểu vậy trong sách mà mình không kể hết. Chỉ biết là đọc xong thấy nhẹ nhõm quá chừng vì đã hiểu được rằng: chẳng phải tại mình hay tại ai, tại văn hoá thôi mọi người ạ. =))

Quyển sách này dành cho ai?

Theo góc nhìn của mình, The Culture Map không chỉ phù hợp cho các bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài/ ở các công ty đa quốc gia mà cũng có thể hữu ích cho bất cứ ai còn đang đến văn phòng mỗi ngày. Theo trải nghiệm/ quan sát của mình, người Việt chúng ta cũng có sự khác biệt vùng miền và mỗi nhà quản lý cũng có sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo của họ (có thể do môi trường giáo dục/ làm việc trên hành trình sống của họ).

Hiểu bản thân mình đang bị chi phối bởi văn hoá làm việc nào, hiểu văn hoá làm việc của sếp/ đồng nghiệp/ đối tác/ khách hàng… thì cũng giảm được khá nhiều dramas nơi công sở rồi đó.

Bạn đã đọc quyển sách này chưa? Trải nghiệm của bạn?

About Erin Meyer: https://erinmeyer.com/about

Empathy at work

Daniel Goleman, một cái tên không còn xa lạ cho những ai quan tâm đến EQ. Ông từng là phóng viên khoa học của New York Times, hai lần được đề cử giải Pulitzer, nhận được Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, và là tác giả của cuốn #1 best seller “Emotional Intelligence”.

Trong newsletter tháng 10, mình học được một vài định nghĩa thú vị về Empathy at Work. Có 3 loại Empathy at Work:

(1) Cognitive Empathy: bạn hiểu góc nhìn/ lăng kính mà người khác đang nhìn nhận vấn đề/ thế giới xung quanh thông qua cách họ dùng từ ngữ.

(2) Emotional Empathy: bạn có thể cảm nhận cảm xúc của người khác.

(3) Empathic Concern: bạn thật sự quan tâm đến hạnh phúc (well-being) của những người xung quanh.

Empathic Concern là mục tiêu mà các leaders hiện nay đang hướng đến. Vậy thì làm cách nào mà leaders vừa có thể làm cho nhân viên cảm nhận được mình chân thành quan tâm đến hạnh phúc của họ, đồng thời lại cho họ những thử thách/ challenging feedback giúp họ phát triển hơn nữa?

Daniel Goleman đã trích dẫn bốn kiểu cho feedback thường gặp trong công sở – trích trong cuốn Radical Candor của Kim Scott.

(1) Obnoxious aggression: challenge nhân viên nhưng không quan tâm đến cảm xúc của họ.

(2) Manipulative Insincerity: bên ngoài tỏ ra tử tế nhưng thật ra không quan tâm đến nhân viên cũng như không nói cho họ biết điều họ cần nghe.

(3) Ruinous Empathy: ngại xung đột, cố gắng giữ cho các mối quan hệ hài hoà với cái giá phải trả là nhân viên không biết những điểm cần cải thiện để phát triển tốt hơn. 

(4) Compassionate Candor: đây là sự kết hợp giữa việc chân thành quan tâm và nói cho nhân viên biết sự thật mà họ cần nghe.

Hy vọng là những chia sẻ này giúp các leaders vẫn còn băn khoăn trong việc “có nên cho negative/ “constructive” feedback”; hoặc “cho nhiều positive feedback theo đề nghị của Gallup thì nhân viên có trở nên tự mãn không”.

Trên đây là tóm tắt dựa trên cái hiểu của mình. Mời bạn đọc newsletter tháng 10 để hiểu chính xác nhé. https://www.linkedin.com/pulse/my-new-book-emotional-intelligence-daniel-goleman-lclxf 

Dhamma Kancana

Dhamma Kancana là một trong 9 trung tâm thiền Vipassana dạy theo phương pháp của thầy Goenka ở Thái Lan.

Nằm ở Kanchanaburi, gần biên giới phía Tây giáp Myanmar, di chuyển sáu giờ bằng xe bus từ Bangkok, Kancana đã chào đón mình trong một buổi chiều lành lạnh dễ chịu. Nhưng đó là ngày 0.

Từ ngày 1 cho đến gần hết khoá mưa tầm tả từ sáng đến tối, lạnh tê tái với một đứa đã quen với cái nắng nóng Sài Gòn. Côn trùng, tắc kè kêu vang trời. Điện thoại/ các thiết bị điện tử/ sách đã bị “giao nộp”. Cái sở thích được đi dạo vài vòng sau mỗi bữa ăn cũng không làm được. Và thế là mình phải thật sự đối mặt với tất cả những cảm xúc/ ký ức khó chịu nhất nhưng cũng thú vị nhất.

BOREDOM – CHÁN là anh chàng cảm xúc gõ cửa mình đầu tiên. Chán không bao giờ đến một mình. Nó luôn có một đám bạn đi cùng. Sau khi nhận diện, say hello với nó thì mình ngồi yên, hít thở, cảm nhận Chán. Phải mất gần 30 phút nó mới bỏ đi và Bực bội đến ngay tức thì. Sau 30 phút nữa, chuông gõ báo hết giờ thiền thì nó gào vô mặt mình “Doing nothing is a waste of time”. Ồ, thì ra đây là niềm tin đã mọc rễ trong tâm thức của mình. Mình mỉm cười đứng dậy đi lại một chút rồi vào ngồi tiếp hồi thứ 2.

Vừa nhắm mắt, hít thở thì Sợ đến. Nó nói mình “Không làm gì thì sẽ bị bỏ lại phía sau”. Kiên trì ngồi yên, hít thở thì người nhẹ hẫng, tâm trí nhẹ tênh và chẳng còn cái khao khát/ cái thôi thúc/ bồn chồn đến mất ngủ phải tìm việc gì đó để làm mỗi khi không có dự án. Ồ thì ra NĂNG LƯỢNG của nỗi sợ sẽ bị bỏ lại phía sau – nỗi sợ của một con bé tiểu học, luôn cố gắng nằm trong top Top của lớp để không bị hạng bét mà nó đã làm cho mình mệt mỏi mấy chục năm qua. Năng lượng được xả bỏ thì mình không còn bị điều khiển nữa. Mình mỉm cười thích thú.

Mình nhận ra Vipassana là kỹ thuật giúp tâm trí mình ở trạng thái bình thản (equanimity) để đón nhận tất cả những cảm xúc khó chịu nhất. Chúng lần lượt đến từng đứa một. Mỗi đứa đều mang theo một thông điệp cùng một ký ức xưa cũ. Có cảm giác mình được quay ngược trở lại quá khứ, cảm nhận rõ mồn một những cảm xúc ngày ấy, đồng thời lại có thể bình thản nhìn được trọn vẹn toàn cảnh của sự việc, giải thích được tại sao ngày ấy mình lại hành xử như thế, và quan trọng hơn cả là được trải nghiệm SỨC MẠNH của những ký ức/ những cảm xúc bị dồn nén/ bị chôn vùi của những năm tháng đó đang CHI PHỐI/ ĐIỀU KHIỂN những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình TRONG HIỆN TẠI ra sao.

Trước khi đến Kancana, mình vẫn thầm mong muốn được sống ở nước ngoài, vẫn thầm ganh tị với các bạn của mình. Và rồi trong một buổi thiền lúc một giờ chiều, khi phải cố gắng lôi mình dậy sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi, mình đã ngồi với một cục bực không thể tả.

Bực mỗi lúc một to bự, và nó gào lên: “Tại sao tôi phải ở đây để mệt mỏi thế này. Tại sao cứ đâm đầu chọn cái khó, tại sao không chọn con đường dễ dàng hơn, làm công việc cũ, sống ở quốc gia xịn xò?”. Ồ, cục Bực đòi quay về công việc cũ lại đến. Mình thấy thú vị, đầu óc tỉnh táo hẳn, tiếp tục hít thở và quan sát.

Hít thở một hồi thì năng lượng của Bực tan biến và Buồn lại đến. Nó buồn thê thảm, nó nhớ Singapore rồi trong một tích tắc nó lại nhớ nước Úc. Nó đòi quay lại sống cuộc sống ở Canbera. Hình ảnh Canbera vừa đến thì Loneliness to bự ập đến. To đến mức mình muốn nghẹt thở, đầu óc tối sầm. Bao nhiêu cảm xúc cũ của hơn 10 năm về trước ào về. (Tất cả những người bạn thân hơn 15 năm của mình đều biết đó là khoảng thời gian kinh khủng. Không ngày nào là mình không gọi hoặc tìm một đứa nào đó để nói chuyện.)

Từng câu chuyện một quay về với trọn vẹn từng cảm xúc. Những hình ảnh cuối cùng đã cho mình câu trả lời. Mình không nhớ nước Úc, mình không nhớ Canbera, mình nhớ một câu chuyện đã được cất giấu kỹ hơn 10 năm. Hơn 10 năm trước, với góc nhìn của những năm tháng tuổi trẻ, nó là một câu chuyện đẹp, còn bây giờ, mình thở phào vì mọi chuyện đã không như mình mong muốn. Và kỳ diệu hơn nữa là cái khao khát sống ở nước ngoài cũng ra đi. Trong khoảnh khắc đó, mình cảm nhận từng cm trên cơ thể như đang giãn ra, có cảm giác cơ thể nặng và vững chải như một cục tảng đá còn tâm trí thì nhẹ tênh.

Lần đầu tiên mình được trải nghiệm SỨC MẠNH CỦA NHỮNG CẢM XÚC BỊ ĐÈ NÉN/ CHÔN VÙI/ hoặc LÃNG QUÊN. Chúng không mất đi mà chỉ trốn đâu đó trong tiềm thức và liên tục điều khiển suy nghĩ/ cảm xúc/ hành động của mình trong hiện tại cho đến khi thật sự được let go.

BIẾT ƠN là cảm xúc còn đọng lại sau chuyến đi này.

P.S. Đây là khoá Vipassana Meditation retreat lần 2 của mình. Không biết là lần trước, do là new student, phải cố gắng ngồi nghe cho rõ kỹ thuật, có gắng làm cho đúng từng chút một mà mình chưa có được trải nghiệm này; hoặc cũng có thể phải đi nhiều khoá và càng thực tập nhiều mới càng đi sâu được vào nhiều tầng ký ức ở bên trong để có thể hiểu bản thân và giải phóng chính mình.

Vipassana meditation đã và đang hữu ích cho bạn như thế nào?

Healing and Recovery

HOPE là cảm xúc còn đọng lại sau khi mình đọc Healing and Recovery của Tiến sỹ, Bác sỹ David R. Hawkins. Đây là cuốn số 8 trong series 9 cuốn của tác giả.

Healing and Recovery cho mình góc nhìn hoàn toàn mới về bệnh mãn tính/ bệnh nan y, những nỗi sợ, những biến cố/ nghịch cảnh có thể xảy đến với bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào trên hành trình cuộc sống của mỗi người.

BỆNH MÃN TÍNH VÀ BỆNH NAN Y

Bạn tin rằng bệnh mãn tính/ bệnh nan y (ung thư chẳng hạn) phần lớn là do ăn uống mà ra? Hay do sống trong môi trường bị ô nhiễm? Do vi khuẩn/ virus?

Bạn sẽ vô cùng bất ngờ khi biết được “quyền lực” của TÂM TRÍ (MIND) của chúng ta: Nghĩ gì/ tin gì thì sẽ thành sự thật.

Và những cảm xúc tiêu cực đặc biệt là GUILT (TỘI LỖI) góp phần không nhỏ tạo ra những căn bệnh này.

Bác sỹ Hawkins, với trải nghiệm mang trong người hơn một tá những căn bệnh mãn tính* trong một thời gian dài, đã chia sẻ công thức LETTING GO đơn giản để vượt qua những căn bệnh này.

Nếu bạn đọc xong Letting go (quyển số 9) mà vẫn còn thắc mắc chưa hiểu kỹ thuật Letting go cảm xúc tiêu cực là phải làm sao thì Healing and Recovery sẽ cho bạn câu trả lời tường tận nhất.

NHỮNG NỖI SỢ

Mình có rất nhiều nỗi sợ: sợ bị bệnh nan y, sợ hết tiền phải sống cảnh màn trời chiếu đất, sợ những biến cố xảy đến với người thân, … và cả sợ … dơ 😂.

Đọc Healing and Recovery xong mình VUI DỄ SỢ 🤩 khi mà hiểu được dù là một nỗi sợ lớn như sợ chết hay một nỗi sợ nhỏ như sợ chuột thì tụi nó cũng chỉ là SỢ. Và tất cả những nỗi sợ đều sử dụng chung một nguồn năng lượng được tích trữ theo thời gian do việc bị dồn nén (ví dụ như dù sợ nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, nén những nỗi sợ vào trong).

Năm tháng trôi qua, năng lượng Sợ bị dồn nén giống như một bình ga được nạp đầy và thế là bất cứ một trigger/ sự kiện nào trong cuộc sống đều cũng có thể làm cho năng lượng này “xì ra” làm cho mình sợ.

Sợ cũng như bất cứ một cảm xúc tiêu cực nào khác, điểm mấu chốt là tập trung vào việc xả bỏ NĂNG LƯỢNG của nó. Những tác nhân bên ngoài không phải là thủ phạm gây ra những nỗi sợ mà chính là “bình năng lượng Sợ” đã được tích luỹ lâu ngày đang tìm cách “xì hơi” ra.

Bằng cách áp dụng phương pháp Letting go năng lượng của Sợ, chúng ta có thể từ từ xả bỏ năng lượng Lo Sợ để tâm trí sáng suốt/ bình an (mà không cần phải tự thử thách mình tham gia các trò chơi nguy hiểm để rèn luyện bản thân vượt qua những nỗi sợ).

Note: Emotion = E-MOTION = Energy in motion (cái này không có trong sách, mình học được từ chương trình đào tạo Coaching).

BIẾN CỐ VÀ NGHỊCH CẢNH

Bạn đã trải qua bao nhiêu cơn bão trên hành tình cuộc sống của mình?

Bản thân mình đếm sơ sơ là hơn một bàn tay 😂. Trước khi đọc sách, ai hỏi mình có dám trải nghiệm lại những cơn bão đó không, câu trả lời là cũng còn sợ lắm.

Healing and Recovery đã cho mình một sự tự tin vô bờ bến 😝.

Mình học được là bản chất của việc đối phó với biến cố/ nghịch cảnh (tai nạn, người thân qua đời, li hôn, thảm hoạ…) thật ra cũng chỉ là giải quyết NĂNG LƯỢNG của cảm xúc tiêu cực. Và những biến cố này là golden opportunity giúp chúng ta xả bỏ năng lượng tiêu cực đã được tích luỹ theo thời gian.

Bạn đã đọc Healing and Recovery chưa? Cho mình biết trải nghiệm/ kết quả thực hành của bạn với nhé.

P.S.:

**Nhiều bạn nói với mình là đọc sách của bác sỹ David R. Hawkins khó hiểu. Bản thân mình cũng không hiểu hết cả quyển sách. Nhưng mà mình đọc với tâm thế TUỲ DUYÊN. Phần nào hiểu được, thực hành được thì làm. Không hiểu thì là do duyên mình chưa tới. Và mình tin là một ngày nào đó mình sẽ hiểu được những phần còn lại.

*Một số bệnh mãn tính bác sỹ Hawkins có kể trong cuốn Letting go: chứng đau nửa đầu mãn tính, đau nhức tai, viêm xoang, dị ứng, viêm da, bệnh gút, cholesterol, loét tá tràng mãn tính và không đáp ứng với mọi phương pháp điều trị y tế, viêm tuỵ, viêm dạ dày, tăng tiết axit, co thắt môn vị từng đợt, viêm đại tràng, viêm túi thừa (đôi khi xuất huyết phải truyền máu), viêm khớp cột sống cổ, hội chứng thắt lưng phải được điều trị chỉnh hình, bệnh rung động (hội chứng Raynaud), mất cảm giác và sắp hoại tử các đầu ngón tay do mất tuần hoàn, trầm cảm, u nang lông ở gốc cột sống, viêm phế quản và ho mãn tính, viêm sụn, sưng đau chỗ nối xương sườn và xương ức, mất xương quanh chân răng, mất cân bằng năng lượng tổng thể…