Đầu tiên phải cám ơn Trinh (Nguyen Phan) đã cho tôi từ ‘chín nẫu’. Thật tình sống trên đời mấy chục năm mới biết từ này. Tự hỏi không biết có phải do tôi không có Communication, hay tại đây không phải từ miền Nam. Nhưng dù sao thì chuyện đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là mình có bạn có Communication và Maximizer. Người có hai tài năng này không những nói, viết hay mà còn dùng từ ngữ đắc giá, trau chuốt và kỹ lưỡng. 🙂

Bạn Google đã giải thích cho tôi ‘chín nẫu’ có nghĩa là ‘chín mềm nhũn đến mức như sắp rữa ra’. Trái cây mà chín như vậy thì chắc chắn không làm gì được rồi. Tài năng cũng vậy. Khi bạn có xu hướng dùng quá nhiều một tài năng nào đó – có thể là do bạn ý thức được tài năng đó đã giúp bạn đạt được một số thành công nhất định trong công việc – chúng sẽ bị chín nhũn ra. Biểu hiện của chín nẫu là chính bản thân bạn hoặc người xung quanh sẽ khó chịu, khổ sợ (suffered) khi bạn dùng tài năng ở dạng này.

Coaching với nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng nên những chia sẻ dưới đây là của cá nhân tôi – phiên bản cũ. 🙂

Responsibility là tài năng đứng thứ 2 trong top 11 tài năng vượt trội của tôi. Tôi tin rằng mọi người ai cũng có tinh thần trách nhiệm. Nhưng những người có Responsibility đặc biệt hơn những người khác ở chỗ họ sẽ dốc hết tâm hết sức làm một việc gì đó mà họ đã hứa với người khác. Đối với tôi, lời hứa rất quan trọng. Một khi đã hứa thì sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành. Nếu như lỡ không hoàn thành được thì sẽ cảm thấy khó chịu và dằn vặt bản thân. Để tránh rơi vào những cảm xúc khó chịu ấy, tôi thường hoặc là ôm đồm hết tất cả công việc về phía mình vì tâm lý sợ người khác không làm tốt bằng mình; hoặc là quản lý chặt chẽ nhân viên của mình vì sợ họ không hoàn thành kịp thì mình thất hứa với người khác. Khỏi phải nói là cả tôi và những người làm việc chung với tôi phải khổ sở thế nào rồi. Tôi thì đầu tắt mặt tối làm mãi mà không hết việc. Nhân viên thì khó chịu vì bị giám sát quá kỹ lưỡng.

Rất may là ngoài Responsibility tôi còn có hai tài năng khác là Connectedness (#3) và Individualization (#5). Những người có Connectedness rất dễ dàng nhìn thấy ý nghĩa tốt đẹp trong công việc mình đang làm. Ý thức được tài năng này, mỗi khi bắt đầu một dự án, tôi thường dành nhiều thời gian suy nghĩ một cái brief thật hay để truyền cảm hứng cho các bạn làm chung, để không chỉ có tôi mà các bạn khác cũng cảm nhận được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc mình sắp làm. Individualization là người có khả năng nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp ở người khác. Tôi đã khai thác tối đa tài năng này để khen ngợi mọi người mỗi khi thấy có một điểm đặc biệt nào đó mà các bạn đã làm được. Thật tình là ban đầu tôi cũng thấy rủi ro ghê lắm, nhưng kết quả đã đến ngoài sự mong đợi. Các bạn đã hợp tác rất vui vẻ, tích cực và rất nhiều bạn luôn nộp bài trước cả thời gian quy định. Không chỉ có những bạn ngồi gần tôi, nhìn thấy tôi mỗi ngày mà những team chưa bao giờ thấy mặt nhau vì ngồi tít ở Phillippines, Thailand, Indonesia, và Vietnam vẫn rất phấn khởi làm chung dự án với tôi.

Một tài năng khác đã làm cho tôi điêu đứng không ít là Discipline (#7). Những người có Discipline có tính kỷ luật cao, họ thiết lập trật tự, quy củ để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Khi làm việc với những người này, bạn sẽ rất an tâm vì họ chi tiết, kỹ tính và thậm chí hoàn thành công việc trước thời gian quy định. Tuy nhiên, những người này cũng rất ghét sự lộn xộn, bất cẩn, và thiếu kiên nhẫn với những sai sót xảy ra trong quá trình làm việc; đặc biệt là những sai sót mà họ đã lường trước được mà vẫn bị lặp lại. Kết quả là tôi thường xuyên nổi điên mỗi khi có sai sót xảy ra. Tức giận là một cảm xúc không chỉ có tầm sát thương ở diện rộng mà còn có khả năng tự tiêu diệt bản thân. Tức giận xong, email trách mắng xong thì cuối ngày về lại thấy mình không xứng đáng làm leader, rồi lại thấy tự xấu hổ, dằn vặt. Đó là một quá trình suy nghĩ, cảm nhận không hề dễ chịu. Ngồi viết những dòng này mà tôi còn thấy sợ. Thế thì tôi đã làm sao để vượt qua?

Một lần nữa bạn Connectedness đã giúp tôi. Tài năng này tin rằng ‘Mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó’ (Everything happens for a reason). Mỗi khi có sự cố xảy ra làm chệch hướng những gì tôi đã lên kế hoạch, tôi dừng lại và cảm nhận cảm xúc của mình. Lắng nghe xem có những cảm xúc tiêu cực nào, tự hỏi tại sao chúng lại xuất hiện và chúng đến từ đâu. Sau đó tôi tự nhủ cái câu trên và tập trung tìm hướng giải quyết mới. Bước hai được giao phó cho bạn Ideation. Vượt qua được lần một, lần hai và nhiều lần nữa. Tôi ngạc nhiên nhận ra những ‘sự cố’ không phải cái nào cũng tệ. Có rất nhiều sự cố đã giúp tôi hoàn thành dự án nhanh hơn, tốt hơn so với kế hoạch ban đầu. Trong buổi tiệc chia tay, tôi rất vui được các bạn làm chung nhận xét là calm và peaceful. Hai tính từ mà trước đây tôi không hề nghĩ mình sẽ có được.

Khái niệm này của Gallup rất giống với ý chính trong cuốn ‘What got you here won’t get you there’ của Marshall Goldsmith – chuyên gia khai vấn, cố vấn về lãnh đạo hàng đầu thế giới. Có những tài năng, i.e. cách suy nghĩ, thể hiện cảm xúc và cách hành xử tự nhiên, đã giúp ta đạt được những thành công của ngày hôm qua, nhưng nếu sử dụng quá mức sẽ cản trở bước đường đi tới. Nhưng bạn đừng lo. Nếu lỡ có một tài năng nào đó ở trạng thái ‘chín nẫu’, chắc chắn sẽ có những tài năng khác giúp nó trở lại trạng thái chín giòn và ngọt ngào ngay thôi bạn nhé.

Written by: Pham Thi Thanh Thao

P.S.: Top 1 tài năng của mình là Learner – người thích học hỏi và cũng thích chia sẻ, nên các bạn cứ thoải mái share bài nếu thích nhé. Rất cám ơn các bạn đã đọc và nhận xét.