Bạn đã bao giờ chợt nhớ về một người sếp nào đó mà thấy lòng mình ấm lại không? Tôi đã may mắn có ít nhất hai người như thế… Rất tình cờ.
Cách đây bảy năm, tôi hồi hộp khăn gói đi phỏng vấn ở nơi làm việc tốt nhất VN. Phỏng vấn xong tôi biết mình tiêu chắc vì tôi cảm nhận rất rõ sếp của sếp tương lai không hài lòng tẹo nào. Thế mà tôi được nhận offer trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, quen có, lạ có. Mãi sau này khi tôi đã vượt qua sáu tháng thử việc, nhận được giải Anh hùng thầm lặng của Tổng giám đốc sau năm đầu tiên thì một đồng nghiệp mới kể rằng: hồi đó tụi em chia hai phe cá xem chị nghỉ trước hay sau sáu tháng thử thách.
Kể ra không phải để chứng minh tôi giỏi; chỉ muốn nói rằng sếp trực tiếp là người đã chịu rất nhiều áp lực khi ra quyết định tuyển tôi, từ một đứa chỉ là nhân viên bình thường ở một công ty nghiên cứu thị trường vào vị trí manager của một công ty hàng đầu VN. Chị đã phải vất vả thuyết phục sếp trực tiếp của mình, các sếp marketing và các phòng ban khác; rồi cũng vất vả không kém để đào tạo tôi, vì một điều duy nhất là chị tin vào tiềm năng chứ không phải năng lực hiện có của tôi. Chuyện giờ mới kể là tôi đã có ý định nộp đơn xin nghỉ mấy lần trong sáu tháng đó nhưng thấy tội lỗi quá lại ráng cố thêm một tí. Bảy năm gắn bó với công ty với những bước tiến quan trọng, tôi đã chứng minh quyết định của chị là đúng. Và tôi luôn biết ơn sếp đã dùng sức mạnh Maximizer – người có tài nhìn thấy và rèn giũa những phẩm chất đặc biệt ở người khác thành những tài năng vượt trội – để không những giúp tôi mà còn nhiều bạn khác trở thành những người có một số vị trí nhất định ngày hôm nay.
Người thứ hai là một anh Ấn Độ ngồi ở tận UK. Anh ấy là sếp khi tôi chân ướt chân ráo đảm nhận vị trí ở Singapore. Hôm ấy vì bất cẩn mà tôi và đội VN đã phạm tội tày đình là cho kiểm tra một quảng cáo hai lần – trước và sau khi phim được chiếu. Trước đó có một bạn lâm vào trường hợp này và bị khiển trách toàn cầu. Tụi tôi mất ăn mất ngủ cả tuần. Suy nghĩ mãi không tìm được lối thoát nên quyết định đầu thú. Trước giờ họp hôm ấy sếp email bảo dời lại hôm khác vì có một cuộc họp quan trọng với các sếp lớn hơn. Tôi như ngồi trên đống lửa nên đánh liều nhắn tin báo sếp là có chuyện gấp cần hỏi ý kiến. Tin nhắn vừa đi thì sếp gọi. Nghe tôi kể chuyện tày trời mà giọng sếp rất bình tĩnh. Nghe mà có cảm giác cái lỗi lầm ấy nhỏ như hạt cát và có thể tan biến tức thì. Sếp bảo không có gì phải lo lắng cả, rồi email nhờ một vị lớn hơn giúp đỡ. Mọi chuyện êm đẹp, không một lời khiển trách. Khỏi phải nói là tụi tôi như bay trên mây. Đó là một trong rất nhiều kỷ niệm không thể quên khi mà tôi cảm nhận được sếp đã dùng khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác (Empathy), để có mặt và hỗ trợ đúng lúc. Khỏi phải nói là tụi tôi mang ơn sếp đến mức nào, quyết tâm cày bừa ngày đêm để đền đáp.
Nhu cầu của nhân viên thực ra không có gì quá lớn lao. Theo nghiên cứu của Gallup trên 10,000 nhân viên, họ chỉ có bốn nhu cầu cơ bản: sự tin tưởng (trust), sự thấu hiểu (compassion), sự ổn định (stability) và hy vọng về một tương lai tươi sáng (hope). 80 năm nghiên cứu của Gallup đã chứng minh bất cứ ai cũng có thể trở thành những nhà lãnh đạo tuyệt vời mà không cần phải theo bất cứ khuôn mẫu nào. Chỉ cần là chính mình và sử dụng tài năng/ điểm mạnh của mình để đáp ứng bốn nhu cầu cơ bản của nhân viên.
Bạn đã sẵn sàng chiếm lấy một góc nhỏ trái tim của nhân viên bạn chưa?
Discover your talents, lead with your strengths.
Nếu bạn thích bài viết này:
- Bạn có thể chia sẻ với bạn bè.
- Liên hệ với tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để tìm hiểu làm cách nào mà StrengthsFinder có thể giúp bạn trở thành một người sếp tuyệt vời.
Tác giả:
Phạm Thị Thanh Thảo