Bạn có bao giờ ấm ức vì người khác đánh giá sai về mình chưa? Ví dụ như cuối năm ngồi lại sững sờ nghe sếp nói mình không có growth mindset hoặc không có chính kiến. Hoặc một hôm nào đó không hiểu từ đâu bạn thấy mình bị dán nhãn như ‘chậm ra quyết định’, ‘bảo thủ’, ‘bossy’, ‘cứng nhắc’ từ những người xung quanh.

Tức giận/ Tức tối thường là cảm xúc phổ biến khi ta phải nghe những lời đánh giá mà mình thấy hoàn toàn sai; và đôi khi là Hoang mang, Nghi ngờ bản thân nếu những lời đánh giá đó từ người mà ta tôn trọng/ thần tượng.

Đó là cảm xúc của ta khi bị ai đó đánh giá không đúng về mình. Và ngược lại, nếu lời đánh giá của ta không chính xác cũng gây ra những cảm xúc khó chịu tương tự cho người khác. Những cảm xúc khó chịu ấy nếu tích tụ lâu ngày không có cơ hội giải bày sẽ phá hỏng những mối quan hệ trong công việc và cuộc sống của mình.

Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn làm cách nào để kiểm tra những đánh giá của mình đã chính xác chưa, trước khi đưa ra nhận định của mình về người khác. Đồng thời chúng cũng sẽ giúp bạn đặt câu hỏi để tìm hiểu từ đâu mà người kia lại có những đánh giá như thế về mình. Việc trao đổi này sẽ giúp bạn giải tỏa Cục Tức (nếu như người kia đánh giá không đúng), hoặc giúp bạn tốt hơn (nếu thật sự bạn có những điểm cần xem lại).

1. Lý do gì mà bạn lại đưa ra đánh giá đó?

Đây là câu hỏi đầu tiên bạn cần hỏi mình trước khi đưa ra đánh giá về một ai đó. Nếu chỉ là vô thưởng vô phạt, trong lúc cafe/ trà sữa/ ăn trưa/ ăn tối thì có cần phải ‘hại não’ đánh giá ai đó không? Vâng, công việc đánh giá rất ‘hại não’ và tốn thời gian hơn chúng ta tưởng, nếu các bạn làm đủ hết những bước sau đây.

Ngoài việc ‘hại não’, những cảm xúc đi kèm cũng ‘độc hại’ không kém nếu như những đánh giá của chúng ta không được tích cực về người khác. Bạn thử bỏ ra vài giờ đọc các review có nội dung của các bạn ‘Ghét’, ‘Ghê sợ’, ‘Khinh thường’, ‘Xúc phạm’… và cảm nhận cảm xúc trong cơ thể mình sau đó, bạn sẽ có câu trả lời.

Cho nên, nếu không cần thiết, đừng phí thời gian và năng lượng làm chuyện hại não và mệt tim này nhé.

2. Làm rõ TIÊU CHUẨN mà bạn đang dùng để đánh giá

Bất đồng quan điểm giữa hai bên thường nằm ở yếu tố này. Nếu bạn cho rằng nhân viên mới của bạn ‘học hỏi công việc chậm’ thì bạn đang so sánh bạn ấy với ai? Bạn đang so bạn ấy với những bạn vào cùng thời điểm/ có năng lực tương tự, hay một cách không chủ đích bạn đang so bạn ấy với những ngôi sao trong team bạn hoặc với chính bản thân bạn?

3. Có những ‘chứng cứ’ nào hỗ trợ cho đánh giá của bạn?

Bạn nhận xét nhân viên bạn là người ‘hay đi trễ’ là dựa trên bao nhiêu lần bạn ấy đã đi trễ? Có chính mắt bạn nhìn thấy bạn ấy đi trễ không hay là bạn nghe ai kể lại là bạn ấy đi trễ?

Rất nhiều trường hợp chúng ta vì quá tin một (vài) ai đó mà tin luôn nhận định của họ và nhầm tưởng nhận định của họ là ‘chứng cứ’. Ví dụ như tôi có bạn rất thân là anh Z, anh ấy nói với tôi là bạn A không có suy nghĩ logic. Vì tôi luôn tin vào nhận định của bạn mình nên nhầm tưởng đó là fact/ là chứng cứ và cũng có cùng đánh giá với bạn mình.

4. Tìm những ‘chứng cứ’ cho thấy những đánh giá của mình là SAI

Bạn A được đánh giá là không suy nghĩ logic ấy có lần nào trình bày những suy nghĩ hợp lý cho team không? Có bao nhiều lần bạn có những suy nghĩ logic và bao nhiêu lần bạn suy nghĩ không logic?

Các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra, khi chúng ta đã có một nhận định nào đó về ai đó thì mắt chúng ta chỉ nhìn thấy những điều hỗ trợ cho lập luận của mình. Để tránh bị biased, hãy làm bước này thật cẩn thận.

5. Chia sẻ đánh giá của bạn với những người xung quanh và lắng nghe quan điểm của họ

Đây không phải là bước bạn đi lấy sự đồng thuận của mọi người mà dùng để đặt câu hỏi để hiểu sâu hơn. Bạn có thể đặt các câu hỏi từ 2-4 để kiểm tra độ chính xác của mình và của những người xung quanh.

Làm hết các bước này mệt não và mệt tim lắm đấy. Cuối năm ngồi trong Hội đồng đánh giá performance của các bạn trong bộ phận trong cluster SEAA của mình có chừng 3 giờ mà tôi có cảm giác toàn bộ năng lượng của mình bị rút sạch. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp các bạn có cái nhìn khách quan hơn về những đánh giá của mình và có thể dùng để giải tỏa cục tức nếu có bị ai đó đánh giá không đúng về mình.

Lưu ý khi đặt câu hỏi cho người đã đánh giá mình, bạn cần để bạn ‘Tức tối’ ở nhà và ‘dắt theo’ bạn Respect và Gratefulness nhé! 😉

Written by: Pham Thi Thanh Thao

Nếu bạn thích theo dõi các nội dung này, bạn có thể add friend trang cá nhân của tôi hoặc follow trang https://www.facebook.com/Executive-Coach-Pham-Thi-Thanh-Thao-870575319949064/?modal=admin_todo_tour

Các nguồn tham khảo thêm:
‘Language and the pursuit of happiness‘ của Chalmers Brothers.
The Coach Partnership, NewField Asia.