Món ăn nào là món khoái khẩu của bạn? Phở? Bún bò? Cơm tấm? Bánh bèo? Bánh bột lọc? Hay bánh ướt? Và điều gì làm bạn thèm chúng đến vậy?
Với tôi đó là ổ bánh mì nóng hổi vừa mới ra lò. Vỏ bên ngoài vàng nâu giòn rụm, ruột bên trong thơm phức thật mềm. Chẳng cần cao lương mỹ vị đi kèm, chỉ cần chấm nước tương cũng đủ làm cho bao tử cồn cào lắm rồi.
Hồi đó đi làm xa mà tôi vẫn cố gắng tìm cho bằng được nơi bán bánh mì, có lúc thèm ra ăn trưa liên tục từ ngày này sang ngày khác, đến khi bắt đầu thấy ái ngại vì cái sự cuồng của mình mới thôi. Mỗi khi tôi về nhà chơi thì có thể hàng xóm gần nhà không biết chứ cô bánh mì đầu ngỏ nhất định biết cả ngày về lẫn ngày đi.
Nếu dùng lý trí hỏi mình ‘Tại sao tôi lại nghiện bánh mì đến thế?’, chắc tôi cũng chỉ trả lời: ‘Uhm thì người VN ai chẳng thích bánh mì’; hoặc ‘Mùi vị của nó tuyệt vời đến vậy kia mà. Hôm nào đi ăn với mình rồi bạn cũng sẽ thích.’ Và tôi đã làm thiệt rất nhiều lần, rủ rê các bạn hỏi câu ấy đi ăn bánh mì để thấy nó ngon đến cỡ nào. Ai ăn xong cũng tấm tắc bảo ngon thật nên tôi càng tin mình đã có câu trả lời chính xác. =))
Một ngày nọ, cầm ổ bánh mì trên tay, lắng nghe cảm xúc của mình, tôi cảm thấy nó không đơn thuần là một món ăn quen thuộc. Tôi thấy ấm áp, bình yên và có một chút hoài niệm. Theo dòng cảm xúc, tôi thấy hình ảnh một chiều mưa, thứ mưa Sài Gòn không dai dẳng, chỉ ào xuống thật nhanh rồi tạnh hẳn nhưng cũng mang đến cảm giác lành lạnh ướt át. Tôi thấy con bé tôi 5 tuổi cầm tiền ba đưa, lội bì bõm sang lò bánh mì hàng xóm mua vài ổ. Bánh mì mới ra lò nóng hổi, bẻ ổ bánh làm đôi mà khói còn bốc nghi ngút. Cả nhà ngồi quây quần trên cái sạp gỗ, ấm áp chia nhau từng mẩu bánh mì chấm chao. Với tôi ổ bánh mì không chỉ là vị giòn ngon thơm lừng, nó còn có cái lạnh của một chiều mưa quyện với cái ấm trong tiếng cười của ba má và nội.
Chúng ta thường dùng số liệu, dữ kiện, chứng cứ để giải thích và tranh luận nhưng như vậy đã đủ chưa? Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các quyết định của mỗi người. Cảm xúc là gốc rễ của mọi vấn đề. Cảm xúc quyết định chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta lại không được học cách lắng nghe Cảm xúc từ bé. Thậm chí còn được dạy phải kiềm chế Cảm xúc, không được để con tim lấn át lý trí, vì khóc là yếu đuối, buồn bã là không có sinh khí, giận dữ là không chuyên nghiệp. Tuy nhiên ít khi chúng ta được học rằng nỗi buồn là dấu hiệu cần buông bỏ một điều gì đó để sẵn sàng đón nhận những điều mới tốt đẹp hơn; giận dữ là lúc chúng ta cần cho người khác biết giới hạn hành động của họ hoặc cũng có thể chúng ta có một nỗi sợ sâu thẳm nằm khuất ở đâu đó.
Cảm xúc là một phần không thể tách rời trong mỗi chúng ta. Dù muốn dù không, chúng thầm lặng tham gia vào tất cả các quyết định hàng ngày, tạo nên những thói quen/ cách hành xử mà lý trí không tài nào giải thích được. Tuy nhiên có rất nhiều người không thể gọi đúng tên cảm xúc của mình đang trải qua, nhầm lẫn giữa những loại cảm xúc với nhau và đương nhiên là không thể giải thích cho hành động và giải quyết vấn đề của mình.
Lắng nghe và hiểu rõ cảm xúc của bản thân là bước quan trọng đầu tiên để tăng chất lượng cuộc sống của mình. Vì khi đó bạn sẽ hiểu được mình thật sự cần gì và muốn gì.
Bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau đây để tìm hiểu thêm tầm quan trọng của cảm xúc:
- Emotional Intelligence by Daniel Goleman.
- How emotions are made by Lisa Feldman Barrett.
- The language of emotions by Karla McLaren.
- Coaching to the human soul Vol. II by Alan Sieler.
Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để tìm hiểu xem làm cách nào mà Ontological coaching có thể giúp bạn lắng nghe cảm xúc và giải quyết các vấn đề hóc búa của mình bạn nhé.