Bạn có bị ám ảnh về những điểm yếu của mình hay không? Khoan trả lời câu hỏi này, hãy xem bạn có rơi vào những trường hợp sau:

  • Sau một ngày làm việc, bạn ngồi ngẫm lại thấy có quá chừng điểm mình còn làm chưa tốt.
  • Sếp/ đồng nghiệp dù có khen mình làm tốt đến đâu vẫn thấy mình chưa đủ giỏi.
  • Thật khó để bạn có thể kể cho ai đó nghe vài câu chuyện thành công của chính mình. 
  • Danh sách những điều bạn làm chưa tốt/ hay còn thua kém người khác dài hơn rất nhiều so với những gì bạn thật sự tự hào về mình.  
  • Bạn thường xuyên nhìn ra điểm chưa tốt của những người/ sự việc xung quanh. 

Đó là vài đặc điểm tiêu biểu mà tôi đã gặp và được tôi xếp vào nhóm ‘bị ám ảnh về những điểm yếu của bản thân’ (obsess about weakness). 

Motivation đằng sau những suy nghĩ này là gì? 

Đa số những bạn này rất mong muốn làm cho bản thân mình ngày một tốt hơn, giỏi hơn. Khá nhiều bạn tin rằng mình phải tự ý thức điểm yếu của bản thân thì mới tốt lên được. 

Một vài bạn khác thì không bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được. Vừa chạm đến cột mốc này lại nhìn thấy ngay một benchmark cao hơn. Quên ngay mình đã vất vả thế nào để có được thành tựu mình đã từng khao khát. Và thế là chưa bao giờ dừng lại để công nhận chính mình. 

Hậu quả?

Nếu tưởng tượng não mình là một chiếc tivi thì share of voice của những thông điệp tiêu cực đang thống trị với phần trăm áp đảo. Chiếc tivi này ngày ngày ra rả những điều không tốt đẹp về bản thân, đi cùng với những lời tự chê trách (self-criticism).

Thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần qua thời gian dài sẽ trở thành niềm tin. Ta sẽ tin mình không giỏi, có nhiều khuyết điểm, không có gì đặc biệt, chưa đủ tốt… 

Dần dần ta sẽ tin thêm là mình không làm được nhiều điều, không sẵn sàng để nắm bắt những cơ hội. Khi được hỏi là khi nào bạn sẽ sẵn sàng thì có bạn chợt nhận ra rằng ‘chắc là không bao giờ có ngày ấy’. Rồi bạn càng ngày càng kém tự tin và tệ nhất là có bạn bị mất phương hướng, vì sau một thời gian dài chỉ nhìn vào điểm yếu, bạn không biết mình có thể làm tốt được những gì. 

Giờ phải làm sao?

  1. Cần phân biệt đâu là điểm yếu thật sự.

Gallup định nghĩa điểm yếu: những điểm CẢN TRỞ BƯỚC ĐƯỜNG THÀNH CÔNG của bạn. 

Những điều bạn thấy mình không giỏi bằng người khác mà không ảnh hưởng đến việc đạt được những thành tựu của mình thì không gọi là điểm yếu. Chúng chỉ là những tài năng người khác có mà bạn không có. Mà tài năng chỉ là CÁCH THỨC để đi đến thành công và đi đến thành công thì có nhiều cách/ nhiều con đường khác nhau. 

Nếu như bạn thấy ai đó có khiếu hài hước, khi thuyết trình có khả năng thu hút người khác bằng những câu chuyện dí dõm. Nếu thiếu sự hài hước ấy vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng bài presentation của mình thì bạn không nên lo lắng hoặc dành thời gian để học cách trở nên hài hước như người kia. 

Thay vào đó, bạn có thể tập trung vào những gì mình có khả năng làm tốt nhất ví dụ như kỹ năng phân tích, số liệu chính xác, insights sâu sắc, lý lẽ sắc bén… thì bài presentation của bạn cũng có khả năng chinh phục người nghe. 

  1. Tạo thói quen tự công nhận/ tự khen ngợi bản thân. 

Đây là điều quan trọng cốt lõi, giúp bạn giảm thiểu ‘chứng cứ’ chứng minh mình tệ. Share of voice của những điều tốt đẹp về bản thân tăng lên thì bạn sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, làm được nhiều điều hơn. 

Nhiều người cứ nghĩ người khác khen mình thì mình mới vui. Thật ra nếu mình chưa thể tự hào về mình, bao nhiêu lời khen của người khác dành cho mình cũng chưa bao giờ là đủ. 

Bạn có thể tập viết reflection mỗi ngày. Cam kết viết ra những điều mình làm tốt dù là nhỏ nhất với tỷ lệ áp đảo những điều mình chưa làm tốt. Ví dụ như 5 điều làm tốt : 1 điều chưa làm tốt. 

Với điều mình chưa làm tốt, bỏ ngay thói quen chê bai bản thân mà thay vào đó là hỏi mình: Để làm tốt hơn thì mình sẽ làm gì? 

Tin vui, những bạn rơi vào nhóm này thường là những bạn có khả năng tự điều chỉnh hành vi rất cao. Ngay khi biết mình bị obsessed about weakness, các bạn làm bài tập rất đều đặn và thay đổi rất nhanh chóng chỉ sau 2-3 tuần. 

Sự tự công nhận/ tự khen ngợi bản thân giống như những trạm tiếp nước trong các cuộc chạy đường dài. Để chạy xa hơn, bền bỉ hơn, chinh phục được những cột mốc đầy thách thức, chúng ta cần dừng lại để tiếp nước cho chính mình bạn nhé.

Written by: Pham Thi Thanh Thao