Blind spots – Tạm dịch là Điểm mù
Điểm mù hiểu nôm na là những hành vi mà ta đang tự gây khó dễ cho chính mình hoặc làm cho người khác phải khó chịu mà bản thân không tự nhận biết được.
Điểm mù phần lớn đóng vai trò rào cản trên bước đường thành công của ta. Tin vui là các Điểm mù cũng không khó trị. Hầu hết chúng chỉ ‘vô hình’ với bản thân mình nhưng lại hiện rõ rành rành trong mắt người khác.
Những khách hàng đáng mến thường tìm đến mình để có thể nhìn thấy và vượt qua các Điểm mù nguy hại này. Hiện nay có rất nhiều loại ‘kính chiếu yêu’ phổ biến để nhìn thấy rõ mồn một như: xin feedback của sếp/ nhân viên/ đồng nghiệp/ người thân hoặc các công cụ kiểm tra như StrengthsFinder chẳng hạn. Lên kế hoạch hành động để thay đổi hành vi cũng không khó. Tuy nhiên việc kiểm soát kỳ vọng về thời gian để có được hành vi mới lại là điều không phải ai cũng hiểu và đây là phần làm cho khá nhiều bạn bỏ cuộc vì thiếu kiên nhẫn, hoặc tự nghi ngờ năng bản thân.
Hồi luyện thi lấy chứng chỉ của ICF, mình phải xin khách hàng cho ghi âm mỗi buổi coaching. Ngồi nghe lại mà thấy quá chừng lỗi. Những lỗi mà trong lúc ngồi nói chuyện với khách hàng mình không tài nào nhận ra được. Quá hào hứng, mình ghi chép từng điểm một và quyết tâm lần sau không tái phạm. Thế mà không chỉ một, hai lần sau mà có khi nhiều lần mình vẫn lặp lại cùng một lỗi. Và mình bắt đầu chỉ trích bản thân, nghi ngờ không biết mình có phù hợp với nghề này không và thấy chán ghét công việc này.
Thật may là tình cờ mình đọc được một bài viết của một bạn Coach khác. Thật sự áy náy vì mình đã quên mất nguồn ở đâu và cũng không nhớ tên bạn. Bạn ấy chia sẻ một nghiên cứu về các giai đoạn trong thay đổi hành vi. Chúng gồm những giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: ta không nhận biết được lỗi. Thậm chí còn ngạc nhiên khi có ai đó nói cho mình biết. (Giai đoạn blind spots)
Giai đoạn 2: ta tự nhận ra mình đã gây ra lỗi sau khi sự việc đã xảy ra.
Giai đoạn 3: ta cố gắng tự nhủ phải thay đổi nhưng chỉ tự nhận ra ngay sau lặp lại cùng lỗi ấy. Giai đoạn này có tên là Hindsight.
Giai đoạn 4: ta tự nhận ra khi ĐANG gây ra lỗi.
Giai đoạn 5: có tên là Foresight – ta chợt nhớ ra ngay trước khi ta định lặp lại hành vi cũ và kịp dừng lại đúng lúc. Đây được xem là giai đoạn thành công.
Tùy thuộc vào khả năng tự nhận thức và khả năng tự điều chỉnh hành vi của mỗi người mà số lần lặp lại trong mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu ta kỳ vọng bản thân sẽ phải vượt qua Điểm mù ngay khi nhận ra chúng là một điều quá tham vọng và kỳ vọng này chỉ làm chúng ta thiếu kiên nhẫn trên con đường phát triển bản thân.
Theo quan sát của mình, những bạn/ anh chị khách hàng nào có luyện tập thêm meditation hoặc mindfulness sẽ có thể tự quan sát hành vi của mình và nhanh nhanh rút ngắn số lần ở mỗi giai đoạn. Ngoài ra nếu ta tự động viên khích lệ bản thân thì sẽ có thêm nhiều năng lượng để đi nhanh.
Ví dụ như nếu ta ở giai đoạn 3 (hindsight) thay vì gào lên ‘Trời ơi, sao mình lại làm vậy nữa rồi.’ Ta có thể tự khen bản thân ‘Wow, mình đang ở giai đoạn 3. Lần sau mình sẽ làm tốt hơn’. Khi sang giai đoạn 4, ta có thể nói ‘Mình đang lặp lại lỗi và mình tự nhận biết mình đang làm lỗi. Đây là một sự tiến bộ lớn. Mình sắp sang giai đoạn foresight rồi. Tuyệt vời!’
Hy vọng trong bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm kiên nhẫn trên con đường phát triển bản thân, và cũng có thêm chút kiên nhẫn cho những người xung quanh mình nhé. 😉
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#HowOntologicalCoachingCanHelp