“Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.”
(Nhà Giả Kim – Paulo Coelho)
Có thể nói, Nhà Giả Kim không hẳn là cuốn sách tui mê nhất, nhưng có những câu nói trong sách ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến cuộc đời tui. Câu trích trên là một ví dụ. Vậy, tui khao khát điều gì?
Một trong những thứ tui mong mỏi nhất, đó là hiểu bản thân mình hơn. Hiểu mình muốn gì và có thể làm điều gì tốt nhất. Điều này nghe có vẻ lạ với nhiều người biết tui, nhưng thiệt ra tui có không ít hoang mang về chính mình. Đó là câu đố “hiểu mình”. Tui may mắn thường nhận thẻ Priority Pass của cuộc đời, được học hành bài bản, và là đứa thích học, được vào làm công ty mình ưa thích (dù bằng cách không giống ai), rồi được quen nhiều người vừa có tài vừa có tâm (dù ai quen tui cũng hay gọi “yêu” tui là đồ khùng, crazy, điên các kiểu), và kết quả là tui có rất nhiều lựa chọn cho công việc của mình. Cái éo le của việc có quá nhiều lựa chọn là nhiều khi bạn không quyết tâm đi theo 1 con đường nào cả. Mà tui không muốn chỉ nhận một “công việc”, tui muốn tạo một sự nghiệp. Đó là câu đố “làm gì”.
Rồi đời đưa tui đẩy một hồi, tui bước chân vào đại học British Columbia tại Vancouver, Canada. Ngày tui tốt nghiệp MBA, cái đứa mang tiếng thủ khoa tui lại hoang mang ngồi hỏi giáo sư (thầy có tâm lắm, mai mốt tui sẽ viết về thầy), “em muốn học tiếp. Thầy nhận em được không?”. Thầy trả lời “Thầy hoàn toàn có thể. Nhưng thầy không muốn em dừng lại ở Hawaii. Hãy đến 1 trường lớn hơn!”. Lúc đó tui choáng, nghĩ trong đầu “trời ơi vầy là quá sức tui rồi. Tui chỉ muốn đi đâu đó để mở cái đầu tui ra, thầy còn đòi tui phải đi xa”. Vậy mà cuối cùng tui đến trường lớn hơn thật!
University of British Columbia (UBC) đứng đâu đó trong top 50 thế giới. Trường đẹp và quy mô đến choáng ngợp. Tui nói với 1 giáo sư trong trường, “thầy ơi, UC Berkeley cũng không đẹp bằng UBC nữa”. Ổng trả lời “at the campus level, UBC is hard to beat!” (nếu xét về nguyên cái trường, khó đứa nào địch lại UBC lắm”. Ở UBC tui lại may mắn nhận một học bổng nhỏ trong chương trình Đào tạo lãnh đạo cộng đồng (Community Leadership Program). Chương trình này được thiết kế để tăng cường khả năng lãnh đạo của nhân viên trong trường, và có một số suất dành cho sinh viên. Tui là 1 trong vài đứa sinh viên “hên”. Có thể nói, 6 tháng chương trình được xây dựng trên 2 tiếng “Gallup”.
Có nhiều công cụ giúp “chẩn đoán” và phát triển tiềm năng con người, và UBC chọn Gallup Strengthfinder. Đầu chương trình đào tạo, mỗi thành viên được yêu cầu dùng link trường đã mua để làm bài trắc nghiệm. Lúc tui làm, tui đọc trong trang web, thấy có nói về Gallup coach và họ sẽ giúp bạn khai thác hết sức mạnh của Strengthfinder. Tui nghĩ “thế nào cũng mắc vãi ra. Mà kiếm đâu ra coach”.
Rồi, tháng sau bà chị thân, một chuyên gia nghiên cứu dày dặn, đùng đùng thông báo “nè ta phát hiện ra cái này rất hay. Thực sự rất thích triết lý “tư duy tích cực” của Gallup vì nó sẽ giúp nhiều người nhận ra tài năng và mài dũa sức mạnh của mình. Nên ta nghỉ hẳn việc rồi, đã tốt nghiệp khóa Gallup coach, và ta sẽ là coach chính hiệu!” Tui la làng “trời bà khùng hả! Cái vị trí sang chảnh của bà nhiều người muốn còn bà thì bỏ. Cái coach đó ở Việt Nam người ta không hiểu nhiều lại nghĩ bà đi làm trắc nghiệm dạo lại dở hơi. Mà sao cái Gallup nghe quen quen nhỉ?”
Tui mới ớ ra, á thì ra bả chính là người “coach” mà tui từng thắc mắc và khao khát muốn được gặp. Rồi tui được bả coach. Phải nói tui nể sự hiểu biết của bả. Coach có kiến thức vững vàng đã khác, coach có kiến thức kết hợp với hơn chục năm mài dũa con mắt cú vọ của dân nghiên cứu càng khác. Bả đã giúp giải thích những câu hỏi đau đáu trong tui “Vì sao tui luôn mâu thuẫn. Tui vừa có thể thích thú giao tiếp với bạn bè mới, thuyết trình họp hành chưa bao giờ kém thú vị với tui, nhưng tui cũng có thể điềm nhiên chiêm nghiệm chục cuốn sách cả tháng trong nhà không cần nói chuyện với ai?” “Vì sao tui lại tự đâm đầu vào những mối quan hệ khó nhằn mà ai cũng thấy không thể cho quả ngọt?” “Vì sao tui thích khác người?” “Vì sao tui làm nơi nào chừng 2 năm là đã muốn đi nơi khác?”
Nhiều câu hỏi “vì sao” lắm, bả giúp tui nhìn ra câu trả lời một cách “tâm phục khẩu phục”. Rồi ghê hơn, bả bắt tui phải tự hỏi tiếp, xa hơn “với đứa không thể “thiết quân luật” như tui, phải làm gì để tui tự quản lý mục tiêu của mình?” “Dù tui thích nói thích kể nhiều vậy đó, nhưng tui đã thực sự đạt được độ “chín” trong khả năng diễn đạt và thu hút của mình chưa?” “Nếu tui có quá nhiều lựa chọn, làm gì để lược bỏ những thứ rườm rà?”
Tui không dám nghĩ mình chắc chắn sẽ đạt gì ghê gớm sau những buổi coach đó, nhưng tui có thể khẳng định mình bắt đầu nhìn chính bản thân mình, nhìn xung quanh, tương lai và quá khứ qua một lăng kính khác, ôn hòa hơn, điềm tĩnh hơn, bao dung hơn, và tích cực hơn.
Vậy đó, tui may mắn được biết đến và sử dụng 1 công cụ đã được xem xét và chọn lọc bởi hai tổ chức tầm cỡ là University of British Columbia và Unilever, rồi tui lại nhận được 1 bà coach rất giỏi từ trên trời rơi xuống dõi theo tui cả tháng trời. Tui may quá xá may. Mà thiệt tình, nghĩ đi nghĩ lại chỉ có thể do cả vũ trụ đã hùng hục kéo đẩy tui mới đưa tui tới đây được, nên mình cứ sống lạc quan đi há. Làm theo câu status của nhỏ em Tuyen Duong:
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên
Nhưng điên điên thì đời sẽ vui hơn nhiều
“Điên điên” thử bước ra khỏi nhận định cố hữu rằng mấy cái test vớ vẩn này chả mần ăn được gì cả, rằng trước sao giờ cứ để y chang vậy. Làm thử đi, đời vui hơn, thiệt đó!
PS: Trong hình là cái thẻ Top 5 Gallup Strengths của tui, mỗi thành viên trong nhóm đều phải đeo nó trong buổi training tại UBC để tự nhắc nhớ bản thân mình, rồi quan sát thẻ của mọi người xung quanh. Mỗi lần trò chuyện về thẻ Gallup của từng người rất vui. Bên cạnh là tấm thiệp cảm ơn của 2 Student leaders trong nhóm project của mình. Nhờ khóa training này mà tui ngộ ra nhiều thứ hay ho lắm, nhận những lời chân thành cảm thấy mình đã làm điều có ích, tối nằm ngó cái trần nhà cười miết luôn!
Written by: Nguyen Phan Phuong Trinh