Những người theo đạo Hindu xem bò là thần linh, tôn sùng bò như vị thần. Ở Ấn Độ có nhiều đền thờ bò. Vì thế đạo Hindu cấm kỵ ăn các chế phẩm từ thịt bò hay làm các hành động ngược đãi, tổn hại đến loài bò.
Lợn lại bị coi là loài vật ô uế và bị cấm ăn trong luật Hồi giáo. Trong đạo Hồi thì thịt lợn là loại thức ăn cấm kị và người theo đạo Hồi kiêng thịt lợn.
(Nguồn: Wikipedia)
Tưởng tượng nếu mình được sinh ra trong một gia đình đạo Hindu ở Ấn Độ hoặc có bố mẹ theo đạo Hồi và được sinh ra ở Pakistan vào cái thời vài chục năm về trước, khi mà internet chưa có, thông tin, giao thông đi lại giữa các nước chưa được thuận tiện như bây giờ. Mình không biết được rằng trên thế giới có nhiều tôn giáo/ tín ngưỡng khác nhau. Rồi một hôm tình cờ mình chứng kiến một người nước ngoài đến quê hương mình, ngồi ăn một đĩa thức ăn có thịt bò hoặc thịt heo, chắc hẳn mình sẽ thấy giận (Anger) hoặc ghê tởm (Disgust).
Thông điệp của:
Anger: This is wrong or unjust.
Disgust: This experience leaves a bad taste in my mouth.
Cơ mà nếu mình là người Việt Nam, không theo đạo nào, thì nhiều khả năng việc chứng kiến ai đó ăn thịt bò là không có gì sai và thịt heo cũng bình thường/ chẳng có gì phải ghê tởm phải không?
Chắc hẳn bạn cũng vừa mới nhận ra là CẢM XÚC ĐƯỢC TẠO RA phần lớn từ việc chúng ta TỰ DIỄN DỊCH những sự việc đang xảy đến với mình. Và việc não chúng ta tự diễn dịch sự việc ấy như thế nào/ theo chiều hướng nào phụ thuộc vào môi trường mình được sinh ra, tôn giáo, nền giáo dục, trải nghiệm và cách mình đang nhìn nhận cuộc sống…
Hồi mình làm ở công ty cũ ở VN, mọi chuyện thuộc nhóm “admin” như in hợp đồng, photo hồ sơ… có thể nhờ cấp dưới làm hộ dễ dàng. Mà thật ra là không cần nhờ, các bạn tự động in rồi còn dán sticker ở những chỗ cần chữ ký để mình ký cho nhanh. Đến hồi sang làm vị trí ở Regional team, thời gian đầu mình thấy tức âm ỉ vì phải tự mình in, đọc và ký tất cả những hợp đồng. Tức ghê hơn khi nhìn sang thì thấy team mình mặt “dửng dưng” như không có chuyện gì xảy ra.
Sau đó mình quan sát xung quanh, thấy peers của mình cũng làm y chang. Thậm chí cấp cao hơn như anh Global Senior Director có đôi khi vẫn phải tự mình đi photo một số giấy tờ nào đấy. Khi có những quan sát này thì mình mới buông bỏ được cục Tức vì mình học được ở môi trường mới, chuyện team leaders phải xắn tay lên tự làm những việc admin như thế là bình thuờng. Sau này có khi mình còn thấy xấu hổ mỗi khi nhờ team làm chuyện admin cho mình.
Resentment: It shouldn’t be like this; this is unfair; I shouldn’t have to do this.
Shame: I broke the standards of my community.
Mình học được rằng, cách mình được đối xử nếu được LẶP ĐI LẶP LẠI THEO THỜI GIAN và được ĐỒNG THUẬN bởi nhiều người trong cùng một môi trường làm việc tạo nên NIỀM TIN về sự công bằng trong tâm trí mình.
Mình cũng học được rằng niềm tin không mang tính ĐÚNG/ SAI. Nếu mình không nhận ra được gốc rễ của những niềm tin này (chúng đến từ đâu, do đâu mà mình có được), mình sẽ dễ dàng tức/ giận khi chuyển sang môi trường làm việc mới, khi mà định nghĩa về sự công bằng được tập thể này nhìn ở một góc khác.
Dạo gần đây mình hay nhờ UPS nhập sách về. Mỗi khi sách chưa được giao như đúng lịch hẹn mình hay gọi lên tổng đài nhờ kiểm tra hành trình của sách. Tuần trước mình gặp được một bạn và mình quan sát thấy cục Bực bội (Frustration) phình to khá nhanh khi nói chuyện với bạn này. Bỏ điện thoại xuống, mình tra từ điển cảm xúc:
Frustration: It should’ve already happened; it shouldn’t be this hard.
Mình nhận ra, bạn này đã hỏi quá nhiều thông tin, nào là số truy tìm kiện hàng, email mình nhận được là từ nhà in hay từ UPS, có ai gọi điện cho mình chưa,… và bạn mất hơn 5 phút vẫn chưa có giải pháp cho mình.
Với Frustration, mình hiểu là mình bị frustrated là do mình đang so sánh hiệu quả công việc của bạn theo một tiêu chuẩn nào đó. Chiêm nghiệm, mình nhận ra tiêu chuẩn của mình được tạo nên từ TRẢI NGHIỆM của 02 lần trước mình được làm việc với 02 bạn UPS khác. Hai bạn này chỉ hỏi mình đúng một câu “Số truy tìm là bao nhiêu?” là đã có thể cho mình giải pháp trong 2 phút.
Mình bất ngờ nhận ra NIỀM TIN về cái tiêu chuẩn chuyên nghiệp/ nhanh/ hiệu quả được tạo ra chỉ sau HAI lần làm việc với HAI bạn ở bộ phận dịch vụ khách hàng của UPS. Frustration đến ngay lập tức khi cái lần thứ 3 không được nhanh như hai lần đầu. Trong khi mình hoàn toàn không biết tiêu chuẩn UPS đặt ra khi giải quyết sự cố cho khách hàng là trong thời gian bao lâu. Có đôi khi 10 phút là tiêu chuẩn chứ không phải 2 phút (như niềm tin của mình), và 2 phút có thể là sự quá may mắn cho mình.
Hy vọng những chia sẻ nho nhỏ này giúp bạn nhận ra rằng cảm xúc không phải là phạm trù bí ẩn, đến và đi không có lý do, hoặc “được mang tới/ gây ra” bởi ai đó trong cuộc sống của mình.
CẢM XÚC là do mình từ TẠO RA phần lớn từ việc chúng ta TỰ DIỄN DỊCH những sự việc đang xảy đến với mình.
… Sự tự diễn dịch này phụ thuộc vào MÔI TRƯỜNG mình được sinh ra, TÔN GIÁO, nền GIÁO DỤC, TRẢI NGHIỆM và cách ta đang NHÌN NHẬN cuộc sống này.
…Sự tự diễn dịch được lặp đi lặp lại theo thời gian sẽ tạo ra NIỀM TIN và dễ dàng tạo nên những cảm xúc khó chịu khi sự việc xảy đến không đúng với niềm tin của mình.
Hiểu được bản chất và thông điệp của cảm xúc sẽ giúp mình nhìn sâu vào những niềm tin đã được hình thành trong cuộc sống của mình. Từ đó giúp ta có thể LÀM CHỦ ĐƯỢC SUY NGHĨ và LÀM CHỦ ĐƯỢC CẢM XÚC của chính mình.
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions
Thông điệp của các cảm xúc được trích dẫn từ sách: The field guide to emotions by Dan Newby & Curtis Watkins.