Tội lỗi (Guilt)

Tội lỗi có ước mơ sau này được làm thầy Giám thị. Hễ mình làm gì đó sai sai là nó không bao giờ để yên.

Thông điệp của Tội lỗi: “Khi làm điều đó, mình đã phá vỡ TIÊU CHUẨN của chính mình.”

Hôm trước Tết, trời se lạnh, trong vô vàn món ăn quê nhà không thèm, lại đâm thèm món Masala nấm ăn với bánh Nann tỏi của các bạn Ấn. Buổi xế không ăn, dành bụng để ăn thiệt ngon buổi chiều. Chiều ngồi chờ anh Grab giao hàng, sung sướng mở hộp, mùi thơm nức, chấm miếng bánh Nann thì: Ủa cái gì vậy ta? Sao có mấy miếng thịt cừu?

Thì ra bạn chủ quán muốn lấy lòng khách đã tự động “nâng cấp” món Masala nấm rau củ thành Masala cừu. Từng là fan ruột của Masala cừu, đã từng ăn mỗi trưa không biết ngán, sao mình không biết đây là món tuyệt chiêu của các nhà hàng, nhưng giờ thì bụng sôi réo mà đồ ăn ngon trước mắt lại không được ăn. Giận quá bốc ngay điện thoại liền:

“Chị ơi hồi nãy đặt Masala nấm sao giờ có thịt cừu?”
 “Món có cừu đắt tiền hơn đó chị
 “Nhưng ở nhà ăn chay làm sao ăn được?”
Sững sờ trong vài giây…
“Xin lỗi chị tại anh đầu bếp ảnh nấu…”

Vài phút sau “Chị ơi, cho em địa chỉ để giao hàng lại, tụi em thấy áy náy quá “Thôi lỡ rồi, không sao

Chỉ có vậy mà Tội lỗi nó theo dằn vặt mình cả buổi chiều “Người ta thấy bạn thích món ăn của người ta, đặt hàng lần hai nên người ta cho bạn thêm cừu, vậy mà bạn không chịu đợi nguôi giận nhắn tin là được rồi, gọi điện phàn nàn làm chi để quản lý và đầu bếp phải to tiếng với nhau.”
“Vậy bạn nói mình nghe là mình đã phá vỡ TIÊU CHUẨN gì của bản thân?”
“Bạn đã hứa cố gắng không tạo ra năng lượng xấu cho người xung quanh và lần này bạn đã vi phạm”
“Uhm… mình đã vi phạm lần này vì mình quá đói. Mình chấp nhận là chưa sống được như tiêu chuẩn đã đặt ra trong trường hợp này. Lần sau mình sẽ đợi nguôi giận hẳn rồi mới nói chuyện với người ta.”

Tội lỗi ra đi và lòng mình nhẹ nhàng hơn.

Đó là câu chuyện của vài tuần trước. Tội lỗi chỉ ở cạnh mình vài giờ. Ngày xưa nó ở với mình lâu lắm, đôi khi cả tuần rồi thỉnh thoảng lại mang chuyện cũ ra nhắc nhở. Nó cũng ở với các bạn khách hàng của mình lâu nữa. Có bạn gặp mình mà mệt mỏi vì nó cứ theo lãi nhãi kết tội người ta. Cho đến khi hỏi ra tiêu chuẩn gì, từ đâu bạn lại tự đặt ra những tiêu chuẩn đó thì mới nhẹ lòng.

Khá nhiều trường hợp tiêu chuẩn các bạn tự đặt ra là cận trên của sự hoàn hảo như không bao giờ làm cho người khác buồn, luôn luôn phải giúp đỡ người khác trong mọi hoàn cảnh, … mà chưa nhận ra rằng chúng ta sẽ không bao giờ chạm đến sự hoàn hảo, chúng ta vẫn đang trên con đường phát triển bản thân, mỗi ngày tiến một bước gần hơn đến sự hoàn hảo là tuyệt vời lắm rồi.

Đặt ra tiêu chuẩn để vươn tới, để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày là điều đáng quý. Nhưng nếu Tội lỗi đang thăm viếng bạn quá thường xuyên, hút hết năng lượng tích cực của bạn thì đã đến lúc bạn cần “nói chuyện” với bạn ấy để xem xét lại những tiêu chuẩn mình đang tự đặt ra cho chính mình. Bạn có thể thử những câu hỏi sau:

  1. Mình đã phá vỡ những tiêu chuẩn nào của bản thân trong tình huống đó?
  2. Những tiêu chuẩn đó từ đâu mà ra?
  3. Mình sẽ giữ hay sẽ điều chỉnh lại bộ tiêu chuẩn này?
  4. Nếu giữ lại, mình sẽ làm gì để không vi phạm lần sau?
  5. Nếu thay đổi, mình sẽ thay đổi như thế nào?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach

#loveYOURemotions

Trích dẫn thông điệp của Tội lỗi:
Guilt: In doing that, I broke my own standards.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby.

The Works Partnership

“Thảo, trường mình mới nhận dự án coaching cho một big MNC, khách hàng là senior manager mới sang VN. Có muốn tham gia không?”

Đó là cái tin “định mệnh” mình nhận được cách đây gần hai năm từ thầy Marcus. Bụng bảo dạ: Senior manager thôi mà, sợ gì hông đi. Trả lời ngay: “Dạ đi chứ Thầy”. “Vậy gửi profile rồi đợi kết quả nha”.

Hai hôm sau email bay sang: “Thảo, khách hàng đồng ý rồi. Đây là profile của khách hàng và các thông tin chi tiết”. Mở files ra, một anh C-level cùng hàng loạt hồ sơ giải thích cách thức làm việc với nhiều bên cho một dự án lớn. Tim mình đánh thót một cái. Không tin vào mắt, lật đật mở tin nhắn ra xem lại “Ủa tin nhắn ghi Senior Manager mà. Huhu”.

Thôi đã phóng lao phải theo lao. Lật đật thành thật email cho Thầy: Thầy ơi, trước giời giờ em có làm việc với vài anh chị C thật. Nhưng mà người ta tin tưởng mình rồi tự tìm tới, chứ làm dự án với nào là HR vùng, CEO của công ty khách hàng rồi báo cáo ba bốn bên vậy em không biết phải làm sao hết.

May quá Thầy rất điềm tĩnh và chỉ bảo rất tận tình. Trong suốt dự án vài tuần lại email hỏi thăm xem tiến triển đến đâu. Vài tuần sau còn gửi thêm luôn một anh C khác cho mình. Kết quả ngoài mong đợi. HR hài lòng. Các anh hài lòng, còn hỏi xem có còn chương trình tương tự cho năm sau. Đích thân vợ của một anh còn làm quà Giáng Sinh tặng mình năm ấy: một cô Angel xinh xắn.

Đó là câu chuyện khởi đầu cho con đường Executive Coach mà mình hằng ao ước. Mình đã học được rất nhiều từ dự án đó và mãi mãi nó sẽ là một trải nghiệm không bao giờ quên. Với mình, những người dám mạo hiểm cho mình cơ hội đầu tiên luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của mình.

Còn vài ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 3 của Overflowinng Buckets – đánh dấu 3 năm rong ruổi của mình trên hành trình nhiều ý nghĩa này. Mình cũng xin chân thành cảm ơn tất cả những bạn/ anh chị đã gửi trọn niềm tin nơi mình và cho mình cơ hội được đi cùng một đoạn trên hành trình phát triển bản thân.

Thảo

PS.
Giới thiệu website của trường The Works Partnership để khoe profile của mình. Được có mặt trong danh sách này là một trong những điều mình chưa bao giờ dám nghĩ đến. 2020 đã cho mình quá nhiều hơn mong đợi.
http://theworkspartnership.com/test/executive-coaches/

‘Chuyện có gì đâu mà phải giận’

‘Có bình thường không nếu trong cùng một tình huống mà em thấy giận còn các đồng nghiệp khác cứ bảo ‘Chuyện có gì đâu mà phải giận’? ‘ 

Đó là một câu hỏi rất thú vị mình nhận được trong lớp học Love YOUR Emotions CN tuần trước. Thật tình cờ là mình vừa có một trải nghiệm vui ở một lớp học trước đó để chia sẻ ngay. 

Hôm ấy chiều muộn mình mới bắt đầu nhận được bài prework của các bạn gửi đến cùng lời dặn dò: ‘Chị ơi, những câu chuyện trong bài em chỉ chia sẻ với chị thôi, trong lớp em không thể mang ra thảo luận được’. Đọc xong mình choáng váng vì thất vọng. May là rất am hiểu bạn Thất Vọng nên mình biết ngay thực tế đang diễn ra không như mong đợi (không chia sẻ câu chuyện trong lớp thì làm sao hiểu bài và áp dụng được). 

Vài phút sau bình tâm lại, mình nhận ra bản thân cũng có lỗi vì không hướng dẫn rõ ràng nên các bạn có thể hiểu nhầm là chỉ chia sẻ những câu chuyện cá nhân cho mình đọc thôi. Rút kinh nghiệm liền mở file chỉnh sửa ngay phần hướng dẫn thật cụ thể cho những lớp sau để tránh Thất vọng ghé thăm lần nữa. Về phần lớp này, vì không có tình huống cụ thể để mang vào lớp phân tích, mình quyết định chơi khăm các bạn ấy. 

Khi các bạn đã yên ắng vào chỗ, mình nghiêm giọng: ‘Hôm qua, nhận được bài prework của các bạn nói rằng không thể chia sẻ các câu chuyện của mình trong lớp, chị cảm thấy thật sự thất vọng. Các bạn có thể cho chị biết mình đang có cảm xúc gì khi nghe chị chia sẻ cảm xúc thất vọng của chị?’

Cả lớp sững sờ trong vài giây và mình nghe những câu trả lời rất thú vị: ‘Ngạc nhiên’, ‘Lo’, ‘Sợ’, ‘Tội lỗi’, ‘Hoang mang’. Lớp học đã ồ lên khi nhận ra rằng: TRONG CÙNG MỘT TÌNH HUỐNG, MỖI NGƯỜI CÓ THỂ CÓ NHỮNG CẢM XÚC VÀ PHẢN ỨNG RẤT KHÁC NHAU, KHÔNG AI GIỐNG AI. 

Nếu bạn đã đọc cuốn ‘How emotions are made’ của Lisa Feldman Barrett – người đã nhận giải Guggenheim Fellowship năm 2019 trong lĩnh vực Neuroscience, và NIH Director’s Pioneer Award năm 2007 cho nghiên cứu cách não bộ tạo ra cảm xúc – đã cho rằng: ‘Cảm xúc của chúng ta không được xây dựng sẵn từ bên trong, nằm sẵn đó để chờ đợi được khám phá. Chúng ta tự tạo ra những trải nghiệm cảm xúc cho bản thân, và tự xây dựng nhận định của mình về cảm xúc của người khác’. 

Cách đây vài tuần, mình tình cờ gặp lại một chú họ trong tiệc cưới đứa cháu trai. Chưa mừng xong thì Giận đã đến khi nghe chú gào inh ỏi: ‘Trời ơi, sao lâu quá không gặp, giờ con ốm, xấu và già trước tuổi vậy’. Biết chú lo cho sức khoẻ của mình nhưng vẫn giận =)). Chiêm nghiệm lại mình phì cười nhận ra ‘ốm’ và ‘xấu’ không làm mình giận mà chữ ‘già’ mới làm mình tổn thương. À, thì ra ‘ai đó’ trước giờ xem trọng việc mình nhìn còn trẻ, ngấm ngầm tự hào điều đó nên giờ bị chê nên giận. Mà thật ra vài năm về trước ‘trẻ’ còn quan trọng chứ giờ còn quan trọng gì nữa đâu. Nghĩ đến đó xong buông bỏ cái suy nghĩ trẻ con ấy rồi cười chào tạm biệt bạn Giận.   

Cảm xúc của mỗi người được tạo ra từ những trải nghiệm rất riêng. Mỗi khi một cảm xúc nào đến và cứ vương vẫn mãi, đó là khi bạn ấy muốn nói với ta một thông điệp nào đó thật quan trọng với mình. Giải mã những thông điệp thú vị ấy sẽ giúp ta sống an yên hơn, yêu chính mình hơn và trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. 

Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp các bạn đón nhận và yêu tất cả những cảm xúc đến với mình. 

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

#loveYOURemotions

Direct Communication

DIRECT COMMUNICATION (Is clear, articulate and direct in sharing and providing feedback)- Năng lực coaching cốt lõi số 7 theo quy định của Liên đoàn Coaching Quốc Tế. Tạm dịch: NÓI THẲNG NÓI THẬT. ^^

Direct communication là kỹ năng mà mỗi khi sử dụng thường đi cùng với rủi ro làm mất lòng khách hàng/ sứt mẻ mối quan hệ với bạn đồng hành của mình. Đây là rủi ro phải cân nhắc rất kỹ vì chẳng dễ gì mà một người coach chỉ trong một vài lần gặp gỡ, mỗi lần gặp vài chục phút mà lại có thể xây dựng một mối quan hệ bền chặt để có thể cho những feedback có đôi khi làm khách hàng phật ý. 

Sự thật mình đã chẳng thể làm điều này hồi mới vào nghề vì nhiều lý do: chưa đủ trực giác/ độ nhạy để đưa ra feedback, sợ bạn đồng hành giận, sợ những điều mình nói ra chưa chính xác… Sau khi tự vượt qua hết mấy bạn Sợ ấy rồi thì … có đôi khi vẫn bị giận như thường. =)) Mà thôi tự nhủ mình đã làm điều tốt nhất có thể. 

Với những người bạn đồng hành như Thạch, mình thật sự ngưỡng mộ và khâm phục. Vì nếu là mình hồi vẫn còn xách giỏ đến công ty mỗi buổi sáng, chưa chắc mình đã chịu nghe ai nói về blind spots của bản thân. 

Mình tin rằng các công ty sẽ có được rất nhiều lợi ích khi có được những leaders luôn sẵn sàng lắng nghe, nhìn nhận blind spots của mình và cam kết vượt qua chúng. Vì đơn giản là ai cũng có blind spots cả, chúng ta có nhìn ra chúng để tiếp tục phát triển hơn mà thôi. 

Gửi Thạch: Biết ơn em đã dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc rất thật trong hành trình chúng ta đã đi qua. Chị rất vui vì đã đóng góp được một chút tro/ chút đất cho cái cây của em. Chị tin rằng team em và bất cứ công ty/ tổ chức nào sẽ thật sự may mắn khi có em là tài sản của họ.  

Sau đây là chia sẻ của bạn Lê Hoàng Thạch, CGO – Giám Đốc Tăng Trưởng của WeWe – ứng dụng Voiz, sau khi trải nghiệm Ontological Coaching. 

Mình viết bài chia sẻ này sau hơn 2 tháng kết thúc session Ontological Coaching với chị Thảo. Hơn 2 tháng là một khoảng thời gian khá dài, nhưng đối với mình đó lại là khoảng thời gian vừa đủ để suy ngẫm về những điều mình nghiệm ra được sau những session với chị Thảo. 

Đối với mình, sau khi kết thúc những session coaching đó là một cảm xúc rất là “released” (tiếng Việt chắc có thể tạm dịch là “giải toả”) vì chị Thảo đã giúp mình tự đặt câu hỏi, tự trả lời, tự nhìn nhận bản thân mình để có thể tự giải quyết những cảm xúc và ý nghĩa tiêu cực, thường tái đi tái lại, nhưng tự mình trước đây lại không thể xác định một cách rõ ràng. Với riêng trải nghiệm của mình, thì suốt 2/3 chặng đường đầu tiên cực kỳ khó khăn. Những kết quả mong muốn đạt được do mình đặt ra thì rốt cuộc đều là những miêu tả quá chung chung. Tuy nhiên, chị Thảo đã cực kỳ kiên nhẫn với mình với những câu hỏi và phản hồi khách quan cho những câu trả lời. Lần lượt từng mong muốn mơ hồ của bản thân mình được bóc tách và xác định lại dưới một lăng kính rất khoa học và lớp lang, để rồi trong session áp cuối, mình mới chợt nhận ra tất cả vấn đề của mình thật ra xuất phát từ một thứ cực kỳ đơn giản, một hành động mà mình thường làm tới mức không hề tự cảm nhận được, một “blind spot” thật sự! Khoảnh khắc nhận ra điều đó khiến mình có cảm giác kiểu như “sáng mắt ra” vậy, và chỉ cần mình nhận ra, và cố gắng điều khiển nó tốt hơn là cuộc sống đã thấy chất lượng hơn nhiều.

Hơn 2 tháng qua, mình gần như không cần phải cố gắng gồng sức để thay đổi bản thân, mà chỉ cần “mindful” về hành động mình đã nhận ra thôi, và thật sự mình thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thực sự rất tiếc là mình không thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề mà mình và chị Thảo đã cùng khám phá ra được vì có thể sẽ làm các bạn “biased” bằng cách này hay cách khác về bản thân của mình. Nhưng thật sự mình cực kỳ trân trọng trải nghiệm đã có cùng những session này, nhờ đó mà một “blind spot” của bản thân đã được nhận biết. Và đôi khi, chỉ cần nhận biết được đúng vấn đề là đã tương đương với việc giải quyết vấn đề rồi.

#HowOntologicalCoachingCanHelp

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

Link to ICF Core Competencies: https://coachfederation.org/core-competencies

P.S.: Hiện nay mình chưa ưu tiên thời gian cho mảng đào tạo hoặc mentoring cho các bạn quan tâm đến việc hành nghề coaching. Những chia sẻ trên FB là trải nghiệm và hiểu biết của mình. Nếu các bạn có thắc mắc, vui lòng comment câu hỏi sau mỗi bài post, mình sẽ trả lời trong phạm vi hiểu biết. Hiện tại mình không có thời gian để trả lời riêng hoặc gặp riêng từng bạn. Chân thành cảm ơn!