Chán (Boredom) – chỉ một từ ngắn gọn, súc tích vậy thôi nhưng bạn cảm xúc này có sức công phá rất lớn.

Lúc mới đến chơi Chán sẽ xui bạn làm việc qua loa một chút ‘Thường ngày mình vẫn làm việc rất tốt mà. Hôm nay nộp bài chất lượng thấp tí chắc cũng không ai nhận ra’. Chơi lâu dần Chán sẽ bảo bạn rằng ‘Ở văn phòng đâu có gì vui. Đi chơi đi’. Rồi một hôm thức dậy, bạn thấy mình chẳng muốn leo xuống giường nữa, thấy mọi thứ nhàn nhạt trôi qua, dường như chẳng còn điều gì có thể làm bạn hào hứng được nữa.

Nhiều ngày như vậy trôi qua và bạn bắt đầu hoang mang. Bạn hoài nghi không biết nghề nghiệp/ công việc mình đã chọn theo đuổi bao nhiêu năm nay có thật sự là con đường mình nên đi. Rồi bạn thấy lạc lối, bạn tin rằng để tìm lại được niềm đam mê trong công việc, bạn cần phải tìm cho bằng được câu trả lời cho những câu hỏi ‘Tôi là ai?’, ‘Tôi sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?’, ‘Đâu là sứ mệnh của tôi?’

Bạn ơi, thật ra cuộc sống của chúng ta không quá phức tạp đến như thế. Để tìm lại đam mê, để có thể sáng sáng hào hứng ngồi vào bàn làm việc, bạn thử xem mình rơi vào trường hợp nào trong những tình huống dưới đây.

  1. Chán/ lạc lối vì đang ở trong vùng an toàn quá lâu

Bạn đang rất giỏi trong một lĩnh vực nào đấy hoặc ít nhất là bạn đang toả sáng ở vị trí bạn đang đảm nhiệm. Bạn làm ra kết quả rất tốt, sếp khen, đối tác yêu mến, nhưng bạn vẫn thấy chán vì mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đều đều chẳng có gì có thể thử thách bạn.

Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn suy nghĩ xem: Những mục tiêu/ thử thách nào sẽ đáng làm mình khao khát chinh phục? (Hãy suy nghĩ và cảm nhận nhịp đập trái tim bạn)Làm cách nào bạn sẽ được đảm nhận những thử thách đó? Ai sẽ là người giúp bạn chạm đến những mục tiêu này? Những kỹ năng nào bạn cần có để đảm nhiệm những thử thách như vậy?

Mẹo dành cho cách bạn Sếp: Nếu bạn có nhân viên trong trường hợp này, chúc mừng bạn đang có lính giỏi, luôn thích chinh phục thử thách để phát triển bản thân. Bạn cần nói chuyện tìm hiểu xem nhân viên của mình thích những thử thách loại nào và tạo điều kiện cho bạn ấy được chinh phục. Nếu bộ phận của bạn không còn đủ thử thách, suy nghĩ xem những phòng ban khác có cơ hội phù hợp không. Điều này sẽ giúp công ty bạn giữ được người giỏi và phát huy hết tiềm năng của nhân viên.

2. Chán/ Lạc lối vì sợ thất bại

Bạn chán và bạn biết chính xác bạn thích gì nhưng bạn ngại thay đổi vì bạn sợ rủi ro và bạn sợ thất bại. Mọi thứ ở nơi bạn đang làm việc quá an toàn. Bạn dường như đang có tất cả trừ đam mê trong công việc. Chọn điều bạn thích có thể phải đánh đổi với những rủi ro không lường trước được: môi trường làm việc mới không phù hợp, sếp không tốt bằng, đồng nghiệp không dễ thương bằng, nguy cơ mất việc ở nơi mới…

Khi bạn đang ở trạng thái này, bạn tin rằng chỉ có một offer hoàn hảo (mọi thứ phải vượt trội/ tốt hơn hẳn về mọi mặt nơi bạn đang làm) thì bạn mới gật đầu. Không may là một offer hoàn hảo như thế dường như không tồn tại vì cuộc sống luôn luôn có nhiều ẩn số. Và thậm chí nếu cuộc sống không có ẩn số, mọi thứ đều có thể dự đoán trước thì Chán rồi sẽ lại nhanh nhanh chộp lấy bạn ở nơi mới.

Trong trường hợp này, bạn thử chiêm nghiệm xem: Điều gì thật sự quan trọng với bạn tại thời điểm này? Thời điểm nào là lúc bạn có thể hoàn toàn rời bỏ vùng an toàn này để sống với giấc mơ của bạn? Những bước đầu tiên bạn có thể chuẩn bị từ hôm nay cho thời khắc quan trọng đó là gì?

Việc bắt tay từng chút một từ ngày hôm nay có thể sẽ giúp bạn có thêm chút hào hứng và càng tìm hiểu/ chuẩn bị, bạn càng cảm thấy bớt lo/ sợ cho con đường sắp tới.

3. Chán vì không hiểu chính mình

Các bạn này không biết mình có những tài năng/ thế mạnh gì. Khi đạt được thành tựu, các bạn ấy không biết tự công nhận bản thân. Tệ hơn, khi mắc lỗi, các bạn lại hay tự chỉ trích và hay nhìn thấy những điều mình chưa làm tốt. Lâu dần, các bạn mất phương hướng và không biết mình thật sự giỏi, có thể phát triển ở những lĩnh vực nào.

Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn hãy bắt đầu hành trình học yêu chính mình bằng cách tự công nhận bản thân MỖI NGÀY từ những điều mình đang làm tốt, dù nhỏ đến đâu. Cố gắng kết nối chúng với những tài năng/ thế mạnh của mình.

Quan trọng hơn cả là DỪNG chỉ trích/ nói xấu bản thân. Tập trung mài giũa, phát triển những điều mình đang làm tốt để ngày một tốt hơn. Nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày ấy sẽ dần dần thay thế sự trống rỗng mà Chán đang mang đến cho bạn.

Trên đây là một vài quan sát của mình trên con đường coaching, mình cũng không chắc đã bao quát hết tất cả nhưng hy vọng sẽ hữu ích cho bạn nào đấy.

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach