Chatter – the international bestseller by Ethan Kross

Tác giả Ethan Kross là tiến sỹ, giáo sư từng đoạt giải thưởng tại Khoa Tâm lý học Đại học Michigan và Trường Kinh doanh Ross. Anh là giám đốc Phòng thí nghiệm Emotion & Self-control.

Ethan đã tham gia thảo luận chính sách tại Nhà Trắng, phát biểu tại TED và SXSW, và tham vấn với một số giám đốc điều hành và tổ chức hàng đầu thế giới. Anh được phỏng vấn về nghiên cứu của mình trên CBS Evening News, Good Morning America, Anderson Cooper Full Circle và NPR’s Morning Edition. Nghiên cứu của anh được giới thiệu trên The New York Times, The Wall Street Journal, The New Yorker, The New England Journal of Medicine và Science.

Chatter là gì?

Theo định nghĩa của Ethan, Chatter là một phần của tiếng nói nội tâm (inner voice) trong mỗi chúng ta.

Chatter là vòng lặp của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực không lối thoát, khiến cho quá trình tự quan sát và phân tích các suy nghĩ, cảm xúc và hành vi bản thân (introspection) trở thành một lời nguyền cho chính mình.

Chatter xuất hiện khi chúng ta gặp sự cố trong công việc hoặc hiểu lầm về bạn bè/ người thân yêu hoặc trải qua một sự kiện chấn động tâm lý, ta bắt đầu suy nghĩ nhiều về chúng và chìm đắm trong cảm xúc tồi tệ. Sau đó, chúng ta lại nghĩ về nó. Và lại nghĩ về nó. Chúng ta tự vấn với hy vọng khai thác được người hướng dẫn bên trong mình nhưng thay vào đó lại tìm thấy nhà phê bình bên trong mình. Cái vòng luẩn quẩn tiêu cực đó tạo ra Chatter.

Mình nhận ra: chiêm nghiệm, tự soi xét bản thân là việc nên làm. Nhưng nếu tự soi xét và thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân (ví dụ như tự chỉ trích bản thân) lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, tạo thành thói quen thì đó là dấu hiệu ta đã bị Chatter kiểm soát.

Trong cuốn sách này, mình ấn tượng nhất là kết quả nghiên cứu tâm lý học của tác giả về RUMINATION và THE CORUMINATION TRAP.

RUMINATION (tạm dịch: nghiền ngẫm, nhai đi nhai lại một vấn đề nào đó)

Nếu dành thời gian quan sát tâm trí, chúng ta dễ dàng nhận ra bản thân có thói quen hay nhớ lại chuyện quá khứ. Những suy nghĩ tiêu cực, được nhớ lại/ nghiền ngẫm/ nhai đi nhai lại theo thời gian sẽ được tăng thêm sức mạnh. Đến một lúc nào đó, chúng trở thành niềm tin, suy nghĩ chủ đạo, thống trị và chi phối tâm trí. Và đó cũng chính là lúc chatter tạo ra sức công phá khủng khiếp cho sự nghiệp, cho sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần.

“Trời ạ, mình vừa ném hỏng một cú bóng trong trận thi đấu được chiếu trực tiếp trên truyền hình quốc gia”.

Một câu tự nhận xét nghe có vẻ rất bình thường này đã hạ gục Rick Ankiel – cực cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp của đội St. Louis Cardinals. Anh đã phải dừng thi đấu ở lúc đỉnh cao của sự nghiệp, mất thêm vài năm để vượt qua chatter của chính mình. 

Không chỉ làm tổn hại cho bản thân, chatter còn có khả năng giận cá chém thớt. Nghiên cứu cho thấy những suy nghĩ tiêu cực về những mối quan hệ căng thẳng trong công ty có thể làm ta quạu quọ/ nổi giận vô cớ với người trong gia đình.

THE CO-RUMINATION TRAP

Khi chúng ta mệt mỏi, cảm thấy bị tổn thương/ bị đối xử bất công hoặc bị chấn động vì một sự kiện nào đó, điều rất bình thường là chúng ta tìm đến người thân/ bạn bè để chia sẻ. Làm thế, ta cảm thấy nhẹ lòng, cảm thấy được an toàn và kết nối với người thương yêu.

Đọc sách, bạn sẽ giật mình khi đọc những nghiên cứu của Ethan về Co-rumination – mình không tìm được từ tiếng Việt – tạm hiểu là cái sự chia sẻ/ kể đi lể lại một sự kiện tiêu cực cho nhiều người và được cộng hưởng của một tập thể.

Việc kể đi kể lại của người trong cuộc làm cho chính bản thân người này phải trải nghiệm lại những cảm xúc tiêu cực nhiều lần. Thay vì giận ai đó một lần. Kể thêm 4 lần cho 4 người bạn thì người này phải trải nghiệm cơn giận tổng cộng 5 lần. Những người bạn nếu càng hỏi sâu, hỏi chi tiết những tình tiết, lại càng đào sâu vào trải nghiệm đau thương.

Với người nghe, nếu phải nghe càng nhiều, họ càng mệt mỏi và có xu hướng lãng tránh/ xa cách. Điều này khiến người trong cuộc cảm thấy cô đơn, cảm thấy như không ai hiểu mình và càng làm cho chatter trầm trọng hơn.

Theo Ethan, điều nên làm là đồng cảm ở mức độ vừa đủ và giúp cho người trong cuộc có góc nhìn mới để vượt qua Chatter của họ.

Những kết luận trên có được từ nghiên cứu từ những sự kiện lớn ở Mỹ như sự kiện 11/9, những vụ thảm sát ở trường học… khi các nhà nghiên cứu quan sát và đo lường trạng thái tinh thần của người trong cuộc và những người thân có liên quan khi họ chia sẻ lại trải nghiệm trong các group chat và trên mạng xã hội.

Một điều thú vị nữa mình học được là những hình ảnh bạo lực có tổn hại lên sức khoẻ tinh thần dù là chỉ xem chúng trong một thời gian rất ngắn. Trong một nghiên cứu, nhóm của Ethan đã cho đối tượng nghiên cứu xem những hình ảnh gây khó chịu (ví dụ như cảnh máu me) trong vòng HAI GIÂY (những người tham gia đã đồng ý xem những hình ảnh như vậy). Kết quả biểu hiện hoạt động cảm xúc trong não cho thấy những hình ảnh này gây đau khổ. Giờ thì mình đã hiểu tại sao FB làm mờ một số hình ảnh bạo lực và hỏi chúng ta có sẵn sàng xem chúng không rồi mới cho xem.

Đọc Chatter, bạn sẽ được nghe kể những câu chuyện thú vị từ những nhân vật nổi tiếng đã bị Chatter khống chế ra sao, học thêm được nhiều bài học thú vị từ nhiều nghiên cứu tâm lý học và các công cụ tác giả đã nghiên cứu có thể giúp chúng ta thoát khỏi Chatter.

Chatter, theo cảm nhận của cá nhân, là quyển sách không thể không đọc cho những ai thích tìm hiểu các hoạt động của trí não và thích việc chiêm nghiệm vì chiêm nghiệm không đúng cách thật sự nguy hiểm.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
Gallup Certified StrengthsFinder Coach
I partner with team leaders to co-create strengths-based cultures