‘Có bình thường không nếu trong cùng một tình huống mà em thấy giận còn các đồng nghiệp khác cứ bảo ‘Chuyện có gì đâu mà phải giận’? ‘ 

Đó là một câu hỏi rất thú vị mình nhận được trong lớp học Love YOUR Emotions CN tuần trước. Thật tình cờ là mình vừa có một trải nghiệm vui ở một lớp học trước đó để chia sẻ ngay. 

Hôm ấy chiều muộn mình mới bắt đầu nhận được bài prework của các bạn gửi đến cùng lời dặn dò: ‘Chị ơi, những câu chuyện trong bài em chỉ chia sẻ với chị thôi, trong lớp em không thể mang ra thảo luận được’. Đọc xong mình choáng váng vì thất vọng. May là rất am hiểu bạn Thất Vọng nên mình biết ngay thực tế đang diễn ra không như mong đợi (không chia sẻ câu chuyện trong lớp thì làm sao hiểu bài và áp dụng được). 

Vài phút sau bình tâm lại, mình nhận ra bản thân cũng có lỗi vì không hướng dẫn rõ ràng nên các bạn có thể hiểu nhầm là chỉ chia sẻ những câu chuyện cá nhân cho mình đọc thôi. Rút kinh nghiệm liền mở file chỉnh sửa ngay phần hướng dẫn thật cụ thể cho những lớp sau để tránh Thất vọng ghé thăm lần nữa. Về phần lớp này, vì không có tình huống cụ thể để mang vào lớp phân tích, mình quyết định chơi khăm các bạn ấy. 

Khi các bạn đã yên ắng vào chỗ, mình nghiêm giọng: ‘Hôm qua, nhận được bài prework của các bạn nói rằng không thể chia sẻ các câu chuyện của mình trong lớp, chị cảm thấy thật sự thất vọng. Các bạn có thể cho chị biết mình đang có cảm xúc gì khi nghe chị chia sẻ cảm xúc thất vọng của chị?’

Cả lớp sững sờ trong vài giây và mình nghe những câu trả lời rất thú vị: ‘Ngạc nhiên’, ‘Lo’, ‘Sợ’, ‘Tội lỗi’, ‘Hoang mang’. Lớp học đã ồ lên khi nhận ra rằng: TRONG CÙNG MỘT TÌNH HUỐNG, MỖI NGƯỜI CÓ THỂ CÓ NHỮNG CẢM XÚC VÀ PHẢN ỨNG RẤT KHÁC NHAU, KHÔNG AI GIỐNG AI. 

Nếu bạn đã đọc cuốn ‘How emotions are made’ của Lisa Feldman Barrett – người đã nhận giải Guggenheim Fellowship năm 2019 trong lĩnh vực Neuroscience, và NIH Director’s Pioneer Award năm 2007 cho nghiên cứu cách não bộ tạo ra cảm xúc – đã cho rằng: ‘Cảm xúc của chúng ta không được xây dựng sẵn từ bên trong, nằm sẵn đó để chờ đợi được khám phá. Chúng ta tự tạo ra những trải nghiệm cảm xúc cho bản thân, và tự xây dựng nhận định của mình về cảm xúc của người khác’. 

Cách đây vài tuần, mình tình cờ gặp lại một chú họ trong tiệc cưới đứa cháu trai. Chưa mừng xong thì Giận đã đến khi nghe chú gào inh ỏi: ‘Trời ơi, sao lâu quá không gặp, giờ con ốm, xấu và già trước tuổi vậy’. Biết chú lo cho sức khoẻ của mình nhưng vẫn giận =)). Chiêm nghiệm lại mình phì cười nhận ra ‘ốm’ và ‘xấu’ không làm mình giận mà chữ ‘già’ mới làm mình tổn thương. À, thì ra ‘ai đó’ trước giờ xem trọng việc mình nhìn còn trẻ, ngấm ngầm tự hào điều đó nên giờ bị chê nên giận. Mà thật ra vài năm về trước ‘trẻ’ còn quan trọng chứ giờ còn quan trọng gì nữa đâu. Nghĩ đến đó xong buông bỏ cái suy nghĩ trẻ con ấy rồi cười chào tạm biệt bạn Giận.   

Cảm xúc của mỗi người được tạo ra từ những trải nghiệm rất riêng. Mỗi khi một cảm xúc nào đến và cứ vương vẫn mãi, đó là khi bạn ấy muốn nói với ta một thông điệp nào đó thật quan trọng với mình. Giải mã những thông điệp thú vị ấy sẽ giúp ta sống an yên hơn, yêu chính mình hơn và trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. 

Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp các bạn đón nhận và yêu tất cả những cảm xúc đến với mình. 

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

#loveYOURemotions