Hôm qua được nhỏ em trong nhóm Mindfulness Lovers chia sẻ bài này của Thầy Thích Nhất Hạnh mà thấy một trời kỷ niệm ùa về.
Hồi đó bị Giận hành hạ quá (Giận quá mất khôn, làm người khác tổn thương xong lại thấy Tội lỗi dày vò) nên quyết tâm tìm sách học cách “khống chế” Giận. Đến khi tìm được cuốn “At home in the world” của Thầy mới học được cách thấu hiểu và thương cảm (Compassion).
Năng lượng của Giận rất mạnh mẽ. Trong vài giây Giận có thể xui khiến mình nói hoặc làm điều gì đó gây tổn thương cho người khác. Nếu không thể hiểu tại sao họ làm như vậy và sự hiểu này chưa chuyển hoá được thành tình thương (Compassion) thì khó có thể chuyển hoá được hoàn toàn năng lượng của Giận.
Khi năng lượng của Giận chưa được chuyển hoá hoàn toàn, mình hoặc là phải dồn nén cục giận vào trong (bị ấm ức khó chịu), hoặc Giận chuyển thành Ghét (không thèm nhìn mặt người kia nữa), hoặc là giận cá chém thớt (mang cục giận ở công ty về cho người nhà của mình).
Để hiểu và thương cũng không quá khó. Mình chỉ cần làm theo lời dạy của Thầy. Cách mình hay làm là hít thở sâu để bình tâm lại rồi tưởng tượng mình là người đó. Hãy tưởng tượng thật cụ thể mình được sinh ra trong gia đình của người đó, lớn lên như thế nào, đi học, đi làm ra sao. Tưởng tượng mình có cùng giới tính, cân nặng, chiều cao, cùng học thức, trình độ… thì mình sẽ hành xử như thế nào trong cùng hoàn cảnh ấy. Hãy tưởng tượng cho đến khi tim mình ấm lại. Đó là lúc Compassion đã đến. Và khi đã có thể thấu hiểu và thương thì tự nhiên giải pháp vẹn toàn cho cả đôi bên sẽ đến.
Mình và nhiều bạn đã làm được. Bạn hãy thử thực tập theo Thầy Thích Nhất Hạnh nhé!
P.S.: Bạn cũng có thể đọc bài này trong cuốn At home in the world của Thầy Thích Nhất Hạnh. Có thêm bài thơ Call me by my true name rất nhiều ý nghĩa.