[Góc chia sẻ dành cho các bạn quan tâm đến lĩnh vực Coaching]

Coaching PRESENCE – Tạm dịch: Sự có mặt trong giây phút hiện tại. 

Coaching Presence là năng lực Coaching Cốt lõi #4 được quy định bởi Liên đoàn Coaching Quốc Tế. Đây cũng là năng lực được Carly Anderson – một cây đại thụ trong lĩnh vực coaching thế giới, hiện là thành viên trong hội đồng chấm thi ICF – nhấn mạnh là nền móng để xây dựng tất cả các năng lực còn lại trong module ‘The Target Approach’ của bà. 

Để có thể thật sự có mặt trong giây phút hiện tại cùng khách hàng/ người bạn đồng hành đang ngồi trước mặt mình, Mindfulness đóng vai trò vô cùng lớn. Theo trải nghiệm của bản thân mình, không có Mindfulness sẽ không thể có Coaching Presence; không có Mindfulness, không thể xây dựng những năng lực coaching còn lại; và không có Mindfulness, mình không thể đạt đến cột mốc của ngày hôm nay. 

Mindfulness mang đến vô vàn lợi ích. Trong bài viết này, mình chia sẻ ba lợi ích lớn nhất quyết định sự thành bại trong coaching:  

  1. Lắng nghe hiệu quả: Mindfulness giúp mình hoàn toàn lắng đọng để nghe những điều khách hàng đang nói và cả những điều họ không nói. Đây là những ‘dữ liệu’ quan trọng để có được những câu hỏi màu nhiệm, giúp họ nhìn sâu, kết nối cảm xúc và lý trí cũng như cảm nhận cơ thể; từ đó tự nhận ra insights và có những góc nhìn mới về bản thân và mục tiêu của họ. 
  1. Duy trì những cảm xúc quan trọng trong coaching. Với mình Bình tĩnh (Calmness), Thương yêu (Compassion) và Tò mò (Curiosity) là ba cảm xúc thiết yếu mà không có Mindfulness, mình sẽ dễ dàng bị nhấn chìm trong những dòng cảm xúc của khách hàng. Và một khi đã bị ngập lụt trong mớ cảm xúc ấy, mình không thể sáng suốt giúp họ tìm được lối ra. 
  1. Tự quan sát và đặt những phán xét cá nhân sang một bên: nếu bạn đã đọc cuốn ‘Language and the pursuit of happiness’ của Chalmers Brother, bạn sẽ học được rằng mỗi cá nhân chúng ta là một cỗ máy đánh giá. Thông tin vào não thì phán xét (judgement) sẽ đi ra. Phán xét là rào cản lớn nhất của những câu hỏi màu nhiệm. Nếu ta không thể tự quan sát những đánh giá của mình và nhẹ nhàng cho chúng ra đi thì rất khó có thể đặt những câu hỏi màu nhiệm. Mindfulness là con đường hiệu quả nhất giúp ta tránh được trở ngại này. 

Luyện tập như thế nào? 

Mình có cơ duyên biết đến Mindfulness từ sách của Thầy Thích Nhất Hạnh một năm trước khi biết đến Coaching. Mỗi ngày mình thực tập một điều nho nhỏ học được trong sách như ngồi thiền, đi thiền, ăn thiền, cố gắng tự nhắc nhở mình trở về với hơi thở và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống trong từng giây phút trong hiện tại nhiều nhất có thể. Mình vẫn giữ những thói quen tốt này cho dù một ngày bận bịu đến đâu. 

Khi đến với Coaching, mình cảm nhận Coaching Presence có cái gì đó rất thân quen nhưng tại thời điểm ấy chẳng biết làm thế nào để kết nối Mindfulness với Coaching Presence và những Năng lực Coaching cốt lõi khác. Một cơ duyên khác đã đến rất bất ngờ khi mình được biết đến hai quyển sách của Doug Silsb ‘Presence-based Coaching’ và ‘The Mindful Coach’. Có thể nói đây là những mảnh ghép cuối cùng giúp mình về đích trong hành trình theo đuổi chứng chỉ Professional Certified Coach của ICF hơn một năm về trước. 

Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn đang tìm hiểu hoặc mới bắt đầu hành trình Coaching có thể đi nhanh hơn trên con đường nhiều ý nghĩa này. 

#HowOntologicalCoachingCanHelp

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

Link to ICF Core Competencies: https://coachfederation.org/core-competencies