Trong cuộc đời đi làm chắc hẳn không ít hơn một lần bạn phải tất tả đi tìm phòng họp khi chỉ còn vài phút nữa là một cuộc họp quan trọng bắt đầu. Mình bị nhiều lần lắm. Hồi đó mình ỷ lại văn phòng to rộng có nhiều phòng nho nhỏ, họp online nên chỉ cần lướt một vòng là thể nào cũng tìm được phòng, lo xa làm chi.
Hôm ấy mình cũng đợi đến phút chót rồi mới hối hả đi tìm phòng. Theo thói quen, mình lượn ngay đến một trong mấy cái phòng yêu thích nhất. Phòng này tầm nhìn thoáng đẹp lại có nắng sáng tự nhiên. Đây là phòng họp chung nhưng thỉnh thoảng cũng được dành riêng cho các sếp to. Mấy hôm trước đi ngang mình đã thấy có một tờ giấy dán ngoài cửa: “Phòng đang được dành riêng cho RJ“. Nhờ mấy đứa bạn đồng nghiệp rù rì, mình biết anh này đang quá cảnh ở đây vài tuần chờ ngày tiếp nhận vị trí Chairman ở một quốc gia Bắc Á to bự.
Chỉ còn ba phút nữa là cuộc họp bắt đầu mà cái phòng họp thì trống trơn, chẳng thấy cặp sách hay laptop gì cả, chỉ có một cái cốc ai đó uống dở trên bàn. Mình mừng rơn nghĩ bụng: “Chắc sếp không vào văn phòng hôm nay rồi. Phòng này là của mình. Yeah!”
Vừa mở laptop, mở loa ngoài nghe đứa đồng nghiệp bên kia bắt đầu thuyết trình rôm rả thì chủ nhân phòng họp cũng vừa về tới. Khỏi phải nói thì mấy đứa Lo, Sợ rồi cộng thêm Xấu hổ làm mình xanh mặt và tim đập loạn xạ. Ngay lập tức mình đứng dậy, xin lỗi và định thu dọn laptop. Thế mà rất nhanh, anh ấy, với giọng nghiêm nghị, nói: “Tôi đã book phòng này, nhưng bây giờ bạn đã vào cuộc họp rồi nên bạn ở lại còn tôi sẽ đi”.
Mình thật sự choáng vì cách hành xử vô cùng thấu hiểu, chuyên nghiệp và quá nhanh của anh sếp ấy. Ảnh hiểu mình đang ở trong tình huống căng thẳng là cuộc họp thì đã bắt đầu mà phòng họp thì không có. Sếp cũng không hề nghĩ đến địa vị của bản thân, hoàn toàn có quyền sử dụng phòng họp đã được dành riêng cho mình. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút gặp gỡ mà mình đã cảm nhận được sự thấu hiểu, được giúp đỡ và tôn trọng.
Câu chuyện này mình đã kể lại trong buổi tiệc chia tay khi được đặt câu hỏi “Có những người sếp nào đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn trong thời gian làm việc ở đây?”. Trong sự ngạc nhiên của mình, ai nấy đều lặng đi và mỉm cười xúc động.
Compassion (tạm dịch là Thương) là bạn cảm xúc mình đã từng nghĩ chỉ hay lui tới chốn tu viện hoặc hiện diện trong cuộc sống thường nhật khi có ai đó làm việc thiện nguyện. Mình cũng từng nghĩ có cái gì đó sai sai nếu thấy Compassion ở chốn công sở. Văn phòng là nơi không phù hợp với những cảm xúc yếu mềm, nhẹ nhàng. Nhất định Compassion chẳng thể phỏng vấn đậu vào các công ty đa quốc gia, nơi mà mỗi phút mỗi giây mọi người đều hừng hực lửa chiến đấu.
Nhưng thật ra với Compassion, ta không cần phải làm chuyện gì đó sướt mướt. Khi tạo cho nhân viên cảm nhận bạn là một người sếp có Compassion, đơn giản điều bạn muốn nói với họ chỉ là: “Tôi hiểu bạn đang gặp khó khăn gì và tôi sẽ ở bên bạn trong thử thách này”.
Trên hành trình coaching, được tham dự nhiều hội thảo và lắng nghe vố số câu chuyện về những người sếp của khách hàng, mình nhận ra Compassion chính là cảm xúc màu nhiệm có khả năng gắn kết sếp và nhân viên sâu sắc qua năm tháng.
Bạn đã bao giờ có trải nghiệm về Compassion ở nơi làm việc của bạn?
Bạn suy nghĩ gì về người sếp đã cho bạn cảm nhận cảm xúc này?
Bạn có muốn mang Compassion về team mình? Và bạn sẽ làm gì để team bạn cảm nhận được Compassion trong phong cách lãnh đạo đội nhóm của bạn?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions
Trích dẫn thông điệp của Compassion:
Compassion’s message: I am with you in your challenges.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby and Curtis Watkins.