“Our human compassion binds us to one another – not in pity or patronizingly, but as human beings who have learnt how to turn our common suffering into hope for the future”. 

– Nelson Mandela

Compassion (tạm dịch là Lòng trắc ẩn – ai dịch hay hơn, comment ở dưới bài này giúp, mình sẽ “chôm” và để lại lời cám ơn :)). 

Lòng trắc ẩn hay bị nhầm tưởng là cảm xúc chỉ đạt được khi ta bỏ danh vọng lại phía sau, vứt hết hoài bão, quên luôn bạn bè (nhất là mấy đứa chuyên rủ đi chè chén cuối tuần), vượt sông lội suối, tìm đến ngọn núi nào cao thiệt cao, leo lên đấy ngồi tu luyện mấy chục năm đến khi râu tóc bạc phơ. Có ai nghĩ vậy không? Tôi của ngày xưa nghĩ về cảm xúc này là vậy đó. Xong chặc lưỡi lắc đầu “Thôi khó quá bỏ đi”. 

Mà luyện để làm chi? Nó là cảm xúc dành cho các vị thiền sư mà. Mình người thường không cần luyện đâu. Đáp án: Cần! Rất cần! Đặc biệt là trong giới văn phòng, nơi chúng ta luôn phải đối mặt với những bất đồng quan điểm, tranh cãi (được gọi với cái tên rất chuyên nghiệp: Debate), xung đột (tên kiêu sa không kém: Conflict), hiểu nhầm (mà cứ đinh ninh là mình hiểu đúng)… rồi dẫn đến Tức giận (Anger & Resentment). 

Luyện có khó không? Không khó chút nào! Chỉ cần bạn làm hai chuyện: (1) Tò mò (Curiosity), (2) Thương (bản thân) mình một chút. Nghe có vẻ không liên quan nhỉ? 😉

Đầu năm tôi nhận được một hợp đồng làm hội thảo StrengthsFinder cho dàn quản lý cấp trung và cấp cao của một công ty đa quốc gia. Toàn bộ gần mười hội thảo đều thực hiện qua Zoom để tránh sự quấy nhiễu của bạn Corona. Hai hội thảo đầu tiên cho bộ phận Nhân sự và nhóm Management Trainees diễn ra vô cùng sôi nổi với thật nhiều năng lượng, tiếng cười, hàng loạt câu hỏi và trả lời tuôn ra không dứt. Hai buổi chiều dài trôi qua trong chớp mắt. Kết quả khảo sát có điểm số cao, hứa hẹn thành công vang dội cho toàn bộ dự án. 

Ngay khi hội thảo được mở rộng cho cấp quản lý của các phòng ban khác thì không khí khác hẳn. Một số camera nhất định ngủ trưa, làm cách gì cũng không chịu mở mắt; các bàn phím lại năng nổ quá mức, lọc cọc làm việc suốt; điện thoại chí chóe nằng nặc đòi được nói chuyện riêng với chủ nó. Kết quả khảo sát không tốt với một số nhận xét đau lòng, dù tôi và các bạn đối tác phòng Nhân sự đã cố gắng làm đủ mọi cách để giúp mọi người tập trung và làm không khí lớp học thoải mái nhất. 

Hôm ấy là sáng sớm thứ bảy mà Giận nhất định bắt tôi ngồi vào bàn gõ một chiếc email gửi các bạn HR. Mình đã làm hết sức rồi còn gì, lại còn cho nhiều hơn lúc dạy offline nữa chứ. Lúc đó chẳng nhớ thông minh cảm xúc gì đâu, cũng email cho người ta giận hờn đòi … nghỉ dạy. May thay còn chút bình tĩnh cuối thư mời họp tìm giải pháp. 

Các bạn đối tác sau khi hiểu những khó khăn của tôi thì chia sẻ rất chân thành về những khó khăn của học viên. Trong nhiều thông tin tôi nghe được, cụm từ “được đề cử tham gia khóa học” không hiểu sao lại để lại ấn tượng sâu sắc nhất. 

“Được đề cử đi học” có nghĩa là một ngày trời đẹp như mọi hôm, bạn đang ngồi ở bàn làm việc, cắm mặt phân tích, làm báo cáo, trả lời điện thoại của đối tác với hàng tá các cột mốc phải nộp bài đang chờ đợi bạn. Và rồi ‘ding’ từ trên trời rơi xuống hộp thư bạn một chiếc email của sếp với dòng chữ: “Chúc mừng! Bạn được đề cử đi học khóa “Yêu tài năng và thế mạnh của mình”…” Mục tiêu của khóa học được viết rất chi tiết trong email cùng hàng loạt những lợi ích của nó. Nhưng email dài quá mà cái danh sách công việc hôm nay lại còn dài hơn. Bạn chặc lưỡi “Thôi chút nữa đọc sau”. Và cái lời hứa “chút nữa” bị nhấn chìm sau vài chục cái email khác. Ngày hội thảo rồi cũng đến, bạn nhớ ra chưa đọc nội dung khóa học rồi bạn tự nhủ “Thôi vào lớp thế nào giảng viên cũng nói cho nghe”. Và rồi giảng viên là tôi, cứ đinh ninh rằng mọi thứ đã được thông báo tường tận và những học viên đến lớp là những người đã tự đăng ký ghi danh cho chương trình này. Ngồi trong lớp vài tiếng đồng hồ mà không hiểu mình sẽ nhận được điều gì, lợi ích ra sao trong khi công việc bay đến tới tấp thì đau khổ thật chứ. 

Các bạn HR và tôi đã làm một thay đổi nhỏ: Thông báo rõ mục tiêu khóa học cùng lợi ích ngay từ những phút đầu vào lớp. Điều này giúp giải quyết “nỗi đau’ của học viên. Sau đó là thông báo về trách nhiệm của hai bên để giải quyết “nỗi đau” của tôi. Cả lớp đều rõ trách nhiệm của giảng viên là đặt câu hỏi gợi mở giúp mọi người chiêm nghiệm, trao đổi và trả lời những thắc mắc nếu có; trách nhiệm của người học là dành trọn thời gian cho buổi học, chia sẻ những trải nghiệm và đặt câu hỏi cho giảng viên. 

Không khí của tất cả những lớp sau thay đổi đến chóng mặt. Rất thường xuyên chúng tôi nghe những câu “phàn nàn” như “Sao thời gian thảo luận nhóm ít quá. Cô giáo có ăn gian giờ không?”. Năng lượng của mọi người duy trì ở mức cao trong suốt hơn bốn giờ học. Riêng tôi còn nhận được email hỏi cách thức để trở thành một StrengthsFinder Coach. Vào buổi hội thảo cuối cùng, bạn HR và tôi được một bạn Director đề nghị ở lại vài phút để thảo luận xem làm cách nào có thể mang StrengthsFinder đến cho những nhân viên cấp dưới của bạn. 

TÒ MÒ ở đây đã giúp tôi ngồi xuống với đối tác của mình để tìm hiểu và lắng nghe những khó khăn/ “nỗi đau” của khách hàng. Nếu không có Tò mò, chắc chắn tôi sẽ kết luận “Chắc là mọi người giỏi quá rồi không thèm học khóa này” hay “Chắc đã học những khóa tương tự rồi nên không thích chương trình này” … rồi giận hờn không làm nữa. 

THƯƠNG MÌNH MỘT CHÚT là nói cho đối tác nghe mình đã làm hết sức rồi, chia sẻ những khó khăn để nhờ giúp đỡ. Nếu tôi không thương mình một chút thì sao? Thì tôi sẽ cố thêm nhiều chút, làm trò này trò kia trong lớp với sự mệt mỏi rồi ôm thêm cục Bực và Tức. Và cam đoan là những năng lượng tiêu cực này sẽ “được truyền’ ngay cho các khách hàng của tôi tại lớp học. 

Giải pháp sẽ đến rất nhanh khi cả hai hiểu được khó khăn/ “nỗi đau” của nhau. Chỉ cần TÒ MÒ và THƯƠNG MÌNH MỘT CHÚT thôi. 

Thứ 2 đến rồi, mọi người nhớ công thức đơn giản này cho tuần mới nhé. 

Have a compassionate working week ahead! ^^

Written by Pham Thi Thanh Thao

ICF Professional Certified Coach

P.S.: 

Nếu ai chưa TÒ MÒ được thì comment dưới đây. Hôm nào rảnh mình sẽ viết về hành trình mình đã luyện như thế nào để có được TÒ MÒ (Curiosity mindset). Đó là một hành trình unlearn – buông bỏ những điều mình đã được dạy trong hơn 10 năm. ^^