Tối qua mình đọc lại cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm của tác giả Masanobu Fukuoka (1913 – 2008). Đọc xong nằm trằn trọc không ngủ được vì một niềm vui khó tả. Đã trễ mất hai tiếng so với giờ đi ngủ thường nhật, mình tắt luôn báo thức vì tin chắc sáng mai chẳng thể nào thức dậy nổi và rồi sẽ vật vờ cả ngày. Thế mà hôm nay mình vẫn thức dậy sớm cùng với cái niềm vui khó tả tối qua. Một trải nghiệm thật kỳ lạ!
Cuốn sách đến với mình khoảng một năm về trước khi mình trên hành trình tìm hiểu làm cách nào để bỏ phố về quê =)). Đọc những bài chia sẻ của những người đi trước, mình mới biết có một kiểu làm nông chẳng-làm-gì-cả. Nghe xong thích liền. Cái đứa sức khoẻ không có, cầm cuốc không nổi, về quê làm nông mà chẳng-làm-gì-cả thì còn gì bằng. =))
Cụ Fukuoka là nông dân và là một triết gia sinh ra và lớn lên ở đảo Shikoku. Ông tốt nghiệp khoa Sinh học Ứng dụng tại Đại học Gifu. Vào năm 25 tuổi, khi còn đang làm việc tại phòng Thanh tra Thực vật của Cục Hải quan Yokohama, ông suýt chết vì bệnh viêm phổi cấp, sau đó lại bị trầm cảm. Nhưng cũng chính những trải nghiệm này mà ông đã có một trải nghiệm đặc biệt khác, làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông.
Ông nghỉ việc và bắt đầu sống một cuộc đời vô cùng đơn giản, nguyên sơ của một người nông dân trồng cam quýt và ngũ cốc, để chứng minh cho cả thế giới thấy được tính chân thật của những nhận thức mới của mình.
Cuộc cách mạng một cọng rơm là quyển sách đầu tiên của cụ Fukuoka kể về hành trình này. New York Review Books đã gọi cuốn best-seller này là “Zen and the Art of Farming”.
Trên hành trình làm nông rất zen và rất art của mình, cụ nhận bằng danh dự cao nhất từ cựu Thủ tướng Ấn Độ và hiệu trưởng của Đại học Visva-Bharati, Rajiv Gandhi; được trao Giải thưởng Ramon Magsaysay cho Dịch vụ Công cộng, được ví như “Giải Nobel của Châu Á,” tại Philippines. Cụ là người đầu tiên nhận được Giải thưởng của Hội đồng Trái đất, giải thưởng được trao cho những người đóng góp cho việc bảo tồn môi trường toàn cầu.
Đọc quyển sách này, mình nhận ra có vô số những kiến thức mình đã được học, thông tin được đọc từ những nguồn nào đó, đã âm thầm trở thành những ý niệm, quan điểm được lưu giữ sâu trong tiềm thức, rồi được mình chiến đấu bảo vệ đến cùng là không thể sai, là phải như thế, là duy nhất thì giờ đây chẳng còn đúng gì nữa.
Tất cả những trải nghiệm/ thực hành nông nghiệp của tác giả, cách sống và cả cuộc đời của ông đã minh chứng cho những điều ngược lại. Chúng đi ngược hoàn toàn với cách nghĩ, cách làm của xã hội, những điều mà đại đa số đã tin là đúng từ bao thế kỷ nay. Và điều này đã làm rạn nứt, đổ vỡ những niềm tin trong bản thân mình.
Cụ Fukuoka đã trồng được lúa mà không cần cày cấy gì sất, không phải bắt sâu, ủ phân vi sinh hay dùng tới thuốc diệt côn trùng và sản lượng ngũ cốc trên những cánh đồng của cụ nằm trong Top đầu toàn quốc.
Rồi trong khi hàng xóm của cụ phải thức hôm thức khuya để phân loại quýt, lo lắng không biết mùa vụ này có bao nhiêu trái đạt loại 1, tính toán sử dụng hoá chất ra sao để bảo quản/ làm đẹp trái cây của họ; cụ cứ thong thả đóng thùng tất tần tật những trái quýt tự nhiên trông chẳng có gì là “lộng lẫy” của mình rồi gửi đi.
Thực phẩm thanh, sạch, lành là phải đắt đỏ ư? Không, cụ sẽ ngừng cung cấp sản phẩm của mình cho chủ cửa hàng nào bán giá cắt cổ. Thực phẩm tự nhiên là phải rẻ và còn rẻ hơn cả thực phẩm có sử dụng hoá chất để bảo quản!
Cuộc đời nhà nông là phải đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời sao? Đọc sách, ta có thể dễ dàng cảm nhận cái thong dong, tự do, tự tại trong từng khoảnh khắc của cụ.
Người tiêu dùng (như mình) hoàn toàn vô tội, là nạn nhân của việc phải tiêu thụ những sản phẩm có hoá chất/ có thuốc kích thích tăng trưởng ư? Ồ không! Chính vì việc yêu thích cái vẻ đẹp hoàn mỹ bên ngoài, yêu thích việc ăn những thức ăn trái mùa đã làm cho người nông dân phải chạy theo thị hiếu để đáp ứng nhu cầu.
Ở mỗi trang sách, những niềm tin/ ý niệm của mình về cách cả thế giới đang vận hành lại bị rung lắc. Và mình bắt đầu tự hỏi liệu những quan điểm/ ý niệm/ kiến thức mình đã tích luỹ mấy chục năm qua, vô số chúng đã trở thành niềm tin, chi phối hành động và cảm xúc của mình có thật sự đúng? Và mình có thật sự hiểu về những gì đã và đang xảy đến trong cuộc sống của mình?
Lần một, đọc xong, gấp sách lại, mình cảm giác vài thứ quan trọng nào đó bên trong mình bắt đầu rạn nứt và lần này, chúng thật sự vỡ vụn. Vỡ vụn trong một niềm vui khó tả.
Bạn đã đọc quyển sách này chưa? Có điều gì đó đã vỡ ra trong bạn? 🙂
Thao Pham