Mình hay chia sẻ là Meditation & Mindfulness đã và đang giúp ích cho công việc coaching của mình rất nhiều. Có lẽ sẽ có bạn thắc mắc là ứng dụng thế nào.
Mình của hồi 5 năm về trước, không hiểu ngồi thiền xong thì làm sao mang thiền vào một buổi coaching. Chẳng lẽ vào đó rồi cả mình và khách hàng cùng ngồi hít thở. 🙂 Nói đùa cho vui, giờ thì mình chia sẻ cách mình ứng dụng đây.
Nếu như bạn đã học coaching và mong muốn lấy các chứng chỉ của Liên đoàn Coaching quốc tế (International Coaching Federation), chắc hẳn bạn đang rất quan tâm đến việc làm sao thực tập thuần thục các Năng lực Coaching Cốt lõi (Core Competencies) mà ICF dùng để chấm điểm trong các kỳ thi khó nhằn của họ.
Theo mình hiểu, độ khó được tạo ra nhằm đảm bảo các chứng chỉ này thật sự có giá trị trên toàn thế giới. Các chứng chỉ ICF gồm 3 bậc: Associate Certified Coach (ACC), Professionnal Certified Coach (PCC) và Master Certified Coach (MCC). Mỗi bậc khác nhau về yêu cầu thời gian được đào tạo để trở thành coach, số giờ thực tập/ hành nghề và khả năng thể hiện các Core Competencies trong các kỳ thi.
Trong số các bài thi thì phần ghi âm một buổi coaching để nộp chấm điểm là thử thách lớn nhất với mình. Để đậu vòng này, mình phải thể hiện càng nhiều Năng lực Cốt lõi càng tốt và cấp độ thuần thục phải tương ứng với cấp bậc bằng cấp mình muốn lấy.
Mà bạn có biết có bao nhiêu Core competencies không? Có tổng cộng 8 nhóm core competencies: Demonstrate Ethical Practice, Embodies a Coaching Mindset, Eshtablishes and Maintains Agreements, Cultivate Trust and Safety, Maintains Presence, Listen Actively, Evokes Awareness, and Facilitates Client Growth. Trong mỗi nhóm lại có thêm từ 6 – 11 yêu cầu mà người coach phải thể hiện càng nhiều các yêu cầu này trong một phiên coaching tầm 20-60 phút thì khả năng đậu càng cao.
[Hồi đó các thầy cô của mình không tiết lộ là phải thể hiện bao nhiêu core competencies con thì mới đậu, nhưng mình đoán chắc phải 70-80% trở lên].
Theo trải nghiệm của mình thì nhóm năng lực số 5: MAINTAINS PRESENCE (tạm dịch – duy trì sự có mặt/ hiện diện của người coach trong suốt buổi coaching) quan trọng nhất. Quan trọng nhất là vì những thất bại đầu tiên của mình đều do thiếu sự thực tập các năng lực con trong nhóm này. Sau đây là 6 năng lực con trong nhóm số 5:
-
-
- Remains focused, observant, empathetic and responsive to the client
- Demonstrates curiosity during the coaching process
- Manages one’s emotions to stay present with the client
- Demonstrates confidence in working with strong client emotions during the coaching process
- Is comfortable working in a space of not knowing
- Creates or allows space for silence, pause or reflection
-
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ cách mình đã ứng dụng Meditation & Mindfulness để thực tập yêu cầu số 2: Demonstrates CURIOSITY during the coaching process
Hồi mới học xong chương trình Ontological Coaching của The Coach Partnership, nói thiệt là mình rất hồi hộp khi bước vào một buổi coaching. Coaching thì phần lớn thời gian là người coach sẽ đặt câu hỏi để người được coach tự tìm câu trả lời. Cái mình lo nhất là đang coach khách hàng mà bí lù không biết phải hỏi câu gì tiếp theo. Mình đã bị mấy lần. Lúc đó chữa cháy bằng cách hỏi tùm lum và kết quả thì không cần phải nói :P.
Lúc đó mình nghĩ hay là mình thiếu bộ câu hỏi. Thế là google tìm học thuộc lòng những bộ câu hỏi được cho là “màu nhiệm” có sẵn trên mạng. Rồi càng học thuộc mình lại càng bí vì tâm trí cứ mãi lo nhớ đến chuyện phải hỏi câu nào trong bộ câu hỏi này.
Thê thảm một thời gian thì một lần nọ đang ngồi coach khách hàng rồi bị bí và mình cảm nhận rất rõ một cục BỰC BỘI to bự đang đè nặng ở ngực. Kết thúc buổi coaching, chiêm nghiệm lại, mình nhớ đã bực vì cái suy nghĩ: “Cố tình đánh đố mình hay sao mà nói lòng vòng 15 phút mà vẫn không cho mình hiểu đang muốn gì!”.
Lần đầu tiên mình nhận ra những đánh giá của chính mình đã làm tắt nghẽn mạch câu hỏi. Trong tình huống đó, mình cho rằng khách hàng đã biết họ muốn gì, chỉ là vì muốn thử thách mình nên cố tình nói vòng vo và mình bực, không hỏi nữa. Không hỏi nữa mà mình lại không hiểu khách hàng cần đạt được điều gì trong buổi coaching thì mình không thể hỏi những câu tiếp theo.
Sau đó mình bắt đầu quan sát suy nghĩ của chính mình trong cuộc sống hàng ngày rồi bất ngờ nhận ra NÃO mình đã đang ĐÁNH GIÁ RẤT NHANH tất cả những sự việc xảy đến trong cuộc sống.
Ví dụ như khi nghe một tiếng động nào đó, não mình tự động có câu trả lời: tiếng xe máy, tiếng nước chảy, tiếng chim kêu… Rồi khi nhìn thấy một điều gì đó, cái suy nghĩ bật ra đầu tiên là CÂU KHẲNG ĐỊNH: cái cây, cái lá, con mèo… chứ không phải là một CÂU HỎI và rồi não mình lướt qua sự vật khác và không còn chút tò mò hứng thú nào với sự vật cũ.
Và thế là mình đã đưa ra chế độ luyện tập rất buồn cười nhưng vô cùng hiệu quả cho bản thân: Mỗi sáng thức dậy khi chạy bộ trong xóm, mình nhất định bắt não chỉ đặt câu hỏi, liên tục từ lúc ra khỏi nhà đến khi trở về nhà, không ngừng nghỉ.
Khi nghe tiếng xe, dù biết chắc đó là xe hơi, mình sẽ cố đặt những câu như: xe có mấy bánh, xe sơn màu gì, xe gầm cao hay thấp… Nghe tiếng chim, mình hỏi: con này tên gì? Nó đang đậu trên cây nào? Lông nó màu gì?… Hỏi liên tục và cho dù là một câu hỏi ngu ngốc mình vẫn hỏi. Kết quả là chỉ sau vài tuần, mình đã vượt qua những cơn bí lù trong các buổi coaching.
Mình biết ơn Meditationn & Mindfulness. Nếu không nhờ kiên trì ngồi thực tập hít thở và quan sát suy nghĩ mỗi ngày (meditation), mình đã không thể có được sự tự nhận thức/ quan sát được cảm xúc và suy nghĩ của mình trong các buổi coaching và trong cuộc sống hàng ngày (Mindfulness); và không thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ để có thể thực tập và nắm bắt được năng lực cốt lõi này trong các buổi coaching.
Bạn có đang ứng dụng meditation & mindfulness trong coaching?
Trải nghiệm của bạn thế nào?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#MindfulnessInCoaching
ICF Core Competencies:
https://coachingfederation.org/app/uploads/2021/03/ICF-Core-Competencies-updated.pdf