We don’t see the world as it is, we see the world as we are.
Đây là câu nói được trích dẫn trong rất nhiều sách tâm lý học của nhiều tác giả nổi tiếng và là một trong những câu nói kinh điển trong coaching. Khi mới tìm hiểu về tâm lý học, tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp câu này. Trước đó tôi mặc định có rất nhiều thứ được gọi là ‘common sense’ (cụm từ mà tôi thường nghe các khách hàng dùng) – tạm dịch là những chuyện mặc định tất cả mọi người đều phải hiểu dù không nói ra. Nhưng có thật vậy không?
Lăng kính của mỗi người được đúc và tráng màu từ môi trường chúng ta được sinh ra, nuôi dạy và những trải nghiệm chúng ta thu nhặt được từ cuộc sống. Một người luôn nhìn thế giới với đầy rẫy những rủi ro thì sẽ không ra những quyết định mạo hiểm. Một người luôn có trách nhiệm sẽ mong đợi người khác cũng chu toàn mọi việc như mình. Một người sống với nhiều tình cảm sẽ thấy tổn thương nếu những người mà họ kỳ vọng không quan tâm đến cảm xúc của họ.
Ở bề nổi, việc không nhận ra chuyện ‘mỗi người có cách diễn dịch thế giới/ cuộc sống rất riêng’ có thể dẫn đến hiểu nhầm và mâu thuẩn, rồi tạo cơ hội cho bạn Anger tha hồ vùng vẫy trong các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn thấy mình hay gào lên ‘Chuyện như vậy thì anh/ cô ấy/ bạn ấy phải hiểu chứ, đâu cần đến tôi phải nói ra’; hoặc ‘tại sao có người lại hành xử như vậy?’… thì hãy tự nhắc nhở mình nguyên lý này nhé.
Ở phần chìm, rất chìm, nguyên lý này có thể âm thầm cản trở con đường chúng ta đang đi. Nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng không cho phép tôi kể nhiều chuyện hay nên ở đây bạn lại chịu khó nghe chuyện của tôi vậy.
Khi mới bắt đầu công việc coaching, tôi nhận thấy mình hay mất kiên nhẫn với những khách hàng không chăm chỉ luyện tập. Dù đã cố gắng nhắc nhở mình trước mỗi lần gặp khách hàng nhưng vẫn không vượt qua được. Tôi vẫn cứ bực mình. Tôi bắt đầu tự vấn bản thân, có đôi lúc tự nghi ngờ kỹ năng và năng lực của mình. Sau một thời gian đặt câu hỏi và chiêm nghiệm, tôi phát hiện mình cứng rắn với người khác là do tự mình quá khắt khe và thiếu sự cảm thông với bản thân. Là người có tính kỷ luật cao, tôi thường không chấp nhận nếu mình không rèn luyện theo kế hoạch. Do đó tôi cũng kỳ vọng người khác có cùng cách hành xử như mình. Nhận ra insights này tôi thấy thật nhẹ nhõm. Sau một thời gian học cách cảm thông với bản thân hơn, bạn Bực Bội đã chán nản không còn đeo bám tôi mỗi lần nghe thấy khách hàng không luyện tập chăm chỉ. Thay vào đó là bạn Tò Mò (tìm hiểu tại sao khách hàng lại như thế) để từ đó tôi tìm hiểu cách hỗ trợ họ nhiều hơn.
Nhẹ Nhõm (không còn dằn vặt hay nghi ngờ bản thân), Vui Mừng (vì đã tìm được hướng đi mới), Hy Vọng và Tràn Đầy Năng Lượng cho hành trình trước mắt – là những cảm xúc tôi thường nghe các khách hàng chia sẻ khi đã ‘vỡ’ ra được những nhận thức mới về bản thân mình.
Coaching không phải là đưa ra lời khuyên như khá nhiều bạn vẫn nhầm lẫn với những lĩnh vực ngành nghề khác. Coaching là lắng nghe, đặt câu hỏi đúng chỗ cần hỏi và thỉnh thoảng đưa ra một vài quan sát/ nhận định từ người coach, để giúp bạn không chỉ giải quyết được vấn đề hóc búa bạn đang phải đương đầu, mà còn nâng cao sự tự nhận thức về bản thân và mở rộng thế giới quan trên con đường phát triển bản thân của bạn.
Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để lên kế hoạch cùng bạn chinh phục những ngọn núi cao hơn bạn nhé.
Bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau đây:
1. Coaching to the human soul by Alen Sieler.
2. Language and the pursuit of Happiness by Charmers Brothers.