Nhóm Mindfulness lovers tụi mình gặp nhau mỗi tháng một lần. Hôm qua cả bọn đã có một thử nghiệm eat mindfully (tạm dịch: ăn tỉnh thức) rất thú vị.

Đề bài: mỗi người chọn một món biết là KHÔNG TỐT CHO SỨC KHOẺ của mình mà lại hay THÈM và một món biết TỐT CHO SỨC KHOẺ mà KHÔNG THÍCH ĂN. Mỗi đứa mang hai món đó, gặp nhau và ăn chung qua Zoom.

Tụi mình đã có các “cặp” thức ăn như sau: bánh xèo và bông cải luộc, trà sữa và cà chua, cơm chiên thịt kho và bánh mì nguyên cám, tiramisu và thịt gà luộc, trái vải và mận.

Ghi chú: việc phân loại “tốt” hay “không tốt” tuỳ thuộc vào sức khoẻ của mỗi người. Ví dụ cà chua tốt cho một bạn có bao tử bình thường nhưng lại không tốt cho bao tử hay nổi loạn như mình.

Cách ăn:

Trước khi ăn, tụi mình dành thời gian nhìn ngắm thức ăn chút xíu. Mình nhìn cái bông cải luộc và thấy rằng trước khi nó “ngồi” trên dĩa trước mặt mình thì nó được sinh ra từ một cái hạt bé tí. Nhờ được tưới nước, tắm táp dưới mưa, sưởi ấm bởi mặt trời, được chăm bón, bắt sâu bởi bác nông dân rồi được vận chuyển đến cửa hàng, đóng gói cẩn thận rồi mới đến nhà mình, mà giờ nó mới xanh đẹp và “ngồi chễm chệ” ở đây. Trong cái bông cải bé tí đó chứa đựng tinh hoa của trời đất và công sức của biết bao người. Tự dưng cảm thấy thật biết ơn.

Rồi tụi mình cho thức ăn vào miệng. Khi ăn, tụi mình không nói chuyện, cố gắng không suy nghĩ về quá khứ (cho dù quá khứ chỉ là vài phút trước có ai đó vừa mới nói câu gì), cố gắng không nghĩ về tương lai (cho dù tương lai chỉ là vài phút nữa thôi mình sẽ phải chia sẻ điều gì với nhóm).

Tụi mình nhai kỹ (tầm 50 cái nhai cho thức ăn mềm và 80 cái cho thức ăn cứng – điều này tụi mình học lõm trong sách Nhân tố Enzyme của bác sỹ Hiromi Shinya). Tụi mình tập trung vào hơi thở và chậm rãi thưởng thức vị và hậu vị của món ăn.

Và sau đây là một số chia sẻ thú vị của cả bọn:

Thức ăn KHÔNG TỐT CHO SỨC KHOẺ:

“Ủa sao hôm nay em ăn cơm chiên thịt kho mà sao không còn ngon như mọi lần vậy? Ngày thường em nổi tiếng ăn nhanh, ăn món này nhanh nó ngon lắm. Giờ ăn chậm nhai kỹ vị nó lạ ghê. Em thấy chẳng còn ngon nữa mà không diễn tả được.”

“Trái vải hôm nay ăn chậm em thấy hậu vị nóng nóng nè”

“Tiramisu sao hôm nay em không ăn hết được một ly ta. Mới ăn có 80% là thấy ngán rồi. Béo và ngọt quá.”

“Em chợt nhận ra em đang uống trà sữa như là một thói quen. Cứ đến chiều cả team mua trà sữa rồi uống thôi. Cái không khí cả team cùng uống trà sữa vui vui làm cho món này ngon hơn. Có vẻ như nhiều khi mình chọn món ăn vì cảm xúc và không khí mang lại chứ không phải thực sự thích vị của nó”

“Bánh xèo ngon nhưng vị ngon phần lớn đến từ các loại rau thơm và nước chấm. Ăn xong lưỡi có vị dầu đeo bám dai dẳng”.

Một chia sẻ khác sau buổi ăn chiều hôm qua…”Hôm nay em nhận ra tôm chua ngâm cực kỳ cay. Cái vị cay của nó kích thích mình ăn nhiều và nhanh. Khi ăn chậm thì vị cay rất khó chịu, còn có cả vị tanh nữa mà trước kia em không nhận ra. Giờ em thôi món này được rồi =))”.

Thức ăn TỐT CHO SỨC KHOẺ:

“Bông cải ngọt thanh, không đến nỗi chán phèo như mình nghĩ. Ăn xong nó lại giúp xoá đi hậu vị dầu chiên của cái bánh xèo. Dễ chịu hơn rồi.”

“Em mới phát hiện trái mận chín vị giống giống trái cherry. Thôi mai mốt không ăn cherry, ăn mận được rồi =))”.

Đó là trải nghiệm của tụi mình khi cố gắng đặt sự tỉnh thức vào từng món ăn.

Bạn có trải nghiệm thú vị nào khi EAT MINDFULLY về những món BIẾT LÀ TỐT CHO SỨC KHOẺ của mình nhưng lại LÀM BIẾNG ĂN và những món BIẾT LÀ KHÔNG TỐT CHO SỨC KHOẺ mà lại hay THÈM ĂN không? Chia sẻ với tụi mình nhé. ^^

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach