Bạn đã bao giờ nghe nói đến EQUANIMITY?

Lần đầu tiên mình biết đến Equanimity là lúc mình bị bí không biết dịch tựa đề của chương “Thản nhiên nhìn cuộc thịnh suy” trong sách “Đường xưa mây trắng” của Thầy Thích Nhất Hạnh. Mình không có từ vựng cho hai chữ “Thản nhiên”. Sau khi được mình giải thích nội dung của chương thì thầy Dan Newby đề nghị dịch là “Maintaining equanimity during the ups and downs”.

Tò mò, mình tra từ điển:

Oxford dictionary:
Equanimity – A calm state of mind which means that you do not become angry or upset, especially in difficult situations.

Cambridge dictionary:
Equanimity – the state of being calm and in control of your emotions, especially in a difficult situation.

Sách “The field guide to emotions” by Dan Newby & Curtis Watkins:
Equanimity – I feel balanced, centered, and able to look at all sides of the situation.

Ấn tượng của mình lúc đó: uhm, nghe cũng thú vị… mà chắc mình chẳng cần cảm xúc này đâu. Mình đã luyện để có được Peace và Calmness rồi mà.

Và bạn biết không? Có đôi khi cái mình khao khát có được, mong mỏi tìm kiếm rất lâu; rồi một ngày kia nó xuất hiện ngay trước mũi mà mình cũng không biết nó là thứ đang đi tìm. Trớ trêu vậy đó. Và đó là câu chuyện của mình với EQUANIMITY!

Ngược dòng thời gian vài năm về trước. Bạn bè thân, đồng nghiệp tại các công ty cũ chắc chắn không thể nào quên những cơn nóng giận sấm sét của mình. Có hôm mình nóng, la nhân viên giữa cuộc họp đến nỗi đồng nghiệp bộ phận khác ngồi im thin thít.

Mình nóng cũng có nguyên nhân: team làm bài không tốt, sửa hoài vẫn mắc cùng một lỗi, trễ hẹn nộp bài… Nhưng mà có biện hộ cách nào thì “tiếng tăm” vẫn còn đó. “Nổi tiếng” đến mức có một em management trainee đã nói với sếp của mình là cho em ấy vào team ai cũng được chứ không làm việc với chị Thảo.

Lúc đó, Calmness là cảm xúc mình khao khát có được. Mình ngưỡng mộ những anh chị quản lý cấp cao lúc nào cũng có thể điềm tĩnh trong những tình huống căng thẳng. Mình cũng muốn được như vậy nhưng không biết làm cách nào. Có dạo còn xem tử vi, thấy ôi chao chắc sinh ra ngày đó tháng đó nên tính tình phải vậy. =))

Năm tháng trôi qua, nhờ đều đặn thiền tập mình đã thay đổi được ít nhiều. Mình đã luyện để có được Peace và Calmness. Đã không ít lần được khách hàng (coachees), đối tác HR khen về vẻ bình thản của mình; có bạn còn hỏi mình làm sao để được như vậy; có bạn đọc bài viết comment bảo cảm nhận được sự bình an trong từng câu chữ.

Mình vui vì những nỗ lực sau một hành trình vài năm đang dần có kết quả. Nhưng mà, quan sát cảm xúc đến và đi trong một ngày làm việc, mình cảm nhận rõ mình chỉ TRÔNG CÓ VẺ bình an, tận sâu bên trong có cái gì đó vẫn chưa ổn.

Trong một ngày làm việc, mình cảm nhận rõ Giận, Lo sợ, Tức… vẫn đến. Chúng không bộc phát nổ đùng đùng làm cho mình và những người có liên quan điêu đứng như những ngày xưa cũ. Mình có thể bình thản email, trả lời những câu hỏi “hóc búa” trong workshop nhẹ nhàng, mềm mỏng. Nhưng ở bên trong, những cảm xúc này vẫn âm thầm sôi sục, làm cho mình rất nhanh kiệt sức. Có đôi lúc mình tự hỏi, Peace và Calmness có thật sự là giải pháp vẹn toàn?

Và rồi mình được gặp lại EQUANIMITY trong khoá Vipassana retreat. Nếu bạn cảm xúc này không được thầy Goenka lặp đi lặp lại trong các buổi dẫn thiền/ dạy thiền hay giảng bài, chắc là nó cũng lại bay theo gió.

Equanimity (Bình thản) là cảm xúc gì, cảm nhận nó ra sao?

Nếu ai đó kêu mình thử nhớ lại cảm xúc Tức giận, Lo lắng, Sợ hãi, Hạnh phúc, Bình an, Vui sướng… mình làm được liền. Equanimity là gì? Trong bộ nhớ của mình, cảm xúc này chưa bao giờ tồn tại.

Đã quyết tâm bỏ hết công việc hơn 10 ngày, giờ chẳng lẽ không thử? Thế là dù chưa thật sự hiểu, mình cứ làm theo: hít thở, kiên trì cảm nhận cảm giác (sensations) từng phần trên cơ thể từ đỉnh đầu đến ngón chân, quyết tâm không thay đổi tư thế thiền, giữ cho tâm trí cân bằng, không khao khát, không chống đối/ ghét bỏ điều gì.

Kỹ thuật nghe thì dễ mà làm không hề dễ. Ngồi một hồi thì chân đau, chân đau thì sẽ thấy bực bội/ ghét bỏ cơn đau rồi khao khát nó hết đau hoặc mong cho mau mau hết giờ để không ngồi nữa. Và nó lại càng đau =)).

Đã thế ngồi một lúc thì suy nghĩ về những chuyện đã tức giận điều gì đó/ ai đó, nuối tiếc, lo sợ… lại đến. Những cảm xúc này tạo ra những cảm giác (sensations) khó chịu rất đặc trưng của chúng.

Giận làm cho mình nóng cả ngực cả đầu, tim đập nhanh. Sợ làm cho mình có cảm giác tim thót lại/ lạnh theo từng nhịp thở. Khi những suy nghĩ nuối tiếc/ tự dằn vặt bản thân đến thì mình thấy rất nặng ở ngực/ vô cùng mệt mỏi…

Và cái việc duy nhất mình có thể làm là hít thở, cảm nhận sensations từng phần trên cơ thể và không phản ứng lại với tất cả những suy nghĩ và những cơn đau.

Trên cái hành trình chẳng dễ chịu gì mấy này, mình cảm nhận được vài chuyện “lạ”…

…Những cơn đau không ở lại mãi mãi hay phải có thuốc mới hết đau. Chỉ cần mình ngồi đó, đừng nôn nóng mau hết giờ hay ghét bỏ chúng, duy trì sự tập trung dàn đều từng phần trên cơ thể (scan body) thì chúng từ từ biến mất.

…Cảm xúc cũng vậy. Lần đầu tiên mình không cần phải “đấu trí” với từng đứa. Khi tụi nó vừa xuất hiện, mình nhận diện/ gọi tên, quan sát, cảm nhận sensations rất đặc trưng của từng đứa. Rồi thì ở chơi một chút, lần lượt tụi nó lại ra đi. Mình có cảm giác nếu như mình không níu kéo mời gọi chúng ở lại nói chuyện hay ghét bỏ xua đuổi chúng đi thì những cảm xúc này như những áng mây trên trời. Dù là mây trắng, mây đen, to hay nhỏ, chúng đều trôi qua, không bao giờ ở lại nếu mình giữ cho tâm trí thản nhiên, không ghét bỏ cũng không níu kéo.

Nếu bạn hỏi mình Equanimity cảm nhận thế nào, mình nói thiệt: nó cũng thường thôi. Cái sự thản nhiên và tâm trí quân bình đó không “đã” và dễ chịu như Bình an hay An lạc. Mình đã có chút thất vọng lúc ở trung tâm retreat: ngồi hàng giờ như vậy để “được” vầy thôi sao?

Hết khoá học, trở lại cuộc sống thường nhật và mình không ngừng ngạc nhiên về sức công phá của Equanimity. Một cách nào đó, mình đã có thể bình tĩnh hơn rất nhiều trong những tình huống mà trước kia có thể làm cho mình sôi sục âm ĩ. Có cảm giác mình được mặc một chiếc áo bông vô hình bảo vệ khỏi những tác nhân/ những điều đã từng làm mình khó chịu/ căng thẳng.

Ví dụ như ngày trước má mình hay lén làm việc nhà (má bệnh thoái hoá khớp gối rồi thêm rối loạn tiền đình, bác sỹ khuyên chỉ nên đi lại, tập thể dục nhẹ nhàng). Làm xong lại quên và đôi khi mang ra khoe. Những lúc đó mình rất bực. Có hôm tức phải đi ngồi thiền mới bình tâm lại được. Vậy mà đi retreat về, nghe má khoe mới tưới cây, mình thấy rất rõ có một sự dừng lại chừng 2 giây, cục tức trồi lên nhè nhẹ rồi biến mất. Mình nói với giọng rất bình thường: “Má lại quên và đi làm việc nữa rồi”. Má trả lời: “ừ thôi lần sau má không làm nữa”. Không khí trong nhà không nặng nề như mọi khi.

Rồi sáng hôm kia, mình làm việc một lèo đến giờ nghỉ trưa. Giật mình tự hỏi, sao giờ này mà tâm trí còn sáng sủa, tươi vui vậy. Nhớ lại xem có phải sáng nay không có chuyện gì đáng giận. Ồ có chứ, một chị khách hàng đã nói là chỉ chọn lọc những bạn thật sự có nhu cầu học mới cho đến lớp thì đã gửi cho mình cái danh sách có những bạn trả lời không thể tham dự khoá học đầy đủ. Nếu là ngày trước, chắc hẳn mình cũng sẽ trả lời email rất chuyên nghiệp và nhẹ nhàng nhưng trong lòng thì âm ỉ bực bội một hồi. Sáng hôm đó, mình đã quên… giận. =))

Cái áo bông Quanimity ấy thật mầu nhiệm. Mình có cảm giác ngày trước, khi một sự việc/ triggers đến sẽ làm cho mình cảm thấy khó chịu, mất một khoảng thời gian vì bị những suy nghĩ khó chịu lôi đi, mất thêm một ít thời gian nữa để bình tĩnh lại rồi mới tìm giải pháp hành động. Còn bây giờ khi triggers đến, mình cảm nhận cảm xúc khó chịu nhưng không bị chúng lôi ra nói chuyện, và thế là không mất thời gian để lấy lại bình tĩnh, mình đơn giản là chuyển sang bước tìm giải pháp rồi tiếp tục làm những việc khác. Thời gian và năng lượng tiết kiệm được khá nhiều và thế là làm được nhiều việc hơn.

Mình nhận ra những giờ kiên nhẫn ngồi dò sensations từ đỉnh đầu đến ngón chân và quan sát cảm xúc đến rồi đi mà không phản ứng là một hành trình rèn luyện để có được Equanimity. Nó giúp cơ thể mình luyện cách không phản ứng lại trong những tình huống căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Lần đầu tiên mình đã được trải nghiệm bài học của thầy Goenka: chúng ta không phản ứng lại với tác nhân (ai đó/ chuyện gì đó) xảy đến trong cuộc sống của mình, chúng ta phản ứng lại với những cảm giác (sensations) trên cơ thể của mình.

Nhưng rồi có ngày mình cũng thấy năng lượng tụt nhanh và sôi âm ỉ trở lại. Thì ra là cái áo bông Equanimity thần kỳ đó sẽ bốc hơi rất nhanh nếu mình không chịu chăm chỉ mỗi ngày đều đặn ngồi ít nhất 2 lần sáng chiều (mỗi lần 60 phút). Giống như chiếc iphone, Equanimity cũng cần được sạc lại năng lượng mỗi ngày.

Hai giờ mỗi ngày là một khoảng đầu tư không nhỏ, nhưng với mình nó hoàn toàn xứng đáng. Vì mình có thể tiết kiệm được năng lượng, thời gian cho những cơn sôi sục âm ỉ không cần thiết, sống tươi vui và làm được nhiều việc yêu thích hơn mỗi ngày.

Bạn đã bao giờ trải nghiệm Equanimity? Bạn cảm thấy thế nào?