Expectation is the root of all heartache.
_ William Shakespeare

Sáng cuối tuần của tôi sẽ là thức dậy thật sớm, mở cửa sổ chào các bạn cây, hỏi thăm các bạn ấy đêm qua có ngủ ngon không. Thủng thẳng uống một cốc nước lọc, rồi thong dong chạy bộ đón cụ mặt trời. Lòng vòng lượn qua chừng năm sáu khoảng đất trống to như những cánh đồng với đầy cỏ tranh, cỏ voi tím, bò, và… chó thì năng lượng của tôi đạt đến ngưỡng của bạn điện thoại được sạc qua đêm.

Sáng nay thức dậy, chẳng cần chạy bộ mà năng lượng của tôi được tự động đẩy lên đến nóc nhờ mẩu tin nhắn thật đáng yêu: ‘Hi chị, I just have one interesting reflection that I want to share, if you see it good, you can share with others’.

‘Em nhận ra rằng tiêu chuẩn/ mong đợi của em quá cao. Khi người khác không đạt được mong đợi của mình, em cảm thấy rất bực mình, đôi khi tức giận. Sau khi quan sát suy nghĩ của mình và nhận ra insights này em thấy mình thoải mái hơn rất nhiều. Bạn Bực Bội và Tức Giận không còn theo em nữa’.

Bạn đạt được nhiều thành tựu từ rất sớm, hiện là Trưởng phòng cấp cao của một công ty đa quốc gia. Hồi đó ở  tuổi của bạn, tôi vẫn còn trầy trật làm nhân viên bình thường với giấc mơ được làm manager trước tuổi 70. 😀 Để đạt được những thành công của ngày hôm nay, bạn đã đặt ra những kỳ vọng rất cao cho bản thân. Và thế là bạn cũng có kỳ vọng cao về team mình và những người xung quanh. Mỗi lần nhận được những mẫu tin như vậy, tôi rất vui vì khách hàng của mình đã học được cách ‘tự lập’ (tự quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình để nhìn sự việc ở nhiều khía cạnh) và không còn phụ thuộc vào coach nữa.

Reflection của bạn làm tôi chợt nhớ lại bài học quý giá lúc mới nhập môn Coaching: ‘Promise unkept are not equal to expectation unmet’.***

Expectation – sự mong đợi/ kỳ vọng – theo định nghĩa của từ điển Oxford thì Expectation là niềm tin/ hy vọng về một điều tốt đẹp nào đó sẽ xảy ra. Phần lớn các trường hợp, điều tốt đẹp mà bạn kỳ vọng luôn đi cùng với một ai đó để thực hiện điều bạn mong đợi.

‘Mình làm việc thật tốt thì sếp phải cất nhắc cho mình lên chức, nếu sếp không làm như vậy thì mình thấy không được đánh giá đúng và mình sẽ tìm nơi khác’; ‘Đi làm thì phải có nhiệt huyết, và tinh thần trách nhiệm cao chứ, tại sao cứ phải đợi nhắc nhở mới làm’; ‘Chuyện đơn giản vậy chẳng lẽ tôi phải nói ra thì các bạn ấy mới làm được?’… Những chia sẻ như thế thường đi cùng với các bạn cảm xúc không dễ chịu chút nào: Buồn Bã, Thất Vọng, Bực Bội, Tức Giận, và có đôi khi là Giận Dữ.

Mong đợi, kỳ vọng không có gì là xấu, chúng chỉ mang đến rắc rối khi chúng ta quên mất chúng là những niềm tin/ hy vọng chưa được nói thành lời cho những người mà ta kỳ vọng phải thực hiện chúng. Chưa nói thành lời thì đương nhiên là sẽ có ít nhất hai khả năng xảy ra. Một là (những) người được kỳ vọng không biết bạn mong đợi điều gì để thực hiện cho đúng ý bạn; hai là họ nghĩ rằng họ không có trách nhiệm phải làm những điều họ không cam kết với bạn.

Kỳ vọng của chúng ta nếu chưa chuyển thành yêu cầu (requests) cho người được kỳ vọng, và đạt được cam kết của họ thì khả năng thất vọng và buồn bực/ tức giận sẽ rất cao.

Thế nhé, nếu bạn đang thấy mình có đôi khi bị những bạn cảm xúc khó chịu đeo bám trong các mối quan quan hệ của mình thì hãy xem xét lại mình có đang kỳ vọng quá nhiều vào người khác không. Nếu bạn tò mò làm cách nào để chuyển kỳ vọng thành yêu cầu và đạt được mức độ cam kết cao thì đón đọc bài tiếp theo nhé.

Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để đọc cảm nhận của các bạn đã được coach bằng trường phái Ontological. Bạn cũng có thể nói chuyện với tôi trước để tìm hiểu xem Ontological coaching có thể giúp bạn giải quyết vấn đề hóc búa của mình không nhé.

*** Được trích dẫn ở trang 254, sách ‘Language and the pursuit of happiness‘ của Chalmers Brothers