FACILITATES Client Growth
#applyMindfulnessInCoaching
Thỉnh thoảng mình nhận được lời mời từ các bạn/ đối tác HR đến chia sẻ trải nghiệm trên hành trình coaching, đồng thời giải đáp một số thắc mắc của các Coach mới “ra lò”.
“Làm cách nào để vượt qua thử thách CHO LỜI KHUYÊN trong các buổi coaching?” luôn là câu hỏi “nóng” nhất. Mỗi lần nghe câu hỏi này là mình như thấy lại cả một hành trình dài đã qua.
Theo định nghĩa của Liên đoàn Coaching Quốc Tế (ICF) thì COACHING là:
“PARTNERING with clients in a thought-provoking and creative process that INSPIRES them to MAXIMIZER their personal and professional POTENTIAL.”
Tạm dịch: ĐỒNG HÀNH cùng khách hàng trên hành trình kích thích tư duy sáng tạo nhằm TRUYỀN CẢM HỨNG để họ TỐI ĐA HOÁ TIỀM NĂNG bản thân trên con đường sự nghiệp.
Đọc định nghĩa này, bạn có thể thấy vai trò chính của Coach không phải là chia sẻ kiến thức, chữa lành hay chia sẻ kinh nghiệm và cho lời khuyên. Đó là vai trò đặc thù của các lĩnh vực ngành nghề khác như Training, Therapy hoặc Mentoring.
Vai trò của Coach là ĐỒNG HÀNH để TRUYỀN CẢM HỨNG và TỐI ĐA HOÁ TIỀM NĂNG của khách hàng. Việc lắng nghe sâu, đặt câu hỏi “màu nhiệm” để khách hàng TỰ CHIÊM NGHIỆM, phát triển KHẢ NĂNG TƯ DUY SÁNG TẠO, tăng sự TỰ Ý THỨC về bản thân, từ đó tìm ra INSIGHTS và GIẢI PHÁP cho riêng mình là điều vô cùng quan trọng.
Nếu khách hàng nhận được lời khuyên từ Coach, khi phải đối mặt với những thử thách mới, họ có xu hướng ỷ lại/ phụ thuộc vào Coach, hoặc không tin rằng tự mình có khả năng giải quyết vấn đề. Việc tự tìm ra lời giải cho các vấn đề hóc búa trên hành trình coaching sẽ giúp khách hàng TĂNG SỰ TỰ TIN về năng lực của bản thân, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn tương tự trong tương lai.
Có lẽ vì thế mà ICF đã đưa hẳn điều này vào nhóm năng lực cốt lõi số 8 để chấm điểm cấp chứng chỉ trong các kỳ thi:
#8. FACILITATES Client Growth – Partners with the client to transform learning and insight into action. PROMOTES CLIENT AUTONOMY in the coaching process.
Những ngày mới “ra lò”, dù đã được học và hiểu tiêu chuẩn chấm điểm của ICF, cái não của mình vẫn bướng bỉnh nhất định không chịu nghe lời. Nó có vô vàn lý do:
- Khách hàng trả tiền thì phải giúp họ tìm ra giải pháp nhanh nhất.
Xuất phát từ niềm tin: Nếu mình không đưa ra giải pháp nhanh nhất thì sẽ tốn thời gian và chi phí cho họ. - Khách hàng không tìm ra giải pháp thì họ sẽ không có lối ra.
Niềm tin: Khách hàng không có khả năng tự tìm ra câu trả lời. - Nếu không tìm ra giải pháp trong một buổi coaching 60′ thì buổi này xem như thất bại.
Niềm tin: mình chỉ là một người coach giỏi nếu có giải pháp vẹn toàn trong một phiên coach 60′. - Khách hàng sẽ thất vọng nếu không có giải pháp sau mỗi buổi coaching.
Niềm tin: không có giải pháp thì khách hàng sẽ không tin tưởng năng lực của mình.
Cách thức đơn giản nhất để phá vỡ niềm tin là tự trải nghiệm những sự việc xảy ra ngược lại với niềm tin của mình. Những buổi coach thất bại đã giúp mình nhìn thấy sự thật ở chiều ngược lại…
…Khi mình căng não cả trước và trong những buổi coaching để tìm ra giải pháp cho khách hàng thì họ có vẻ chẳng mặn mà gì để thực hiện kế hoạch hành động do mình nghĩ ra. Mình học được rằng nếu không tự mình tìm ra giải pháp cho bản thân, thì dù là một giải pháp hợp lý/ đúng, người trong cuộc chẳng có chút hứng thú để bắt tay hành động.
…Khách hàng chưa tìm được giải pháp chẳng phải họ không có khả năng. Đó là do họ chưa chạm được insights/ câu trả lời đúng nhất. Khi chạm đúng insights, năng lượng của họ thay đổi hoàn toàn so với vài phút trước đó, mặt họ giãn ra, nhẹ nhõm, cười tươi rói; hoặc cũng có thể họ ngồi bần thần khá lâu để trầm ngâm suy nghĩ; hoặc cũng có thể là khóc… Và rồi ngay lập tức họ biết cần phải làm gì tiếp theo mà Coach chẳng cần phải động não.
…Rồi có lần mình nghe một khách hàng phản hồi ngay buổi coaching đầu tiên: “Tôi trân trọng nỗ lực của bạn trong phiên coach hôm nay. Nhưng tôi không ngờ là bạn lại đặt những câu hỏi quá sâu, đi quá nhanh và chạm đến những điều tôi cảm thấy không thoải mái chia sẻ trong lần gặp đầu tiên”. Mình học được rằng khách hàng cần thời gian để tháo gỡ vấn đề của họ, để chạm đến những ngóc ngách dễ tổn thương và họ cũng không mong đợi tìm ra giải pháp sau 60′.
Sau khi mất một vài hợp đồng và thấy rõ những niềm tin giới hạn của bản thân, mình quyết tâm “ngậm chặt miệng” mỗi khi đến đoạn lên kế hoạch hành động =)). Thế mà quan sát bản thân, mình vẫn cảm thấy cơ thể nhấp nhõm không yên. Có một thứ năng lượng mạnh mẽ cứ làm mình bồn chồn, khó chịu, xui khiến mình phải nói ra giải pháp cho khách hàng.
Chiêm nghiệm, mình nhận ra đó là thứ năng lượng tạo thành do THÓI QUEN ở những nơi làm việc cũ. Nơi mà mỗi ngày có rất nhiều người cần POINT OF VIEW (QUAN ĐIỂM) của mình hoặc của cả bộ phận mình trong các cuộc họp hoặc những bài phân tích chiến lược.
Chẳng những phải trình bày quan điểm cá nhân/ của bộ phận mà mình đại diện, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong bản đánh giá hằng năm của mình là DRIVE INSIGHTS INTO ACTION (phải đảm bảo những giải pháp/ lời đề nghị của mình/ của bộ phận mình được thực thi và có kết quả). Thế nên việc tập cho bản thân thói quen tự tin trình bày giải pháp/ quan điểm và thậm chí “chiến đấu” để bảo vệ quan điểm của mình trong các cuộc họp là điều mình đã làm hàng ngày trong gần 10 năm.
Mình thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra gốc rễ của vấn đề. Trong các buổi coaching, khi cảm nhận năng lượng ấy đến, mình mỉm cười buông bỏ: “Tạm biệt năng lượng thói quen của 10 năm xưa cũ. Mình đã đang đi trên hành trình mới.”
Bạn có đang thực hành Mindfulness trong công việc Coaching?
Đâu là những rào cản bạn tự quan sát được trong việc thực hành năng lực #8?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#applyMindfulnessInCoaching
ICF Core Competencies:
https://coachingfederation.org/app/uploads/2021/03/ICF-Core-Competencies-updated.pdf