Happy New Year cả nhà!

Vài ngày hôm nay FB tràn ngập ‘2019 review’ rồi cả ’10 năm nhìn lại’. Chầm chậm lướt một vòng chừng vài phút tự nhiên thấy hơi mệt. Nhìn sang thấy có ai đó quen quen mĩm cười đến ngồi kế bên. Thì ra là bạn Ganh tị (Envy).  

Trong đại gia đình Cảm xúc với hơn 200 thành viên thì Ganh tị có vẻ là bị hiểu nhầm và kỳ thị nhiều nhất. Các bạn tâm sự với tôi về Ganh tị thường kể thêm khá nhiều cảm xúc khác: Tội lỗi (Guilt), Xấu hổ (Shame), và cả Ghét (Hatred) nữa. 

Tội lỗi nói: Sao mình lại đi ganh tị với người khác? Mình thật nhỏ nhen. Hành vi này không đúng với giá trị của bản thân.  

Xấu hổ (Shame) nói: Ganh tị là xấu, không được ai chấp nhận đâu. Bỏ cái thói đó đi nha. 

Ghét (Hatred): ghét cái đứa kia dễ sợ, nó làm mình phải ganh tị rồi bây giờ lại đi dằn vặt bản thân. Hoặc: Ghét dễ sợ, tại sao mình lại không có chứ, mình có thua kém gì đâu? 

Chính vì hay đi chung với các bạn kia nên bản thân Ganh tị bị ghét ghê lắm. Mỗi lần Ganh tị đến là bị xua đuổi, hoặc bị làm lơ: ‘Ơ kìa, mình không quen bạn nha. Mình không có ganh tị. Ai thèm ganh chứ?’ 

Nhưng thật ra Ganh tị không xấu như chúng ta thường nghĩ. Ganh tị mang đến vài thông điệp có thể giúp mình sống an yên hoặc tốt hơn. Sau đây là một vài bước bạn có thể thử áp dụng khi Ganh tị ghé thăm.

1. Quan sát và CHẤP NHẬN cảm xúc Ganh tị là BÌNH THƯỜNG.

Chúng ta được giáo dục từ bé là không được Ganh tị. Nên Xấu hổ hay Tội lỗi thường hay đến cùng một lúc rồi lại còn rủ theo Ghét (Hatred) làm cho ‘tình hình’ thêm phức tạp. 🙂 

Ta cần nhớ rằng ai cũng có thể trải nghiệm Ganh tị nhiều lần trong đời. Vì Ganh tị cũng là một cảm xúc như vô vàn cảm xúc khác, đến và đi rất tự nhiên, không chịu sự kiểm soát của ta.

Ta không có tội khi một cảm xúc nào đó viếng thăm mình, điều cần làm ở bước tiếp theo là…

2. Tự hỏi: Mình mong muốn có được điều gì trong sự Ganh tị đó? Tại sao mình cần điều đó?

Cách đây vài năm, có một đêm nọ tôi lướt FB thấy team kia chụp ảnh cười toe thoét ở headquarter của công ty bên tận UK. Trằn trọc không ngủ được vì Ganh tị vừa đến thì Xấu hổ cũng đến: ‘Xưa giờ có ganh tị bao giờ, sao giờ hư hỏng vậy?’

Sau khi hỏi mình muốn có điều gì và tại sao mình cần điều đó thì tôi nhận ra sâu thẳm mình chẳng phải thích travel sang UK để có trải nghiệm ở Châu Âu. Singapore vẫn là nơi tôi thích nhất và mình đang sống ở SG kia mà. 

Tôi lại càng không phải đứa thích cái cảm giác businesswoman đi công tác vài ngày rồi lại vội vã bay về. Thì ra tôi ganh tị vì các bạn ấy được các sếp yêu mến hơn rồi cho đi công tác. Tìm hiểu thì ra team ấy dư budget của năm nên dùng để travel và các sếp thì vẫn đang rất yêu quí mình. Thế là Ganh tị ra đi. 

Khi ta ganh tị ai đó về điều gì đó, ta không muốn có chính xác cái họ đang có. Ta mong muốn có một điều khác, thường là một trải nghiệm nào đó, nằm ở một tầng sâu hơn. Và rất nhiều khi ‘khai quật lên’ thì nhận ra là mình đã có chúng rồi. An Yên sẽ đến khi bạn nhận ra thật ra mình đã có nhiều hơn những điều kiện làm cho mình hạnh phúc. 

Nhưng nếu mình chưa có điều mình khao khát thì sao? 

3. Tự hỏi mình ‘Cần làm gì để có được chúng?’ 

Nếu là promotion, thành tích tốt, được sếp khen… thì năm mới mình nhất định sẽ đưa chúng vào danh sách những điều cần đạt. Lên kế hoạch cụ thể với những cột mốc, chỉ tiêu rõ ràng để nhất định năm sau mình sẽ có. 

4. Quan trọng nhất là KHÔNG GHÉT NGƯỜI ĐANG SỞ HỮU ĐIỀU MÌNH KHAO KHÁT

Ghét (Hatred) là hệ lụy của Guilt và Shame: Tại người đó mà mình cảm thấy tội lỗi/ xấu hổ; tại người đó mà mình cảm thấy nhỏ nhen. 

Nếu ta chấp nhận Ganh tị là một cảm xúc bình thường như bao cảm xúc khác, trân trọng bạn đã cho mình thông tin để sống an yên hoặc mục tiêu để vươn tới, không cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi thì Ghét (Hatred) cũng không có lý do gì để ở bên cạnh chúng ta. 

Vài dòng tản mạn đầu năm. Chúc cả nhà một năm mới thật nhiều An Yên từ sâu thẳm bên trong. 

Written by: Pham Thi Thanh Thao