Đừng chọn công việc! Hãy chọn sếp! (Don’t pick a job. Pick a boss!)

Hồi còn đi làm, tôi rất tâm đắc câu này và luôn dùng nó để làm ‘kim chỉ nam’ khi chọn một vị trí công việc mới hoặc quyết định đổi qua một team mới. Có được sếp hiểu mình, luôn quan tâm và hỗ trợ con đường phát nghề nghiệp của mình thì còn gì bằng. Sếp tốt giúp chúng ta an tâm trong công việc, thoải mái tự do sáng tạo rồi chẳng mấy chốc cảm thấy vô cùng gắn bó với công ty.

Tiệc vui nào rồi cũng tàn. Thích sếp cách mấy thì cũng phải đến lúc chia tay. Sếp tốt bụng có thể là được thăng chức, chuyển bộ phận hoặc cũng có thể là nghỉ sang công ty khác. Còn bạn bơ vơ với một nỗi mất mát lớn lại được ‘tặng thêm’ một bạn sếp mới ‘thật không dễ ưa’ chút nào. Vậy thì phải làm sao?

Sau đây là một vài bước các bạn khách hàng chia sẻ là có hiệu quả. Bạn thử xem nhé 😉

1. Xem xét lại những đánh giá của mình về sếp

Sếp mới có thật sự đáng ghét như mình nghĩ không? Hay tại mình có cảm tình quá lớn với sếp cũ nên hay đâm ra hay so sánh? Khi chúng ta có cảm tình với một ai đó, người ấy trở nên gần như hoàn hảo, tất cả mọi so sánh đều khập khiểng.

Thật không công bằng nếu mang những điểm tốt của sếp cũ ra so sánh với những điều không hay của sếp mới. Hãy công tâm tìm kiếm những ‘chứng cứ’ cho thấy sếp mới cũng tốt, cũng đáng yêu. Bước này sẽ làm bức tranh bạn vẽ về sếp mới đỡ ‘u ám’ hơn, khách quan hơn và giúp bạn có động lực làm mới lại mối quan hệ với sếp.

2. Tự hỏi: Bản thân bạn có ‘đóng góp’ gì vào mối quan hệ đang đi xuống với sếp không?

Trong bất cứ một mối quan hệ nào đang xấu đi, chắc chắn đều có góp phần của cả hai bên, dù % mỗi bên đóng góp có thể không bằng nhau. Nhìn nhận lại bản thân, và tìm cách thay đổi mình một tẹo là bạn cũng đã giúp cho mối quan hệ tiến triển tốt đẹp rồi đấy.

3. Cho sếp cơ hội được hiểu những mong muốn của mình

Bạn thất vọng về sếp, chắc chắn là bạn có những kỳ vọng nào đó không được sếp đáp ứng. Những nỗi ‘thất vọng’ phổ biến gồm có: sếp kiểm soát công việc của bạn quá chặt chẽ làm bạn cảm thấy ngột ngạt, sếp ra quyết định đi ngược với quyết định của bạn mà không giải thích làm bạn cảm thấy ‘mất mặt’ với đồng nghiệp, sếp nóng tính hay quát tháo…

Hãy chia sẻ những kỳ vọng của bạn về sếp, những cảm xúc của bạn khi sếp có những hành vi làm bạn không hài lòng để sếp hiểu làm cách nào để không bước qua ranh giới làm tổn thương bạn.

Tôi tin rằng những sếp thật sự hiểu biết và quan tâm đến nhân viên của mình sẽ luôn tiếp nhận và sẵn sàng thay đổi. Câu hỏi phổ biến nhất mà các bạn/ anh chị sếp thường tìm đến tôi là làm sao hiểu nhân viên để cả team đạt được hiệu quả làm việc cao nhất.

4. Thể hiện lòng biết ơn và khen ngợi sếp khi sếp đã vì bạn mà thay đổi

Thay đổi hành vi là điều không hề dễ dàng. Khi làm việc với các khách hàng của mình, tôi nhận thấy có những hành vi như kiểm soát những cơn giận chẳng hạn phải mất 2-3 tháng mới thay đổi được cùng với rất nhiều nỗ lực để luyện tập. Do đó hãy chú ý những thay đổi tích cực và khen ngợi sếp của mình. Điều này chẳng những giúp sếp có thêm động lực để thay đổi mà còn giúp mối quan hệ hai bên tốt đẹp hơn.

5. Nếu sếp thật sự đáng ghét?

Nếu sau khi làm hết cả 4 bước trên mà sếp vẫn thật sự đáng ghét thì phải làm sao? Nếu chỉ có sếp là đáng ghét còn công ty và đồng nghiệp vẫn rất dễ thương thì bạn có thể nói chuyện với các cấp quản lý cao hơn (sếp của sếp chẳng hạn) để tìm cách chuyển sang các team khác. Sau khi đã làm hết tất cả mọi cách có thể rồi mà tình hình vẫn không thể thay đổi thì bạn có thể suy nghĩ đến việc tìm cho mình một cơ hội mới.

Khi rời bỏ một nơi nào đó, điều làm chúng ta hối tiếc nhiều nhất không phải là quyết định đúng hay sai, mà là chúng ta đã cố gắng hết sức của mình chưa. Con đường nào cũng có chông gai. Nếu chúng ta đã cố gắng hết sức có thể thì đó sẽ là động lực để ta thành công trên con đường sắp tới.

Chúng ta không thể đi theo mãi một người sếp tốt, cũng không thể lúc nào cũng may mắn có được sếp tốt nhưng chúng ta có thể chọn lựa để giúp sếp của mình tốt hơn để cùng nhau làm việc 8 tiếng mỗi ngày bạn nhé.

Sắp tới Overflowing Buckets sẽ tổ chức khóa học: MAKE YOURSELF HEARD IN THE WORKPLACE
Khóa học này sẽ giúp bạn học và luyện tập được cách :

  1. Sử dụng ngôn ngữ
  2. Chuẩn bị tâm lý, cảm xúc
  3. Luyện tập ngôn ngữ cơ thể

…để HIỂU sếp mình hơn & có thể CHIA SẺ những nỗi niềm khó nói với sếp. Đây là hành trang bạn có thể mang theo bên mình trong suốt hành trình sau này khi mà bạn còn phải báo cáo cho một ai đó. 😉

Khóa học này sẽ dành cho 12 bạn đăng ký sớm nhất. Bạn có thể liên hệ Bằng Giang dlbg0302@gmail.com để biết thêm thông tin chi tiết nhé.