Giận là soái ca trong đại gia đình cảm xúc. Hễ ở đâu có bất công, có sai trái là ở đó có Giận và Giận nhất định lấy lại công bằng.
Thông điệp của Giận: Chuyện này SAI/ BẤT CÔNG (Tạm dịch từ: This is wrong or unjust).
Giận là bạn nối khố của mình. Hai đứa chơi thân với nhau có đến vài chục năm. Thân đến nỗi đã có một thời gian dài mình tin rằng Giận (Dữ) nó là bản tính trời sinh của mình, chẳng bao giờ có thể thay đổi được.
Có Giận ở bên, mình chẳng sợ ai. Sếp cao hơn mấy bậc cũng cứ chiến đấu đến cùng. Những lúc như thế ý chí cao ngút trời, u đầu sứt trán cũng chịu, mà thậm chí có “hy sinh nơi chiến trường” cũng không cản được mình.
Đến một dạo Giận làm mình mỏi mệt vì tai tiếng. Bạn bè, đồng nghiệp thân đều hiểu tâm mình tốt, chỉ nóng tính vậy thôi, nhưng những mối quan hệ xung quanh dần bị sứt mẻ. Tội lỗi được dịp thăm viếng mình nhiều hơn. Đó là lúc mình bắt đầu tự hỏi có cách nào để ‘khống chế’ Giận.
Nghe đồn “thuốc” để chữa Giận là Thương (Compassionn). Nhưng trời ơi sao mà thương được cái đứa làm mình giận chứ. Lúc dầu sôi lửa bỏng ai kêu mình ‘Thương nó đi, đừng giận’ chắc như đổ dầu vào lửa.
Mình đã lùng sục đọc hết cuốn này đến cuốn khác của Thầy Thích Nhất Hạnh nhưng vẫn không thể hiểu nỗi Thương là gì. Cho đến một hôm, cái não của mình bị “rung lắc dữ dội” bằng một câu chuyện giản đơn.
Chuyện kể hôm ấy Thầy được tin một chiếc thuyền của những người vượt biên bị hải tặc tấn công trên biển. Một em bé chừng mười tuổi đã bị làm nhục, gia đình em bị giết chết. Em không chịu nỗi sự mất mát quá lớn nên cũng lao xuống biển tự vẫn. Thầy đã giận đến mất ngủ.
Rồi Thầy hình dung mình được sinh ra ở vùng biển nghèo, không được cho ăn học, không được dạy dỗ tử tế. Lớn lên lại phải theo người lớn ra biển cướp bóc để có cái ăn. Ai làm gì thì bắt chước làm theo, không hề biết đâu là sai là đúng. Thầy nhận ra nếu có giận hay trừng phạt những người cướp biển cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Nghĩ đến đó cơn giận của Thầy tan biến, chỉ còn lại Thương.
Lúc đó mình chưa thể Thương được như Thầy nhưng câu chuyện đã làm mình chấn động. Chấn động vì mình đã quá may mắn được sinh ra, được học hành, dạy dỗ trong môi trường tốt. Nếu mình ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ bất lực với số phận đã an bày.
Hôm ấy mình bần thần rất lâu. Ngồi nhớ lại tất cả những người mình đã giận và trừng phạt họ. Thử đặt mình trong hoàn cảnh của họ, tự nhiên mọi tình huống đều có một góc nhìn rất mới.
Bạn nhân viên giao bài trễ là do bạn còn quá mới với công việc và mình vì quá bận rộn nên đã không giải thích cặn kẽ. Đối tác không làm bài tốt vì họ không có cái nhìn toàn cảnh về nhãn hàng, không hiểu được toàn bộ ngóc ngách của dữ liệu nội bộ mà chỉ có mình nắm giữ nhờ những buổi họp/ trò chuyện với marketing team. Sếp đã bắt cả team làm việc gấp đến khuya vì hôm ấy bị căng thẳng và áp lực ở trên.
Lần đầu tiên mình nhận ra mình luôn có nhiều hơn một chọn lựa mỗi khi Giận đến.
Hoặc mình sẽ làm theo Giận “Điều này bất công/ sai trái” và ngay lập tức chọn cách trừng phạt người đã gây ra chuyện bất công/ sai trái cho mình. Ngay sau đó sẽ nhận lại nguồn năng lượng (phản kháng) tiêu cực từ họ.
Hoặc mình dừng lại và tự hỏi “Điều này có thật sự bất công?” nếu mình đặt mình vào vị trí của họ để từ đó tìm một giải pháp thấu đáo để xử lý tình huống tận gốc rễ, hoàn toàn chuyển hoá năng lượng của Giận bằng sự thấu hiểu.
Đó là cách mình đã vượt qua sức nóng của Giận để bình tâm xem xét lại vấn đề. Còn bạn thì sao?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions
Trích dẫn thông điệp của Giận:
Anger: This is wrong or unjust.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby.