‘What got you here won’t get you there’.

Marshall Goldsmith – two-time winner of the Thinkers 50 Award for #1 Leadership Thinker in the World, has been ranked as the #1 Executive Coach in the World and a Top Ten Business Thinker for the past eight years.

Bạn có bao giờ nghĩ rằng những gì đã giúp bạn đạt được thành công của ngày hôm nay có thể là những thứ nặng nề, làm bạn vướng víu, vấp tới vấp lui, chạy hoài, chạy mãi mà vẫn không chạm tới những giấc mơ mình đang ấp ủ?

Từ những ngày đầu mới đi làm, tôi đã luôn cần mẫn, chăm chỉ cố gắng hoàn thành thật tốt những gì sếp giao phó. Có thể đó là do thói quen hồi còn đi học, lúc nào cũng cố gắng học tốt để làm ba má và thầy cô vui lòng. Cũng có thể là do suy nghĩ mình không thông minh bằng người khác nên phải cố gắng nỗ lực gấp hai, gấp ba mới an tâm. Dần dần tôi lại có niềm vui được công nhận là nhân viên làm việc hết lòng. Ngày qua ngày sự cần cù chăm chỉ, lúc nào cũng hoàn thành công việc tốt, đúng thời hạn được giao đã giúp tôi xây dựng niềm tin ngày càng lớn. Niềm tin càng lớn sẽ đi cùng với phạm vi công việc ngày một lớn hơn. Nếu trước đây tôi chỉ làm một mình, thì sau này được dẫn dắt thêm một vài bạn trong nhóm. Nếu trước đây chỉ xem một ngành hàng thì giờ đây là một vài ngành hàng. Nếu trước đây chỉ phụ trách một thị trường thì sau đó sẽ là một khu vực. Đến một lúc tôi cảm thấy bối rối. Cái niềm vui được nhìn ngắm ‘sản phẩm’ tự mình làm ra một cách trọn vẹn, chỉnh chu, và được mọi người công nhận vẫn còn đó. Nhưng những cảm xúc khó chịu khác cũng bắt đầu gõ cửa. Đó là những căng thẳng thường trực vì có quá nhiều thứ phải lo âu, phải kiểm soát vì lơ là một chút là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công việc.

Bản thân tôi nhận thức rõ những gì đang diễn ra và tôi đã cố gắng thay đổi. Tôi trao quyền nhiều hơn cho các bạn trong team; cố gắng tự trấn an mình. Nhưng rồi sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, làm tôi cẳng thẳng gấp nhiều lần. Và niềm vui được tự tay là mọi việc cũng giảm. Thế là tôi quay lại thói quen làm việc cũ. Tôi tiếp tục không có thời gian cho bản thân, không bao giờ đi nghỉ phép mà không phải mang theo laptop để kiểm tra email/ làm việc, thường xuyên chịu nhiều áp lực trong công việc hàng ngày. Nhưng điều đáng buồn nhất là tôi không được giao thêm những trọng trách lớn hơn vì khả năng quản lý đã chạm đến ngưỡng giới hạn.

Ở đây, một trong những giá trị cốt lõi (core values) giúp người khác nhận diện tôi (identity): ‘đáng tin, luôn có tinh thần trách nhiệm cao khi nhận trọng trách’ đã từng giúp tôi thăng tiến nhanh, lại trở thành chướng ngại vật không cho tôi leo lên những ngọn núi cao hơn.

Đó là chuyện cũ kể lại. Trên con đường coaching đầy thú vị này, tôi đã và đang gặp khá nhiều trường hợp tương tự. Khi mà một hoặc một vài thói quen của chúng ta, đang làm bản thân mình hoặc những người xung quanh khốn đốn, mình nhận thức được nhưng không thể nào thay đổi được. Đó là khi những thói quen đó bắt rễ rất sâu, rất chặt từ một hoặc một vài giá trị cốt lõi mà chúng ta bằng mọi giá phải bảo vệ cho bằng được. Bởi vì đánh mất những giá trị này chẳng khác nào chúng ta không còn là chính mình, chúng ta không còn tồn tại nữa.

Vậy làm cách nào để ‘cắt rễ’ những thói quen không mong muốn mà vẫn là chính mình và lại còn giúp chúng ta có thể chạm đến những giấc mơ cháy bỏng?

1. Nhận diện (những) thói quen không mong muốn (Sẽ có một bài viết cụ thể hơn về chủ đề này. Đôi khi những gì mà chúng ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của những điều thật sự mang lại phiền toái cho bản thân và người xung quanh.) 

2. Tìm hiểu những thói quen này bắt rễ từ (những) giá trị cốt lõi nào.
Sự thấu hiểu và cảm thông (compassion) cho bản thân là cảm nhận tôi thường nghe các khách hàng chia sẻ khi các bạn giải thích được tại sao mình lại hành xử như vậy. Theo sau là cảm xúc nhẹ nhõm vì các bạn nhận ra chúng không phải là tính cách như vẫn lầm tưởng (những điều được tin rằng cha sinh mẹ đẻ và không thể thay đổi). Mà thật ra những thói quen này đều có thể thay đổi, từ đó giúp các bạn xây dựng một hình ảnh mới với nhiều cảm hứng hơn.

3. Nhìn sâu vào thế mạnh của bản thân để xây dựng (những) giá trị đáng khao khát mới, từ đó loại bỏ (những) thói quen không mong muốn.
Trong câu chuyện của tôi. Khi hiểu rõ thế mạnh của mình trong việc nhìn ra những điểm đặc biệt/ điểm tốt của những sự việc/ những người xung quanh. Tôi đã dùng chúng để động viên những bạn làm việc chung, làm mọi người cảm thấy được công nhận, được khích lệ và làm tốt công việc của mình. Xây dựng thói quen mới này cũng giúp tôi xây dựng hình ảnh một người lãnh đạo đội nhóm mới, hoàn thành mục tiêu bằng cách truyền cảm hứng – một hình ảnh tôi đã luôn khao khát. Hình ảnh này giúp tôi dễ dàng buông bỏ niềm vui phải tự tay mình làm tất cả mọi điều từ to đến nhỏ nhưng đồng thời cũng mang đến sự căng thẳng vì quá tải.

4. Lên kế hoạch hành động để xây dựng những giá trị mới.
Để có được niềm tin của mọi người, tôi của rất nhiều năm về trước đã phải làm việc chăm chỉ ngày đêm, hoàn thành nhiệm vụ đúng như những gì mình đã hứa không chỉ một lần, năm lần, mười lần mà rất rất nhiều lần. Do đó khi đã hiểu được mình cần phải làm gì, rèn luyện (practice) để xây dựng hình ảnh mới là một hành trình đòi hỏi sự bền bỉ và thời gian. Có một người coach đồng hành với bạn để lên kế hoạch hành động trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ lúc đầu và nhanh chóng sở hữu hình ảnh mới một cách tự nhiên.

Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để lên kế hoạch cùng bạn chinh phục những ngọn núi cao hơn bạn nhé.

Bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau đây:

  1. What got you here won’t get you there by Marshall Goldsmith.
  2. Coaching to the human soul by Alan Sieler
  3. Grit by Angela Duckworth
  4. Presence-based leadership by Doug Silsbee