Một câu hỏi yêu thích tôi thường hỏi khách hàng khi coach bằng công cụ StrengthsFinder là: ‘Kể lại một câu chuyện thành công mà bạn tự hào’. Lắng nghe hàng trăm câu chuyện thành công từ những em sinh viên vừa mới tốt nghiệp cho đến những anh/ chị đang nắm giữ những vị trí quan trọng, tôi nhận ra những câu chuyện này thường phân vào hai nhóm: Nhóm tự hào và Nhóm không cảm xúc.
Ở nhóm tự hào, những câu chuyện được kể với nhiều cảm xúc tràn đầy năng lượng tích cực như tự hào, mãn nguyện, vui sướng, hân hoan. Câu chuyện được kể đến từng chi tiết nhỏ với những nụ cười và ánh mắt rạng ngời.
Ở nhóm không cảm xúc, trước khi được kể tôi sẽ được nghe những câu đại loại như: ‘Thật ra em/ anh/ chị không có câu chuyện nào cả. Suy nghĩ mãi mà không ra.’ Khi những câu chuyện được kể ra, chúng thiếu rất nhiều tiết tình, hình hài của câu chuyện không rõ ràng, rất khó hình dung người chủ sở hữu chúng đã làm gì để có được thành công. Và tuyệt đối là không chút cảm xúc. Nếu có lại là chút gì đó hơi nghi ngờ (doubt).
Chắc các bạn đang nghĩ nhóm hai là những câu chuyện của những bạn trẻ còn non nớt, chưa có thành tựu gì đáng kể. Thật ra đó lại là điều ngược lại. Phần lớn câu chuyện như thế lại đến từ những người đã đạt được một số vị trí nhất định.
Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên trong những ngày đầu tiên mới bước chân vào con đường coaching. Làm sao mà những người đạt được nhiều thành tựu/ leo lên những vị trí cao như thế lại quá khó khăn trong việc kể ra những điều mình thấy tự hào? Sau nhiều buổi nói chuyện sâu hơn tôi mới nhận ra hai điều khá thú vị về nhóm không cảm xúc:
- Họ hiếm khi dừng lại để công nhận những thành tựu của mình.
Mỗi khi đạt được một thành tựu/ cột mốc nào đó, họ chỉ vui trong chốc lát. Rồi ngay lập tức họ đã nhìn thấy những cột mốt cao hơn cần phải đạt. Tất bật lên kế hoạch và hành động để có được chúng. Rồi cho dù thành tựu có được người bên ngoài khen ngợi/ thán phục đến mức nào, họ vẫn luôn tìm ra được những điểm cần làm tốt hơn. Rồi lại xăn tay áo lên để tìm cách làm cho chúng thật hoàn hảo.
2. Họ hiếm khi dành thời gian để tận hưởng và lưu giữ ký ức có những cảm xúc dễ chịu.
Thói quen thứ nhất làm cho ký ức của họ chỉ lưu giữ những khoảng thời gian đầy chông gai, những điểm chưa hoàn hảo của bản thân, những thách thức mới cần phải vượt qua – cảm xúc đi kèm chắc chắn không thể là tự hào và mãn nguyện về bản thân mình. Những khoảnh khắc như bình yên, vui mừng, hân hoan, mãn nguyện vì những gì mình đang có không có chỗ trong kho ký ức của họ.
Và hệ quả là nhóm hai thường là những người rất thành công nhưng lại rất hay nghi ngờ năng lực của mình, dễ chao đảo khi có những nhận định không tích cực về bản thân, không tự tin để nắm bắt những cơ hội đang chờ đón mình phía trước.
Chúng ta vẫn thường có thói quen gửi tiết kiệm. Đó là một khoản tiền nho nhỏ được dành dụm để vào tài khoản ngân hàng mỗi tháng. Mục đích để dành cho những tình huống bất trắc như đau ốm, hoặc chuẩn bị cho một cơ hội đầu tư bất ngờ nào đó. Hãy làm điều tương tự cho tài khoản cảm xúc của mình. Rất đơn giản:
- Mỗi ngày hãy dành ra ít phút ghi lại một điều gì đó mình đã làm tốt, tận hưởng niềm vui ấy. Đọc lại chúng trước khi đi ngủ. Nếu là một niềm vui lớn lao, hãy chia sẻ chúng với người thân để kéo dài khoảnh khắc ấy.
- Ăn mừng chiến thắng NGAY và LUÔN. Đừng trì hoãn việc tưởng thưởng cho bản thân. Hãy làm điều gì đó để ghi dấu những niềm vui của mình thật sâu trong ký ức.
Hãy thử làm 1 tuần, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi như trải nghiệm của những khách hàng đáng yêu của tôi. Đừng lo là bạn sẽ trở thành người ngủ quên trên chiến thắng. Nếu bạn thuộc nhóm đó, chắc chắn bạn không đọc đến dòng này. 😉