Đây là một video rất ngắn của Bác sỹ, Tiến Sỹ David Hawkins về cách vượt qua những khủng hoảng lớn như người thân mất, li hôn, tai nạn và thậm chí là thảm hoạ có thể xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.
Khi những thời khắc như thế, cuộc sống tưởng chừng như một cơn ác mộng. Chúng ta bị nhấn chìm trong những cơn bão cảm xúc.
Những ai đã từng trải qua có thể cảm nhận điểm chung của những sự kiện này: tâm trí chúng ta cảm nhận có một sự mất mát to lớn, cảm giác bất lực, không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi sự kiện đã xảy đến với mình.
Và thế là mình trải qua cơn bão cảm xúc tiêu cực như: sốc, chối bỏ/ không tin những gì mình đã và đang trải qua, tức giận, tự trách bản thân, cảm thấy tội lỗi, phẫn nộ gia đình/ bạn bè/ và cả thế giới…
Những cảm xúc tiêu cực này đồng loạt trồi lên một lần, có đôi khi là lần lượt xuất hiện, thỉnh thoảng lại ào ạt ập đến làm cho chúng ta bị nhấn chìm trong dòng thác cảm xúc.
Tâm trí (mind) của chúng ta lúc đó cố gắng suy nghĩ, lập luận để tìm giải pháp. Tâm trí cố gắng tìm lý do giải thích về sự kiện nhưng nó không thể thành công vì năng lượng tiêu cực quá lớn, quá áp đảo. Vì thế, những suy nghĩ lúc đó chỉ là phản chiếu lại năng lượng lượng tiêu cực của cảm xúc tiêu cực. Và thế là chúng ta chẳng những bị nhấn chìm bởi năng lượng tiêu cực mà còn bị nhấn sâu hơn bởi những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
Điều DUY NHẤT mà chúng ta cần làm để xử lý khủng hoảng là tập trung giải quyết NĂNG LƯỢNG của cảm xúc tiêu cực.
Sự kiện đã xảy ra không phải là vấn đề. Cách chúng ta cảm nhận về sự kiện ấy hay phản ứng cảm xúc của chúng ta về sự kiện mới chính là vấn đề. Do đó, điều duy nhất mà chúng ta cần làm trong lúc khủng hoảng là tập trung xử lý cảm xúc của mình.
Cảm xúc về mỗi sự kiện xảy đến trong cuộc sống của mỗi người đến từ thái độ sống, niềm tin, cách sống, cách chúng ta nhìn bản thân/ định vị mình trong cuộc đời này. Do đó, mỗi người khi đối mặt với khủng hoảng có thể có nhiều cảm xúc khác nhau.
Các sự kiện xảy ra trong cuộc sống có thể xử lý dễ dàng. Nhưng suy nghĩ bi quan được tạo ra từ những cảm xúc tiêu cực. Cuộc sống luôn cho chúng ta nhiều giải pháp để chọn lựa. Do đó chúng ta không cần đả động gì đến những sự kiện bên ngoài, chẳng cần quan tâm đến những suy nghĩ tiêu cực. Chỉ cần tập trung vào NĂNG LƯỢNG của cảm xúc tiêu cực.
Lúc ấy, bản thân ta giống như một cái nồi áp suất bên trong chứa đầy những cảm xúc tiêu cực đã bị dồn nén trên hành trình sống của mỗi người. Sự kiện khủng hoảng là cơ hội để tất cả những cảm xúc tiêu cực được dịp tuôn trào/ thoát ra cùng một lúc.
Điều quan trọng đầu tiên cần làm là:
(1) Phát hiện những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên càng sớm càng tốt (Catch the experience earlier and earlier)
(2) Chấp nhận rằng chúng ta không thể trốn thoát/ bỏ mặt/ làm ngơ trải nghiệm cảm xúc này (càng cố trốn tránh chỉ làm cho trải nghiệm đau khổ kéo dài thêm)
Và đây là kỹ thuật:
NGỒI XUỐNG, KHÔNG CHỐNG LẠI TRẢI NGHIỆM ĐÃ DIỄN RA, CÓ MẶT VỚI TRẢI NGHIỆM CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH.
Xả bỏ năng lượng tiêu cực càng nhanh, chúng ta càng có thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng.
Trên đây là phần tóm tắt dựa trên sự hiểu của mình. Các bạn xem lại video gốc ở đây nhé: https://youtu.be/YWvIZ9Dcyb8
P.S. Sơ lược về Bác sỹ, Tiến Sỹ David Hawkins:
Tiến sỹ Hawkins (1927 – 2012) lớn lên ở Wisconsin và phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ 2 trước khi vào trường Y và trở thành Bác sỹ Tâm thần. Ông là Giám đốc Y tế của Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Bắc Nassau (1956-1980) và là Giám đốc Nghiên cứu ở bệnh viện Brunswich, Long Island (1968-1979). Bác sỹ thường xuyên có mặt trong các chương trình truyền hình quốc gia như The McNeil/ Leher News Hour, The Babara Walters Show, The Today Show, các chương trình phim tài liệu khoa học, … và được Oprah Winfrey phỏng vấn trong chương trình của bà. Ông đã đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới như Oxford Forum, Westminster Abbey, Đại học Notre Dame, Michigan, California, Fordham và Harvard.
Hawkins là tác giả của rất nhiều sách, trong đó có bộ ba best seller: Power vs. Force, The Eye of the I, và I: Reality and Subjectivity. Cuốn Power vs. Force được ông xuất bản ở tuổi 68, được dịch sang 25 ngôn ngữ với hơn một triệu bản in.
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Physicians Recognition Award của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ; giải thưởng Huxley cho “Đóng góp vô giá trong việc xoa dịu nỗi đau của con người” và được phong tước Hiệp sĩ (1995) bởi Sovereign Order of St. John’s of Jerusalem của Đan Mạch.