Lần đầu tiên nhìn thấy bảng top 5 talents của mình, tôi thật sự thất vọng. Learner nằm ở vị trí số 1, tiếp theo là Responsibility và các talents khác với những cái tên thật ‘tầm thường’. Ai mà chẳng đi học nhỉ? Đi làm thì phải có tinh thần trách nhiệm chứ? Có gì đáng tự hào đâu, mà lại còn là top 1 và top 2. Nhìn quanh người ta nào là Communication, Command, Self-assurance trong top 5. Ấn tượng đầu tiên luôn là cảm xúc làm cho ta nhớ mãi nên tôi rất đồng cảm với các bạn khách hàng tỏ ra thờ ơ hoặc buồn hiu với bảng kết quả của mình.
Thế nhưng có một insights mà chỉ các Coaches của Gallup mới hiểu: Talents chỉ là cách thức để bạn làm một chuyện gì đó. Để đạt được mục tiêu, chúng ta không nhất thiết phải có những talents mà mình mơ ước hoặc ganh tị ở người khác.
Self-assurance là talent hiếm thứ 2 trong 34 talents. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 9% người có talent này trong top 5. Người sở hữu Self-assurance có niềm tin sắt đá vào bản thân và trực giác của mình; họ sẵn sàng ra quyết định mạo hiểm và còn có khả năng truyền ‘lửa tự tin’ cho những người xung quanh.
Điều mà tôi rất thích ở talent này là khả năng ra quyết định độc lập, một khi đã ra quyết định rồi thì không lo âu hoặc hối tiếc. Không có bạn talent tuyệt vời này thì tôi dùng ba bạn khác: Deliberative, Analytical và Intellection. Deliberative giúp tôi nhìn thấy rủi ro trong mọi vấn đề. Analytical thu thập dữ liệu để cân nhắc mức độ nguy hiểm của các rủi ro. Intellection giúp tôi quan sát suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, suy nghĩ thấu đáo các tình huống trước khi ra quyết định. Sau một thời gian nhìn lại thì tôi rất tự hào nhận ra mình đã bỏ hẳn cái thói quen ‘trưng cầu dân ý’ mỗi khi phải ra quyết định cho các vấn đề hóc búa của bản thân.
P.S.: Các bạn thân của tôi hãy đừng giận vì lâu rồi mềnh không nhờ các bạn vote nữa. ^^
Kết thúc bài này, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện hồi bé tí, chẳng hiểu sao cứ đeo bám mãi về sau.
Hồi đó trường tổ chức hoạt động ngoại khóa. Tất cả học sinh được nghỉ học một ngày để tha hồ lăn lộn, bò trườn và gào thét. Trong một trò chơi, chúng tôi được chia làm 2 đội, đứng đối diện nhau chừng 20m. Dép của mỗi đứa bị tịch thu rồi xếp thành một hàng dài ở chính giữa hai đội. Sau tiếng còi, hai đội phải chạy thật nhanh để lấy lại dép của mình. Đội nào lấy được dép đầu tiên sẽ thắng.
Không có máu ăn thua nhưng chắc vì tinh thần trách nhiệm cao, không được để đội mình thua vì mình nên tôi chạy hộc tốc và lăn xả vào đám đông hỗn loạn. Dép không còn nằm ngay ngắn như lúc được xếp mà văng loạn cả lên. Các bạn cao to không chỉ chạy đến lấy dép của mình mà còn cố tình ngăn cản đối phương nhặt được dép của họ. Tôi siêu nhỏ con lại ốm yếu nên không nằm trong tầm ngắm ấy, nhưng lại không thể nào có đủ sức mạnh để chen vào tìm dép của mình. ‘Tinh thần trách nhiệm cao’ cứ thế xông vào rồi tha hồ bị các bạn khác xô đẩy cho bầm dập. Trong trận chiến hỗn loạn ấy tôi chợt nghe có ai đó gọi tên mình:’ Thảo, dép của bạn ở bên ngoài đây nè’. Nhìn ra thì đúng là chúng lăn lóc cách xa ‘khu vực hỗn chiến’ đến vài mét. Cầm dép trên tay mà tôi ngẩn ngơ đến vài phút. Tự hỏi mình sao không chọn cách giống bạn bên cạnh, biết mình nhỏ con thì đừng lao vào vòng chiến, chỉ nên đứng ngoài quan sát, chờ đợi dép mình văng ra rồi nhặt, có phải chẳng nhanh và đỡ mất công tốn sức không.
Để chiến thắng một cái game, hay để đạt được một mục tiêu nào đó, chúng ta không nhất thiết phải làm theo cách của người khác. Hãy chơi game theo cách của mình bạn nhé!
Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để biết cách giải mã bộ tài năng độc đáo của bạn và làm cho mình thật sự khác biệt nhé!