Giáo sư Yuval Noah Harari là một nhà sử học, triết gia và là tác giả của các cuốn best sellers như Homo Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử ngày mai, 21 bài học cho thế kỷ 21, loạt sách Sapiens: Lịch sử đồ họa và Unstoppable Us, và Nexus: Lược sử mạng thông tin từ thời đồ đá đến AI. Sách của anh đã bán được hơn 45 triệu bản bằng 65 ngôn ngữ và Yuval Noah Harari được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.

Nếu bạn đã đọc và yêu thích góc nhìn nhân văn của tác giả về quá trình tiến hoá của lịch sử loài người, phong cách viết/ cách dùng câu chữ chỉnh chu, lập luận sắc bén với các dẫn chứng khoa học đầy thuyết phục qua cuốn Homo Sapiens thì Homo Deus cũng sẽ cho bạn một niềm vui như thế. Điểm khác biệt là quyển này sẽ đưa bạn đến thế giới tương lai.

Trong quyển Homo Deus, Harari cho chúng ta một tầm nhìn rộng về các dự án khoa học lớn về tương lai mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21. Homo Deus cảnh báo về các mối đe dọa do các thế lực công nghệ mới và chưa từng có gây ra, có thể cho phép một số người nâng cấp cơ thể và trí óc của họ một cách nhân tạo trong khi các thành viên khác của xã hội bị bỏ lại phía sau.

Là một sinh vật nhỏ bé trên trái đất này, mình không quá lo lắng về những dự báo của Harari (vì có lo lắng cũng không làm gì được). Nhưng có một đoạn tác giả viết về Hạnh phúc làm mình phải suy ngẫm.

What is HAPPINESS?

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc có phải là khi chúng ta đạt được thành công như/ ngoài mong đợi, chạm đến những cột mốc của các kế hoạch 5 năm/ 10 năm…? Hạnh phúc có nằm ở những nơi nghỉ dưỡng sang trọng, những ngôi nhà thơ mộng ở miền quê thanh bình nào đó? Hạnh phúc có ở những chức vụ thật cao mà chúng ta đang nắm giữ hoặc đang mơ ước?

Hạnh phúc là gì mà chúng ta cứ đuổi theo mỗi ngày, có những lúc tưởng chừng như đã nắm bắt được và rồi có những lúc mọi thứ tan vỡ như bọt xà phòng?

Trong quyến Homo Deus, theo các nghiên cứu khoa học và tâm lý học, Hạnh phúc (Happiness) phục thuộc vào mức độ KỲ VỌNG (EXPECTATIONS) của mỗi cá nhân chứ không phải trình trạng/ điều kiện bên ngoài. Chúng ta không cảm thấy hài lòng khi có một cuộc sống thịnh vượng/ giàu có và bình an. Chúng ta cảm thấy hài lòng khi thực tế diễn ra đúng với kỳ vọng của mình. Bad news là khi điều kiện sống được cải thiện thì kỳ vọng cũng tăng theo.

Đọc tới đoạn này tự nhiên cảm thấy healing, không còn trách móc bản thân tại sao đã “không chịu sống hạnh phúc” khi tưởng chừng có tất cả.

Hồi mới được đi làm ở Singapore. Công việc ở vị trí mới vô cùng thử thách. Mỗi ngày đi làm mà hồi hộp không biết performance có đủ tốt để được giữ lại sau 6 tháng hay không. Mỗi ngày bước ra đường là tự nhủ: thôi nếu mình thất bại phải quay về thì coi như được đi du lịch 6 tháng ở Singapore rồi còn gì. Vậy là mỗi sáng thức dậy là hạnh phúc vô cùng khi được bước ra đường, được nhìn thấy những điều mới lạ.

Theo thời gian, những điều đã từng làm mình hạnh phúc ở Singapore trở nên bình thường. Mình bắt đầu đi du lịch nhiều, chi nhiều tiền để đến những nơi sang trọng, lạ lẫm. Sự hào hứng, thích thú cũng nhanh chóng qua đi (có lần mình đã bỏ vé máy bay đi Nhật lần hai mà không hề tiếc nuối). Mức lương đã từng làm mình choáng ngợp lúc đọc offer letter cũng không làm mình vui mỗi cuối tháng.

Đến khi gặp phải new management style, sự kiên định trong mình yếu hẳn. Nhìn vào, có thể nói là do leadership, nhưng thật ra bên trong, mình đã cảm thấy chán mọi thứ, kể cả vị trí công việc của mình. Mình đã xin anh sếp cũ cho sang US hoặc Anh làm việc mà không có cơ hội. Vẫn còn nhớ lúc đó mình đã tự hỏi, nếu mình là một đứa mới được nhận vị trí này, mình có bỏ cuộc quá sớm trong trận chiến này? Giờ thì đã hiểu, khi điều kiện sống càng tăng, kỳ vọng của con người cũng tăng theo và chúng không có điểm dừng.

CÓ PHẢI CON NGƯỜI CHÚNG TA PHẢI CHẠY ĐUỔI THEO NHỮNG KỲ VỌNG KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG CỦA MÌNH ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC?

Theo Epicurus, triết gia Hy Lạp cổ đại, chúng ta cảm thấy hạnh phúc là khi ta cảm nhận được cảm giác dễ chịu trên cơ thể và không có bất cứ cảm giác khó chịu nào.

Hạnh phúc thật ra chỉ là những CẢM GIÁC DỄ CHỊU và không phải chịu đựng những cảm giác khó chịu TRÊN CƠ THỂ mà thôi.

Khoa học về sự sống đã chỉ ra hạnh phúc và khổ đau chỉ là sự cân đối những cảm giác trên cơ thể. Khi đối mặt với những sự kiện/ sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không bao giờ phản ứng lại với những sự kiện này, CHÚNG TA PHẢN ỨNG LẠI (REACT) VỚI CHÍNH NHỮNG CẢM GIÁC TRÊN CƠ THỂ MÌNH.

Khi ai đó “làm cho mình tức giận”, những điều người đó nói/ làm không phải là nguyên nhân làm cho ta phản ứng lại, mà chính là những cảm giác khó chịu: sự căng thẳng trong cơ thể, tim đập nhanh, nóng ở đầu/ ở mắt, khó thở… đã làm cho ta phải to tiếng, lên kế hoạch trả đủa, trừng phạt người kia… Quan sát, chúng ta dễ dàng nhận ra trong cùng một tình huống, không phải ai cũng có cách hành xử giống nhau. Điều đó tuỳ thuộc vào cường độ của cảm giác khó chịu hoặc/ và khả năng giữ được sự bình thản khi cảm nhận cảm giác khó chịu trên cơ thể của mỗi người.

Chẳng ai cảm thấy hạnh phúc vì được thăng chức, trúng số hay tìm được tình yêu đích thực. Con người ta cảm thấy hạnh phúc vì một điều và chỉ một điều duy nhất: cảm giác dễ chịu trên cơ thể (pleasant sensations).

Nhớ lại cái lần ta được lên chức ngoài mong đợi, chúng ta vỡ oà sung sướng. Hạnh phúc trong giây phút đó không phải là cái chức vụ kia, mà là chúng ta hạnh phúc vì đang cảm nhận những cơn bão cảm giác bên trong cơ thể: cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng, những đợt sóng điện tràn qua cơ thể, cảm giác như ta tan biến thành hàng triệu quả cầu năng lượng đang nổ tung.

Còn khi ta được thăng chức và vì lý do nào đó không cảm nhận được những cảm giác này trên cơ thể, ta không cảm thấy thoả mãn và hạnh phúc.

Cảm giác dễ chịu nhanh chóng biến mất và cảm giác khó chịu không sớm thì muộn sẽ thế chỗ. Nếu ta mong muốn có lại trải nghiệm của những cảm giác dễ chịu này, ta phải có thêm promotion nữa. Rồi thêm nữa, thêm nữa. Nếu ta không có được promotion/ hoặc không thể đạt được những mục tiêu ngày một cao hơn, có thể ta sẽ cảm thấy chán nản, cay đắng và tức giận.

Harari kể trong một thí nghiệm nổi tiếng, các nhà khoa học đã kết nối các điện cực với não của một số con chuột, cho phép các con vật tạo ra cảm giác phấn khích chỉ bằng cách nhấn bàn đạp. Khi những con chuột được lựa chọn giữa thức ăn ngon và nhấn bàn đạp, chúng thích bàn đạp hơn (giống như trẻ em thích chơi trò chơi điện tử hơn là xuống ăn tối). Những con chuột nhấn bàn đạp liên tục, cho đến khi chúng ngã gục vì đói và kiệt sức.

PLEASANT SENSATIONS (những CẢM GIÁC DỄ CHỊU) chính là yếu tố quyết định HẠNH PHÚC của mỗi chúng ta.

Bạn có ngạc nhiên về phát hiện này?

About Yuval Noah Harari: https://www.ynharari.com/about/