How to be sick – tác giả Toni Bernhard

Toni Bernhard đã từng là giáo sư luật, giảng dạy 22 năm tại Đại học California – Davis. Cô cũng từng là hiệu trưởng của trường luật trong 6 năm cho đến khi buộc phải nghỉ hưu sớm do tàn tật vì bệnh viêm cơ não tủy / hội chứng mệt mỏi mãn tính – myalgic encephalomyelitis/chronic fatigue syndrome (ME/CFS).

Chắc là đã có tuổi nên mình bị hấp dẫn liền bởi cái tựa sách này. ^^ Cuốn sách được viết dựa trên trải nghiệm của tác giả về cuộc sống với căn bệnh không có thuốc chữa. “How to be sick” đã giành được hai giải thưởng Nautilus Book năm 2011: huy chương Vàng ở thể loại sách Self-help và huy chương Bạc cho thể loại Hồi ký.

Có nhiều bài học đang suy ngẫm từ những trải nghiệm của cô Toni, hữu ích cho cả những người đang có bệnh mãn tính hoặc người đang chăm sóc cho người thân.

PAIN is PART OF LIFE (tạm dịch – Đau (bệnh tật) là một phần của cuộc sống)

Cô Toni cùng chồng đã quyết định đi Paris để ăn mừng cột mốc 20 năm giảng dạy của mình. Chính trong chuyến đi này, Toni đã nhiễm loại virus làm cho cô bị viêm cơ não tuỷ/ mệt mỏi mãn tính, hầu hết thời gian phải nằm trên giường mặc dù bên ngoài trông cô có vẻ như một người bình thường. Trong khoảng thời gian này, cô lại phải đối mặt với bệnh ung thư.

Từ một người có địa vị xã hội, được cuộc sống ưu ái, có rất nhiều hoạt động đa dạng, chỉ sau một chuyến đi lại trở thành một người tàn tật, hầu hết thời gian nằm trên giường và phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Đọc sách, bạn sẽ hiểu được hành trình chuyển hoá của tác giả, từ việc không thể chấp nhận căn bệnh kỳ lạ này, (có rất ít công trình khoa học nghiên cứu để chữa trị) đến việc chấp nhận nó như là một “full-time job”.

Một cách nào đó, cái thuật ngữ “full-time job” mang lại bình an cho mình. Nó nhắc nhở mình cần chấp nhận rằng bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào và trở thành một công việc toàn thời gian hoặc ít nhất là một phần quan trọng trong cuộc sống, chi phối tất cả các kế hoạch làm việc và có thể làm thay đổi những giấc mơ mình từng ấp ủ.

Chấp nhận sự hiện diện của bệnh trong cuộc sống giúp mình bớt bực bội mỗi khi công việc đang thuận lợi thì phải dừng lại để chăm sóc cho bản thân hoặc người thân trong nhà; dễ dàng buông bỏ cái khao khát có lại sự tự do của thời tuổi trẻ – cái thời mà bản thân và ba má vẫn còn khoẻ mạnh, không phải mệt mỏi vì những quyết định liên quan đến sức khoẻ/ sự sống còn của người thân.

ĐAU KHỔ không phải là một từ. ĐAU KHỔ là HAI TỪ có HAI NGHĨA tách rời.

Mình học được rằng bệnh tật làm cho cơ thể mình ĐAU nhưng tâm làm cho mình KHỔ. Cái đau do bệnh tật gây ra có thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu mình có thể quan sát và giải phóng mình khỏi cái khổ do suy nghĩ của chính mình gây ra.

Why me? – là một trong những suy nghĩ làm cho mình vật vã một thời gian khá dài. Nó mang theo sự BỰC TỨC: Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm điều gì mà phải chịu cảnh này? Tại sao cuộc sống/ ông trời lại bất công đến như vậy?

Mình cũng hay GANH TỊ khi nhìn ra xung quanh thấy bạn bè ai cũng khoẻ/ có thể ăn uống tuỳ thích; hoặc có thể đi làm xa mà không vướng bận bất cứ trách nhiệm nào cho gia đình/ người thân. Rồi nó cũng làm cho mình XẤU HỔ/ SỢ BỊ ĐÁNH GIÁ vì cái suy nghĩ “Chắc do mình ăn ở sai trái nên giờ phải chịu hậu quả của karma”.

LO SỢ thì khỏi phải nói. Hai cảm xúc này luôn thường trực mỗi khi cơ thể có triệu chứng mới hoặc chờ đợi kết quả xét nghiệm/ chẩn đoán của bác sỹ…

Là người thực tập meditation & mindfulness lâu năm, cô Toni đã có thể quan sát và tách rời những cơn đau thể xác và những suy nghĩ/ cảm xúc làm cho mình khổ. Không chỉ giải phóng bản thân khỏi những nỗi khổ do do bệnh tật gây ra, cô Toni còn có thể tiếp tục sống và cống hiến. Quyển sách của cô đã truyền cảm hứng và giúp rất nhiều người cùng cảnh ngộ.

Các bạn sẽ tìm thấy nhiều phương pháp hữu ích để có lại được BÌNH AN (peace), NIỀM VUI (joy), THẢNH THƠI (equanimity), và TÌNH THƯƠNG CHO BẢN THÂN (self-compassion) khi có sự hiện diện của bệnh tật trong cuộc sống.

“How to be sick” đã mang đến CHẤP NHẬN, BÌNH AN và nhiều HY VỌNG cho hành trình phía trước của mình. Hy vọng bạn cũng sẽ tìm được bài học thú vị nào đó cho riêng mình.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions