Từ ngày có thể nhìn mặt, gọi tên và “nói chuyện” với từng cảm xúc, mình cứ ngỡ đã cắt đuôi được mấy đứa “tiêu cực/ khó chịu”, đặc biệt là Thất vọng. Mình biết tỏng lúc nào nó cũng nói cái câu “This isn’t what I expected” – “Đây không phải là điều mình đã mong đợi”.
Mỗi lần nó đến, mình lại hỏi nó là “mình đã kỳ vọng điều gì?”, rồi chỉ ra cho nó là mong đợi của nó không hợp lý. Rồi nó đồng ý bỏ đi.
Cơ mà những buổi trò chuyện như thế mất thời gian và năng lượng của mình quá đi mất. Chưa kể có những lúc nó làm cho mình cằn nhằn người khác xong rồi mới nhận ra chỉ vì người ta làm một điều gì đó trái với mong muốn của mình. Rồi mình để ý tần suất nó đến chơi có vẻ dày đặc hơn. Sự hiện diện khá thường xuyên của nó làm cho mình tự hỏi, kiến thức về thế giới cảm xúc của mình có lỗ hổng nào chăng?
Một sáng nọ, mình thức dậy với năng lượng nặng nề. Thất vọng đã chờ sẵn ở cửa, nhắc nhở một chuyện bất như ý hôm qua. Có lẽ nhờ gặp nó vào buổi sáng, là lúc tâm trí của mình sáng nhất trong ngày nên mình chợt nhận ra Thất vọng bây giờ hơi khác. Nó GIÀ ĐI, trông có vẻ “HIỂU BIẾT” và nhiều QUYỀN LỰC hơn.
Hồi còn là một sinh viên mới ra trường, nó chỉ thất vọng về chính mình khi có việc bất như ý xảy đến. Nó sẽ cố gắng thay đổi, học hỏi để lần sau mọi việc tốt đẹp, để được sếp thương. Sếp khó cỡ nào cũng ráng cày để có được một vị trí nào đó trong công ty.
Khi được sếp tin tưởng, đề bạt lên những vị trí cao hơn, có nhân viên dưới quyền, nó bắt đầu thất vọng về team vì rất nhiều việc, to có, nhỏ có và nó càu nhàu nhiều nhất là câu: “Sao mà chẳng được cần cù siêng năng như mình?”
Lên cao một chút nữa, thỉnh thoảng nó lại thất vọng luôn cả sếp: “Sao mà chẳng truyền cảm hứng gì hết. Sếp của người ta thì…”
Hồi xa xưa cuối tuần khệ nệ xách giỏ đi siêu thị không sao. Giờ được giao hàng tận nhà mà sai giờ một chút là Thất vọng lại khó chịu. Nó không nói ra, không cằn nhằn nhưng trong lòng hay nhấm nhẳng.
Mình phì cười. Cũng không trách được Thất vọng. Càng GIÀ ĐI, nó càng có nhiều trải nghiệm, được đọc, học nhiều hơn và thế là MONG ĐỢI/ TIÊU CHUẨN của nó về con người và cuộc sống mỗi lúc một cao hơn.
Nó được đi nước này, nước kia, trải nghiệm dịch vụ cao cấp, rất nhiều lần được phục vụ rất tốt, giao hàng đúng hẹn, nhân viên lịch sự, dễ thương.
Nó đã từng được làm việc với những bạn nhân viên giỏi giang hoặc thấy team người khác chua đáo, tận tình.
Nó đã được làm với nhiều sếp khác nhau, biết được sếp “soái ca” tốt với lính thế nào, sếp thật tâm lo cho nhân viên ra sao, rồi bao nhiêu là bài viết trên LinkedIn, những quyển sách/ khoá học về hình mẫu những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là phải thế nào.
Nó chỉ quên mất một điều: Cuộc sống vô thường, luôn thay đổi, biến chuyển và BẤT NHƯ Ý là QUY LUẬT CỦA CUỘC SỐNG này.
Trời đang nắng có thể đổ mưa. Hôm nay bình yên, ngày mai giông bão.
Nhân viên không phải ai cũng giỏi như nhau. Có bạn nói một hiểu mười. Có bạn phải ngồi cầm tay chỉ việc. Sếp cũng có người này người khác. Mà cho dù có chọn được sếp thật vừa ý mình thì một ngày kia cũng phải chia tay. Dịch vụ dù tốt đến đâu thì cũng có lúc hỏng hóc, sai sót. Lên kế hoạch kỹ đến mức nào rồi cũng sẽ có yếu tố bất ngờ…
Thất vọng “ngộ” ra. Nó cười bẽn lẽn. Nó đã già đi, tin là mình đã “hiểu biết”, “thông thái” hơn những vẫn chưa học được bài học lớn của cuộc đời: CUỘC SỐNG VÔ THƯỜNG và BẤT NHƯ Ý LÀ QUY LUẬT CỦA CUỘC SỐNG NÀY.
Đứa bạn “Thất vọng” của bạn có giống “đứa” của mình? ^^
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#langnghecamxuc
Disappointment’s message: This isn’t what I expected.
Source: The field guide to emotions by Dan Newby and Curtis Watkins