Giận dữ, Lo lắng, Sợ hãi, Tức, Thất vọng, Ganh Tị…
Nếu có một bà tiên hô biến những cảm xúc này thành con người với đủ hình hài như chúng ta, bạn suy nghĩ gì về những người bạn này?
Bạn có thích ‘kết bạn’ hay bạn sẽ xa lánh, cảm thấy xấu hổ khi có ai đó biết mình lỡ bị một vài bạn này ‘theo đuổi’?
Phần lớn câu trả lời tôi nhận được: tất cả những cảm xúc trên được xếp vào rỗ ‘TIÊU CỰC’ (NEGATIVE EMOTIONS)’. Và vì tiêu cực nên tránh càng xa càng tốt, hoặc hy vọng các bạn ấy đừng đến gần mình là tốt nhất.
Đó là một cách nhìn dễ hiểu vì khi các bạn này đến gần ta, chúng mang đến những cảm giác khó chịu, làm ta vật vã và rất nhiều khi gây ra những tổn thất tinh thần cho bản thân và những người xung quanh.
Tin vui, đó chỉ là một cách nhìn về cảm xúc. Hiện nay rất nhiều các nghiên cứu trên thế giới về Cảm xúc đã không còn phân loại cảm xúc thành tiêu cực hay tích cực. Họ gọi: Cảm xúc KHÓ CHỊU (Giận dữ, Tức, Thất vọng…) và DỄ CHỊU (Hạnh phúc, Vui vẻ, Tự hào…). Các nghiên cứu cũng chỉ ra MỖI CẢM XÚC MANG ĐẾN CHO TA MỘT THÔNG ĐIỆP.
Bằng cách thay đổi cách phân loại và học cách hiểu thông điệp của cảm xúc, ta có thêm một cách nhìn mới và có thêm hướng hành động giúp cuộc sống có thêm nhiều cảm xúc dễ chịu hơn.
Ví dụ về bạn Thất Vọng.
Bạn làm gì khi bị Thất vọng?
Cảm thấy Tức hoặc Ghét người đã làm cho mình thất vọng? Bắt đầu đề phòng họ để tránh thất vọng lần sau? Tệ hơn là ‘nghỉ chơi’?
Thật ra Thất vọng là một người bạn hữu ích. Bạn ấy chỉ muốn nói cho ra biết rằng người kia đã không đáp ứng được kỳ vọng của ta. Phần lớn trường hợp, Thất vọng nhắc nhở ta học cách ‘request’ hiệu quả hơn. Sau đây là một vài bước ta cần học hỏi từ thông điệp của Thất vọng:
- Tự hỏi mình: Những điều mình đang kỳ vọng có hợp lý chưa?
Ta làm việc chăm chỉ, ta mong muốn sếp phải thăng chức cho mình. Xem xét lại kỳ vọng như vậy đã hợp lý chưa vì chăm chỉ có phải là yếu tố quan trọng để được thăng chức? Hay để get promotion còn cần thêm nhiều yếu tố nữa: khả năng lãnh đạo, khả năng truyền cảm hứng…
2. Suy ngẫm xem thật ra người kia có HỨA đáp ứng kỳ vọng của mình không?
Nếu bạn không hứa/ không cam kết sẽ thăng chức cho nhân viên của mình vào cuối năm nay. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu nhân viên Thất vọng về bạn khi bạn ấy không nhận được promotion?
Nguyên tắc là không ai phải chịu trách nhiệm làm điều họ không cam kết. Điều này đúng cho những người làm ta thất vọng. Do đó điều đầu tiên cần kiểm tra xem người kia có HỨA/ CAM KẾT thực hiện điều mình kỳ vọng về họ hay không?
Theo quan sát của tôi, hầu hết các ‘ca Thất vọng’ đều nói rằng ‘người kia phải biết chứ’. ‘Mình làm việc tốt thì sếp phải thấy chứ’, ‘Làm sếp phải hiểu những chuyện cơ bản như vậy chứ’… Tiếp tục giữ những kỳ vọng như vậy chỉ tạo điều kiện cho bạn Thất vọng đến thăm bạn thường xuyên hơn.
3. Tự hỏi mình: Làm cách nào để giúp người kia Cam kết/ giữ đúng lời hứa để mình không bị thất vọng.
Các bạn có thể đọc lại bài Request, Request, Request (post ngày 20.3.2018 #overflowingbucketsrequest) để hiểu và thực tập cách đưa ra yêu cần hiệu quả, giúp người khác cam kết tốt hơn.
Mỗi cảm xúc khó chịu đều mang đến cho ta một thông điệp nào đó. Fear dạy ta sống cam đảm hơn, Anxiety nhắc nhở ta sống trong hiện tại/ trân quí những gì mình đang có hoặc học cách sống an yên, Anger dạy ta bài học về sự cảm thông/ thấu hiểu hoặc bao dung, Discontentment nhắc nhở ta có quá nhiều điều kiện dư thừa để hạnh phúc.
Nếu ta không còn xem những cảm xúc khó chịu ấy là tiêu cực, nhìn nhận chúng như một cơ hội để học hỏi, hiểu bản thân mình hơn và phát triển tốt hơn, các bạn ấy sẽ nhanh nhanh chào tạm biệt ta và ta sẽ có nhiều thời gian sống thanh thơi với các bạn cảm xúc dễ chịu. Chọn lựa nằm ở cách nhìn sự việc của ta.
Written by: Pham Thi Thanh Thao