Bạn thường làm gì khi giận dữ, thất vọng, hay bực tức? Bạn nén những cảm xúc này vào trong, hy vọng chúng sẽ tắt dần theo thời gian? Bạn đánh lạc hướng bản thân bằng cách làm chuyện khác, không quan tâm đến những cảm xúc này? Hay là bạn thể hiện ‘trận cuồng phong’ để trừng trị người ‘đã gây ra’ những cảm xúc khó chịu cho bạn?
Nếu bạn làm một trong 3 cách trên, những cảm xúc khó chịu chắc chắn sẽ quay lại với cường độ tăng dần. Đó là vì chúng chưa được THẤU HIỂU một cách trọn vẹn.
Bạn có biết tương ứng với mỗi sự việc xảy ra, mỗi cá nhân có thể có những cảm xúc khác nhau tuỳ thuộc vào những trải nghiệm của họ? Do đó MỖI CẢM XÚC ĐẾN VỚI TA NÓI NHIỀU VỀ BẢN THÂN TA hơn là (những) người/ đối tượng/ sự việc đã mang/ gây ra chúng?
Với cùng một sự việc: nhân viên làm sai. Có sếp sẽ Bình Tĩnh. Có sếp sẽ Cáu Gắt.
Sếp Bình Tĩnh có thể là người cũng đã từng làm lỗi trong quá khứ. Khi sếp Bình Tĩnh làm sai, sếp được Sếp của mình nhẹ nhàng chỉ bảo để làm đúng hơn. Đến khi làm sếp, sếp Bình Tĩnh tin rằng đây là cách thức để giúp nhân viên phát triển giống mình.
Sếp Cáu Gắt ngày xưa cũng làm sai và mỗi khi sai bị sếp của mình cáu gắt. Sếp Cáu Gắt cố gắng làm đúng ở lần sau và tin rằng Cáu Gắt giúp con người phát triển tốt hơn.
Cáu Gắt hay Bình Tĩnh là những cảm xúc có được dựa trên trải nghiệm của mỗi cá nhân, những sự kiện lớn nằm sâu trong tiềm thức. Chúng được đánh thức cùng một số cảm xúc nhất định mỗi khi một sự kiện liên quan xảy ra.
Nếu bạn THẬT SỰ MONG MUỐN những cảm xúc khó chịu không đến quấy rầy làm hỏng những mối quan hệ xung quanh, điều quan trọng nhất là cần hiểu gốc rễ/ nguồn cội của những cảm xúc này, và có quyết tâm RÈN LUYỆN để thay đổi.
Sau đây là những bước cơ bản bạn có thể thử:
1. Tập trung hít thở sâu bằng bụng (bụng nhấp nhô khi hít vào thở ra) mỗi khi có cảm xúc khó chịu đến thăm.
Việc tập trung vào việc hít thở sâu giúp GIẢM CƯỜNG ĐỘ của những cảm xúc khó chịu và tạo một KHOẢNG DỪNG, giúp tránh những hành vi mang tính ‘sát thương’ làm hỏng các mối quan hệ.
2. Ghi nhớ: MỖI CẢM XÚC ĐẾN VỚI TA NÓI NHIỀU VỀ BẢN THÂN TA hơn là người đã gây ra chúng.
Điều này nhắc nhở TRÁCH NHIỆM vượt qua những cảm xúc khó chịu là TA, không phải là người đã gây ra chúng.
3. GỌI ĐÚNG TÊN CẢM XÚC, LẮNG NGHE và THẤU HIỂU chúng một cách tường tận
Quay lại ví dụ ở trên. Nếu ta Cáu Gắt và ta đã nhìn thấy được sâu bên trong vấn đề, là do những trải nghiệm của bản thân và NIỀM TIN (Niềm tin: bị la/ cáu gắt thì mới phát triển tốt) của chính mình được hình thành thông qua những trải nghiệm ấy, ta có hai CHỌN LỰA
CHỌN LỰA 1: giữ lại niềm tin ấy, đồng nghĩa với việc ta cho phép Cáu gắt tiếp tục quay lại thăm viếng ta mỗi khi nhân viên làm sai.
CHỌN LỰA 2: THAY ĐỔI niềm tin. Với chọn lựa này, ta đã bắt đầu giải phóng mình khỏi những cơn Cáu gắt.
4. KIÊN TRÌ LUYỆN TẬP để có được những cảm xúc dễ chịu.
Lên kế hoạch hành động như hít thở sâu mỗi khi Cáu gắt ghé thăm, tự nhắc nhở mình về niềm tin mới, thả lỏng cơ thể khi căng thẳng, tỉnh thức trong cách dùng từ ngữ với nhân viên…
Cho bản thân thời gian để vượt qua những cảm xúc khó chịu và thay đổi hành vi. 6 – 9 tháng là khoảng thời gian trung bình để giúp ta thay đổi hành vi đã ăn sâu vào tiềm thức theo thời gian.
Luôn động viên bản thân với mỗi tiến triển/ thay đổi nhỏ là cách bạn đi nhanh hơn trên con đường phát triển bản thân.
Hiểu về cảm xúc rất thú vị. Chúng không làm cho ta trở thành một người nhiều cảm xúc, mất hết lý trí nhưng ta vẫn lầm tưởng. Thật ra hiểu về cảm xúc sẽ giúp ta có thêm thông tin để sống lý trí hơn, nhanh chóng vượt qua những cảm xúc khó chịu và có nhiều thời gian để tận hưởng những cảm xúc dễ chịu mỗi ngày.
Written by: Thao Pham, ICF PCC.