Vâng tôi dùng từ ‘tắt’ chứ không phải ‘tắc’. ‘Tắt’ đối nghĩa với ‘cháy’ chứ không phải ‘tắc’ được dịch thoáng từ ‘get stuck’. Tôi đã may mắn được ‘cháy’ trong một thời gian dài, và cũng không ít lần ‘tắt’ ngóm nghi ngút khói.
‘Cháy’ là khi mỗi sáng bạn thức dậy với suy nghĩ đầu tiên là được đến văn phòng để hoàn thành một danh sách công việc dài dằng dặc, đầy thử thách nhưng vô cùng thú vị. Là cái cảm giác chỉ mới ngồi vào bàn làm việc đã nghe đồng nghiệp í ới gọi đi ăn trưa. Rồi nhoáng một cái, bạn nhìn ra cửa sổ và chẳng còn thấy ánh mặt trời đâu cả. Thời gian dường như trôi qua trong một cái chớp mắt. Bạn leo lên giường, cơ thể mệt rã rời nhưng đầu óc nhẹ tênh, giấc ngủ đến rất dễ dàng, không một chút suy tư.
‘Tắt’ là khi ‘trái tim của bạn không ngủ yên’. Bạn bắt đầu trăn trở liệu có nên đổi việc, khi mà công ty hiện tại vẫn rất vui, công việc đã quen thuộc, đồng nghiệp trở thành người nhà. Thế nhưng bạn vẫn thấy ‘thiếu thiếu’, ‘vắng vắng’ cái gì đó mơ hồ mà bản thân chưa định nghĩa được. Bạn bắt đầu hành trình ‘phỏng vấn dạo’; rồi bạn phân vân trước những lời đề nghị hấp dẫn. Và cho dù bạn có quyết định chia tay đồng nghiệp thân yêu hay ở lại với họ, rất nhiều khả năng bạn vẫn chưa thể ‘cháy’ lại như bạn đã từng ‘cháy’. Vậy bạn cần làm gì khi bắt đầu nghi ngút khói?
Ôi hình như tôi đang làm cho bạn hơi căng thẳng rồi đây. Hãy giải trí một tẹo với câu chuyện dễ thương này.
Có một hôm tôi phải đóng vai quan tòa khi trước mắt tôi là một bạn hai tuổi khóc lóc đòi bằng được một quyển sách. Quyển sách thì đang nằm trong tay một cô bé bốn tuổi vô cùng cá tính. Tôi ngồi xuống dụ dỗ ‘Bòn Bon nè, con nhường cho em nhé.’ Bạn ấy hai tay giữ khư khư quyển sách dõng dạc trả lời ‘Con là người xấu.’ Tôi quá bất ngờ nhưng thấy thú vị nên hỏi bạn ‘Làm người xấu có gì hay nè mà sao con thích vậy?’ Hình như câu hỏi của tôi cũng làm bạn ngạc nhiên không kém nên bạn ngồi suy nghĩ nghiêm túc lắm. Đang lúc ấy thì Nami, một nhóc bốn tuổi khác, thỏ thẻ ‘Con không muốn làm người xấu. Con muốn làm người đẹp.’ Trong hai giây, bạn Bòn Bon bỏ ngay quyển sách xuống, nhảy tưng tưng ‘Con cũng muốn làm người đẹp.’ Hòa bình thế giới đột ngột đến trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Tôi không có ý định kể câu chuyện này để nói rằng hai bạn nhóc bốn tuổi đã cho chúng ta bài học về việc giải quyết rắc rối bằng cách nhìn nhận vấn đề khác đi: Xấu – Tốt (theo cách nghĩ thông thường, hợp ngữ cảnh) và Xấu – Đẹp (một cách nhìn không liên quan đến ngữ cảnh nhưng lại giải quyết vấn đề hiệu quả). Nhưng rất tình cờ, câu chuyện này trùng khớp với nhiều kết quả nghiên cứu tâm lý học, chứng minh rằng việc không tìm ra hướng giải quyết cho một vấn đề là do chúng ta đang đánh giá sự việc chỉ theo một chiều hướng nhận định thông thường. Chán việc thì tìm việc mới thế thôi.
Theo tôi giải pháp này khá rủi ro vì rẩt nhiều khả năng môi trường mới vẫn không thể làm bạn ‘cháy’ lại. Việc đầu tiên là cần tìm hiểu tại sao mình bị ‘tắt’. Tiếp đến xem xét công việc hiện tại có giúp mình cháy lại như trước hoặc ra đi thì công việc tương lai có đủ sức làm cho bạn ‘cháy bừng’ hay không.
Nguyên nhân sâu xa của ‘tắt’ là khi bạn không tìm thấy một chút động lực nào để bước tới. Động lực có thể sẽ rất khác nhau ở nhiều góc nhìn khác nhau. Với những bạn có tài năng Achiever, động lực là một mục tiêu nào đó có đủ độ thách thức và độ khó để bạn có cảm giác được chinh phục nó; và khi đạt được, nó phải làm cho bạn cảm thấy mình đã giỏi hơn ‘tôi của ngày hôm qua’. Những bạn có tài năng Competition thì cuộc sống này là một đường đua và cuộc đua của bạn chỉ bắt đầu khi có đối thủ xứng tầm. Những bạn có Significance thì chỉ ‘cháy’ khi được giao trọng trách có tầm ảnh hưởng lớn; vì trong sâu thẳm các bạn này mong muốn để lại di sản nào đó cho đời.
Mỗi tài năng có một nỗi khao khát riêng. Ngọn lửa của bạn cháy to hay nhỏ tùy thuộc vào việc công việc của bạn đáp ứng được nhiều hay ít những nhu cầu của chúng. Mỗi chúng ta thường sử dụng 10 – 13 tài năng trong công việc hàng ngày. Hiểu được tài năng nào đang bị ức chế là bạn đã tìm được gốc rễ của vấn đề và giải pháp sẽ tự tìm đến rất nhanh. Sẽ rất rủi ro nếu bạn đơn giản chỉ là đổi việc để thay đổi ‘không khí’, thay đổi môi trường để hy vọng ‘lửa’ của mình cháy lại. Những thanh gỗ tài năng của bạn không cháy lan, chúng chỉ cháy khi bạn biết châm lửa đúng cách mà thôi.
Nếu bạn thích bài viết này:
- Bạn có thể chia sẻ với bạn bè.
- Liên hệ với tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để tìm hiểu vì sao bạn ‘tắt’ và làm cách nào mà StrengthsFinder có thể giúp bạn ‘cháy’ sáng trở lại.