Bạn có muốn biết bí mật của STRESS và WELL-BEING?
Hãy tìm hiểu hành trình sống và làm việc của Tiến sỹ, Bác sỹ Tâm thần David R. Hawkins trong cuốn Letting go.
Tiến sỹ Hawkins (1927 – 2012) lớn lên ở Wisconsin và phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ 2 trước khi vào trường Y và trở thành Bác sỹ Tâm thần. Ông là Giám đốc Y tế của Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Bắc Nassau (1956-1980) và là Giám đốc Nghiên cứu ở bệnh viện Brunswich, Long Island (1968-1979). Bác sỹ thường xuyên có mặt trong các chương trình truyền hình quốc gia như The McNeil/ Leher News Hour, The Babara Walters Show, The Today Show, các chương trình phim tài liệu khoa học, … và được Oprah Winfrey phỏng vấn trong chương trình của bà. Ông đã đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới như Oxford Forum, Westminster Abbey, Đại học Notre Dame, Michigan, California, Fordham và Harvard.
Hawkins là tác giả của rất nhiều sách, trong đó có bộ ba best seller: Power vs. Force, The Eye of the I, và I: Reality and Subjectivity. Cuốn Power vs. Force được ông xuất bản ở tuổi 68, được dịch sang 25 ngôn ngữ với hơn một triệu bản in.
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Physicians Recognition Award của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ; giải thưởng Huxley cho “Đóng góp vô giá trong việc xoa dịu nỗi đau của con người” và được phong tước Hiệp sĩ (1995) bởi Sovereign Order of St. John’s of Jerusalem của Đan Mạch.
Trong cuốn Letting go, bác sỹ kể ở tuổi 50, ông chịu đủ thứ bệnh từ chứng đau nửa đầu mãn tính, đau nhức tai, viêm xoang, dị ứng, viêm da, bệnh gút, cholesterol, loét tá tràng mãn tính và không đáp ứng với mọi phương pháp điều trị y tế, viêm tuỵ, viêm dạ dày, tăng tiết axit, co thắt môn vị từng đợt, viêm đại tràng, viêm túi thừa (đôi khi xuất huyết phải truyền máu), viêm khớp cột sống cổ, hội chứng thắt lưng phải được điều trị chỉnh hình, bệnh rung động (hội chứng Raynaud), mất cảm giác và sắp hoại tử các đầu ngón tay do mất tuần hoàn, trầm cảm, u nang lông ở gốc cột sống, viêm phế quản và ho mãn tính, viêm sụn, sưng đau chỗ nối xương sườn và xương ức, mất xương quanh chân răng, mất cân bằng năng lượng tổng thể…
Rồi có giai đoạn mà chỉ có hai loại thực phẩm được cho là an toàn cho cơ thể ông là rau xà lách và cà rốt. Thế là bác sỹ bị sụt 25 pounds. Sau này khi ông đã tự chữa lành, các đồng nghiệp mới nói cho biết họ nghĩ là ông chỉ sống đến 53 tuổi.
Lúc đó ông luôn thắc mắc là tại sao một giáo sư, bác sỹ có hiểu biết về lĩnh vực sức khoẻ, được thăm khám/ chữa trị bằng các liệu pháp tâm lý thường xuyên, tuy rằng khối lượng công việc lớn nhưng ông luôn cân bằng với những hoạt động tốt cho sức khoẻ như thiền hai tiếng / ngày (sáng và tối), duy trì chế độ tập luyện thể dục và dành thời gian cho các hoạt động sáng tạo như thiết kế kiến trúc, mộc, nề, đồ gỗ… mà cơ thể lại suy yếu và chịu quá nhiều căn bệnh như thế.
Một câu hỏi thú vị khác mà bác sỹ đã tự hỏi là tại sao một cơ thể hốc hác, phải gánh chịu một danh sách dài bệnh tật cùng những cơn đau đớn không dứt lại có thể làm việc và đạt được nhiều thành công như vậy? Câu trả lời: tình yêu công việc và Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG!
Trong công việc của mình, mỗi ngày bác sỹ phải gặp bao nhiêu là bệnh nhân tâm thần. Ông phải cảm nhận liên tục những đau khổ tinh thần và thể xác của bệnh nhân và người thân của họ. Là bác sỹ, ông luôn phải thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ, bình tĩnh, giàu tình thương để có thể xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân. Và thế là mỗi khi cảm xúc tiêu cực đến, ông DỒN NÉN (SUPPRESSION/ REPRESSION) chúng vào bên trong. Ngày qua ngày những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén, không có lối thoát đã tạo thành stress và một danh sách dài những chứng bệnh mãn tính.
Ngoài cách (1) DỒN NÉN/ CHỐI BỎ (SUPPRESSION/ REPRESSION), trong cuốn Letting go, bác sỹ Hawkins còn trình bày 2 kiểu khác mà con người chúng ta thường “đối xử” với cảm xúc tiêu cực:
(2) XẢ RA BÊN NGOÀI (EXPRESSION): bác sỹ cũng chia sẻ rằng, chúng ta cứ ngỡ mỗi khi giận ai đó, mình cứ xả (gào/ la/ đập bàn…) thì có thể tống hết năng lượng tiêu cực ra bên ngoài. Nhưng mà không phải vậy. Sẽ luôn luôn có một phần năng lượng tiêu cực bị giữ lại. Giống như mình đổ một ấm trà để súc rửa thì lúc nào cũng còn lại một chút cặn vướng lại ở đáy bình. Quan sát và chiêm nghiệm mình thấy đúng ghê. Hồi xưa mình hay nổi nóng/ la mắng người khác mà có thấy hiền bớt theo thời gian đâu. May mà đã biết cách dừng lại. Hú hồn ghê! ^^
(3) LẪN TRÁNH (ESCAPE): Buồn, bực sếp, lo chưa làm bài xong… thôi bỏ qua một bên đi nhậu/ đi cafe/ đi du dịch nghỉ dưỡng… cho quên bớt sự đời.
Những cảm xúc bị dồn nén/ xả không đúng cách/ lẫn trốn sẽ kiên quyết đeo bám chúng ta đến cùng và tích tụ tạo thành stress theo thời gian.
Biểu hiện của STRESS?
Càng stressed, càng mệt mỏi ở “bên trong”, chúng ta càng có nhu cầu thoát ra “bên ngoài” để không phải đối diện chúng. Các hoạt động vui chơi giải trí luôn được khao khát/ thèm muốn. Nhưng mà đến lúc được nghỉ phép đi chơi vài ngày thì lại thấy bứt rứt không yên, mong ngóng được về lại văn phòng. Đến khi ngồi được vào cái ghế của mình, tay gõ laptop thì mới cảm thấy “bình thường”. Trong tuần làm việc thường rất hăng say, bị ốm lúc cuối tuần/ khi được nghỉ ngơi.
Trời ạ, đọc cái đoạn này mà mình há hốc mồm luôn. Sao bác sỹ lại có thể mô tả chính xác những ngày mình còn đi làm đến vậy? Thậm chí mình còn nói với má: “con thấy cái cơ thể của con nó khôn lắm. Trong tuần làm việc nó rất nhiều năng lượng, nó thường đợi đến cuối tuần hay khi nghỉ phép mới đổ bệnh ra.” – Đó chính là những dấu hiệu của stress/ tích tụ năng lượng tiêu cực đầu tiên.
Nhưng mà điều đó không có nghĩa là trong hành trình mới này mình không còn stress. Mình cũng đã hỏi câu hỏi như bác sỹ Hawkins: “Tại sao cái công việc coaching trông có vẻ nhàn hạ hơn hồi làm ở công ty đa quốc gia mà mình lại mau mệt mỏi/ hết năng lượng rồi lại còn bệnh nhiều hơn hồi xưa?”
Giờ thì mình cũng đã có câu trả lời: tình yêu công việc cộng với việc dồn nén những cảm xúc tiêu cực nho nhỏ trong lúc làm việc mỗi ngày – vì nghĩ là không quan trọng, nghĩ rằng chỉ cần chuyển hoá những cảm xúc có cường độ lớn, miễn là mình có thể giữ cho vẻ ngoài bình tĩnh, chuyên nghiệp là đủ – đã làm cho cơ thể tích tụ vô số stress.
LETTING GO (tạm dịch – BUÔNG BỎ), là phương pháp được bác sỹ Hawkins tìm ra. Nó rất đơn giản và dễ làm (đặc biệt với những bạn đã biết kỹ thuật thiền Vipassana).
Cách của mình đang áp dụng cho bản thân là mỗi khi cảm xúc tiêu cực đến, dù nhỏ đến đâu, mình sẽ tập trung cảm nhận cảm giác do cảm xúc đó gây ra (ví dụ như giận thường làm cho ngực mình nằng nặng, mình sẽ tập trung sự chú ý của mình vào ngực/ tim), cùng lúc đó, để tránh bị những suy nghĩ khác kéo đi, mình sẽ tập trung vào thở từng hơi thở nhẹ nhàng, chậm, sâu, không mong cầu cảm xúc hãy qua mau, không ghét bỏ/ chối bỏ nó, dành hoàn toàn thời gian cho nó.
Nhưng mà mình quan sát thấy, khi mình thật sự dành thời gian, hiện diện/ có mặt cùng cảm xúc, tụi nó “hài lòng” và đi rất nhanh. Dấu hiệu để biết một cảm xúc tiêu cực đã đi hoàn toàn là thấy ngực và cơ thể nhẹ nhõm. Thực tập vài ngày thì mình cảm nhận rõ năng lượng mỗi ngày của mình nhiều hơn, tinh thần vui vẻ hơn sau mỗi ngày làm việc.
Đó là cách của mình có được từ việc đọc và hiểu từ sách. Mình không chắc là đúng hay sai. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về Stress và Wellbeing, cuốn Letting go có thể là một cuốn sách quý.
Đọc xong nhớ cho mình cảm nhận của bạn nhé! ^^