#applyMindfulnessInCoaching
Nhóm Năng lực Cốt lõi quan trọng tiếp theo mà mình chia sẻ trong bài viết hôm nay là: #6 LISTENS ACTIVELY (tạm dịch – Lắng nghe chủ động).
Liên đoàn Coaching Quốc Tế định nghĩa Lắng nghe chủ động như sau:
“Focuses on what the client IS and is NOT SAYING to fully understand what is being communicated in the context of the client systems and to SUPPORT client SELF-EXPRESSION.”
Hồi mới đọc định nghĩa này, cái câu “dính” luôn trong não của mình là: “what the client is NOT SAYING“.
Chắc là thầy cô có dạy mà sao mình không có chút ấn tượng. Hỏi bạn bè sợ tụi nó chọc quê nên mình đi google :P. May sao tìm được blog của cô Carly Anderson (cô này trong hội đồng chấm điểm các bài thi của ICF) và hiểu được cái ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI RA của khách hàng bao gồm cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể (nét mặt/ cử chỉ/ dáng ngồi/ ánh mắt…), dòng năng lượng (thay đổi như thế nào theo từng câu trả lời/ mạch câu chuyện), giọng nói/ ngữ điệu…
Hiểu xong mình choáng luôn. Dùng lỗ tai nghe khách hàng nói 60′ thôi mà còn ong ong cả đầu. Giờ lại còn phải dùng mắt quan sát và cảm nhận hết tất cả các yếu tố đó nữa thì sao làm nỗi. Thôi bỏ qua một bên, làm chuyện dễ trước: Lắng nghe điều được nói ra.
ĐIỀU ĐƯỢC NÓI RA
Chuyện tưởng dễ mà cũng không phải dễ. Những ngày đầu, mình bị choáng ngộp bởi hàng loạt thông tin khách hàng mang ra kể. Não mình chưa kịp nhớ hết chuyện này lại phải tiếp nhận chuyện khác.
Cái bệnh nghề nghiệp hồi còn làm nghiên cứu thị trường cho mình cái cảm giác ngồi trong một buổi coaching như đang làm một bài phân tích người tiêu dùng. Dữ liệu đầu vào là lời nói của người khách hàng đang ngồi trước mặt. Hồi xưa ở công ty cũ, chưa tìm ra gốc rễ của vấn đề thì có thể xin gia hạn thời gian để tìm thêm nguồn thông tin, để suy nghĩ thêm hoặc là đi hỏi sếp :P. Còn ở đây, sau 60′ mà khách hàng không hài lòng thì có thể sẽ không còn gặp lại bạn ấy nữa.
Thế là não của mình liên tục căng lên với những câu đại loại như: ý chính của câu chuyện này là gì? vấn đề gốc rễ nằm ở đâu? Chết rồi nãy giờ mình có nghe thiếu đoạn nào không mà sao đến đây không tìm ra manh mối gì hết trơn vậy? Hình như bạn bị cáu khi mình hỏi lại để làm rõ vấn đề: “Nãy em vừa nói với chị là…”. Rồi mình bị rối hoặc bực; rồi khách hàng cũng rối rồi bực theo.
Trải nghiệm này làm mình nhớ đến một bài tập nhỏ mà các thầy cô ở The Coach Partnership đã dạy trong chương trình Ontological Coach Training. Hôm đó cả lớp được chia ra thành từng đôi. Người đóng vai khách hàng ngồi quay lưng về phía bảng và người đóng vai Coach quay mặt về phía bảng. Khách hàng được yêu cầu nói về một vấn đề nào đó trong công việc/ cuộc sống, Coach ngồi nghe và làm theo yêu cầu được viết ra trên bảng.
Trong 5 phút đầu, Coach ngồi nghe bình thường… 5 phút tiếp theo, Coach phải thể hiện là người thiếu kiên nhẫn, chốc chốc lại nhịp chân, nghiêng người sang bên trái, bên phải, mắt nhìn ra cửa sổ rồi lại nhìn khách hàng rồi nhìn đồng hồ… 5 phút sau thầy lại viết yêu cầu khác lên bảng. Lần này thì Coach phải diễn cảnh ngồi ủ rủ, chán chường, mắt nhìn xuống cuốn sổ trước mặt.
“Mất tập trung”, “hết hứng để chia sẻ”, “bị mất kiên nhẫn theo”, “bực”, … là những cảm nhận từ “khách hàng” sau khi bài tập kết thúc. Khỏi phải nói là cả lớp được một phen “mở mắt” khi được tự mình trải nghiệm ảnh hưởng của tâm trạng/ ngôn ngữ cơ thể của Coach lên tâm trạng của khách hàng.
Rất là duyên, trong lúc gian nan mình lại đọc được sách của Doug Silsby “The mindful coach” và “Presence-based Coaching”, mình học được rằng, để có thể lắng nghe tốt thì tâm trí của mình, người Coach, phải có sự TĨNH LẶNG nhiều nhất có thể.
Mình bất ngờ và vui mừng nhận ra những bài thực tập của Doug Sisby cũng chính là những bài học về Meditation & Mindfulness mình đã đọc được từ sách của Thầy Thích Nhất Hạnh: ngồi thiền, ăn chánh niệm, quan sát/ thực tập sự ý thức về cơ thể, thực tập mở rộng trái tim để có sự đồng cảm với khách hàng…
Và thế là mình quyết tâm không chỉ thực tập để chỉ có kỹ năng mà còn làm cho Meditation & Mindfulness trở thành lối sống của mình. Vì mình hiểu, về mặt tâm lý học, kỹ năng có được không bền vững, thay đổi being/ con người của mình mới có thể đi lâu dài trên hành trình này.
Mình quyết định không làm việc nhiều và liên tục như hồi đó. Mình dành nhiều thời gian cho thiền tập. Sáng tầm 60′-90′, buổi trưa nhất định phải ngồi 20-30′ nếu có khách hàng và tối sẽ tầm 30-60 phút để giải phóng năng lượng từ những câu chuyện “nhức não” trong ngày.
Trải nghiệm thực tập thiền một thời gian, mình nhận ra thiền tập giống như việc mình phải sạc cái iphone mỗi ngày. Hôm nào có thiền, mình dư dã năng lượng bình an để lắng nghe khách hàng, cho dù câu chuyện của họ có “giông bão” đến cỡ nào. Hôm nào bận không thiền là thấy người chộn rộn, nhấp nhõm và có xu hướng ngắt lời hoặc không dành đủ khoảng lặng để cho họ có thời gian chiêm nghiệm thấu đáo.
Rồi mình áp dụng “thiền trong coaching”, nghĩa là chỉ tập trung thở những hơi thở nhẹ nhàng, chậm, sâu và lắng nghe người ngồi trước mặt. Những buổi đầu tiên cảm giác nó “kinh khủng” lắm. Có cảm tưởng giống như mình chẳng chuẩn bị gì khi gặp khách hàng. Thế mà những buổi như vậy lại tự nhiên và nhẹ nhàng cho cả hai bên.
Nhờ tâm bớt lao xao, suy nghĩ không còn nhiều nữa mà tai mình “thính” hơn hẳn =)). Mình nhận ra trong một nùi thông tin tưởng tưởng chừng như rối rắm, chỉ có một vài từ/ cụm từ thật sự quan trọng. Chúng được lặp lại vài lần cùng một (vài) cảm xúc đặc biệt nào đó. Mình chỉ cần ghi nhận những từ/ cụm từ này để lần ra manh mối.
ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI RA
Hai lợi ích lớn mình nhận được nhờ kiên trì thực hành meditation & mindfulness là các giác quan của mình trở nên NHẠY CẢM HƠN và sự TỰ Ý THỨC (self-awareness) tăng lên.
Trong các buổi coaching, một cách rất tự nhiên, mình có thể quan sát suy nghĩ và cảm xúc của chính mình để nhanh chóng buông bỏ những suy nghĩ/ cảm xúc “nhiễu” như Sợ thất bại, Sợ bị đánh giá năng lực, Ganh tị (Trời, sao cuộc sống công việc tốt đẹp vậy mà còn chưa hài lòng) =)), không bị cuốn theo dòng cảm xúc của câu chuyện để hoàn toàn tập trung vào người đối diện.
Rồi mình nhận ra, chỉ cần kiểm soát chính mình (tâm tĩnh lặng, bình an) thì những ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI tự động hiển hiện rất rõ mà không cần chút nỗ lực nào.
Những điều không được nói không phải là những điều khách hàng cố tình giấu nhẹm. Có ai phải tự trả tiền rồi lại đi giấu thông tin với coach. Thật ra đó là những điều khách hàng còn không tự nhận thấy hoặc không thể diễn đạt thành lời. Và đó là lý do ICF đã viết cái cụm từ “to SUPPORT client SELF-EXPRESSION“.
Đó có thể là mội (vài) cảm xúc mà khách hàng oà ồ khi chợt nhận ra là đã và đang “đeo đuổi” họ như hình với bóng, tạo ra khoảng cách lớn trong việc xây dựng mối quan hệ với cấp dưới; là những tư thế đứng/ ngồi/ cử chỉ/ điệu bộ đang đi ngược lại với phong cách lãnh đạo mà họ luôn ao ước; là cái năng lượng không biến chuyển/ hay sự ngập ngừng khi nói đến kế hoạch hành động tiếp theo (dấu hiệu của một rào cản nào đó cần được gỡ bỏ trước khi cả hai hẹn gặp lần sau),…
Theo trải nghiệm coaching của mình thì ĐIỀU ĐƯỢC NÓI RA đóng vai trò khá nhỏ, những ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI RA có tầm quan trọng rất lớn trong việc giúp khách hàng tự nhìn ra insights về bản thân mình, đó là những điểm mù/ góc khuất mà họ không tự nhìn thấy được.
Meditation giúp TÂM TRÍ mình TĨNH LẶNG hơn để nghe trọn vẹn những ĐIỀU ĐƯỢC NÓI; Mindfulness giúp mình tăng SỰ TỰ Ý THỨC và NHẠY CẢM hơn để có thể lắng nghe những ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI THÀNH LỜI.
Bạn có đang ứng dụng Meditation & Mindfulness trong việc lắng nghe?
Trải nghiệm của bạn là gì?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#applyMindfulnessInCoaching
ICF Core Competencies:
https://coachingfederation.org/app/uploads/2021/03/ICF-Core-Competencies-updated.pdf