Lo là cảm xúc thú vị. Lo thường nói cho ta biết có một rủi ro gì đó tiềm ẩn và nếu mình không có giải pháp, không có sự chuẩn bị kỹ càng, nó sẽ lẽo đẽo theo mình suốt. Nhẹ nhàng nhất Lo sẽ làm mình hồi hộp, ghê gớm hơn nó có thể làm cho mình mệt mỏi, hao tổn nhiều năng lượng.
Điều thú vị là khi ta có thể nhìn “xuyên thấu” những nỗi lo trên bề mặt để thấy TẬN CÙNG GỐC RỄ của nỗi lo và can đảm ĐỐI MẶT với TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT thì Lo sẽ không còn lý do gì để lui tới viếng thăm mình.
Đây là một trong nhiều trải nghiệm của mình cùng Lo. Lo có bao giờ đến thăm bạn?
—
LO (ANXIETY)
Lo và Sợ là hai đứa sinh đôi. Mặt mũi đã giống hệt mà giọng điệu lại hao hao nữa chứ:
Lo hay rên rỉ: “Mình tin rằng có điều gì đó có thể làm hại mình, nhưng mình không chắc đó là điều gì”.
Còn Sợ hay thì thầm: “Mình tin rằng có điều gì đó có thể làm hại mình, và mình biết rõ đó là điều gì”
Với mình thì Lo “đáng sợ” hơn cả Sợ. Điều “đáng sợ” nằm ở chỗ là nó không biết chắc điều gì có thể làm hại mình. Mà khi không biết rõ gốc rễ của vấn đề thì không thể tìm được giải pháp. Cứ thế mà ôm cục lo từ ngày này sang ngày khác.
Khi chuyển sang lĩnh vực Coaching, việc phải gặp gỡ, trao đổi với các anh chị quản lý cấp cao ở các công ty đa quốc gia là điều phải làm khá thường xuyên. Muốn đưa công cụ coaching và đào tạo đội nhóm vào công ty, việc đầu tiên là phải giúp các anh chị ấy hiểu được công việc mình đang làm, chúng sẽ giúp ích được gì cho họ.
Một chiều nọ, bước ra khỏi cuộc họp với anh Giám đốc điều hành của một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cho dự án khai phá điểm mạnh đội nhóm bằng công cụ StrengthsFinder, mình có cảm giác như vừa trút bỏ một cục đá tảng ra khỏi người. Mình kiệt sức. Toàn bộ năng lượng bị rút cạn. Não mỏi mệt vì quá căng thẳng. Mình nghe Ghét lên tiếng:
“Mấy vụ họp hành này ghét dễ sợ. Ước gì mình được chuyên tâm coach và đào tạo khách hàng thôi”.
Lo tiếp lời:
“Đúng đó, mình lo sốt vó để chuẩn bị bài thuyết trình cả ngày hôm trước. Sau đó hồi hộp, căng thẳng mấy tiếng đồng hồ trong phòng họp để trả lời những câu hỏi hóc búa. Mệt mỏi gấp mười lần chuyện đứng lớp hay ngồi coach khách hàng”.
Ồ thì ra Lo là đứa đã hút hết năng lượng của mình từ hôm qua đến giờ. Mình nhẹ nhàng hỏi Lo:
“Lo ơi, Lo lo gì mà lo dữ vậy?”
“Thì không chuẩn bị bài thiệt kỹ sẽ không trả lời được tất cả các câu hỏi. Không trả lời được thì người ta cho là bạn không vững kiến thức, rồi người ta không ký hợp đồng và thế là bạn không được dạy, không được coach, không được làm công việc bạn yêu thích”.
“Không được làm công việc yêu thích” là điều mà Lo lo lắng nhất. Điều đó đã xui khiến nó cứ lẽo đẽo theo mình, làm mình hồi hộp ngày đêm trước mỗi buổi họp với khách hàng tiềm năng.
Từ bỏ sự nghiệp mười năm để chuyển sang coaching là một sự đánh đổi không nhỏ, mà lại không được làm công việc mình yêu thích thì đúng là dễ sợ. Nhưng mình cũng nhận ra, sứ mệnh của mình là giúp đỡ, không phải bán hàng. Nếu công việc của mình không thật sự mang lại lợi ích cho người khác thì mình cũng không nên tiếp tục.
“Giúp đỡ, không phải bán hàng” đã luôn là tâm niệm của mình mỗi khi gặp khách hàng mới. Là giúp đỡ nên mình đặt câu hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn để hiểu những thách thức mà các anh chị quản lý đang gặp phải, tìm hiểu mục tiêu của họ, thành thật chia sẻ phương pháp và cách tiếp cận của mình để xem có thể đáp ứng được kỳ vọng của họ không. Nếu cả hai đều hài lòng, đồng ý hỗ trợ nhau thì sẽ cùng nhau bắt tay vào dự án, còn nếu chưa phù hợp thì hẹn cơ hội hợp tác lần sau.
Mình cảm ơn Lo đã giúp mình nhìn ra gốc rễ của vấn đề, giúp mình được sống an nhiên và sống đúng với lý tưởng của mình trên hành trình mới.
Lo có hay đến thăm bạn?
Cốt lõi thì Lo lo nhất chuyện gì?
Chuyện đó sẽ làm tổn hại bạn ra sao?
Bạn có sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất và bằng cách nào?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions
Trích dẫn thông điệp của Lo & Sợ:
Fear: I believe something may harm me, and I’m clear what it is.
Anxiety: I believe something may harm me, but I’m not sure what it might be.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby.