Lo (Anxiety) và Sợ (Fear) là hai đứa sinh đôi. Nếu chỉ nhìn mặt đoán tên thì khách hàng/ học viên của mình hay bị nhầm. Hồi xưa mình cũng vậy. Đơn giản vì phải đợi chúng mở miệng thì mới biết đứa nào là Lo, đứa nào là Sợ.

Lo nói: “Mình biết có điều gì đó có thể làm hại mình, nhưng mình không chắc đó là cái gì”
Sợ nói: “Mình biết có điều gì đó có thể làm hại mình, và mình biết rõ đó là cái gì”

Trong đại gia đình vài trăm Cảm xúc mà thầy Dan Newby đã giải mã được ngôn ngữ của chúng, thì Lo và Sợ luôn làm cho bao người phải khổ sở, trong đó có mình. ^^

Khổ sở vì chúng cứ bám theo lãi nhãi hết chuyện này đến chuyện khác, làm mình ngập chìm trong mớ bòng bong. Theo ban ngày chưa đủ, tối đến lại leo luôn lên giường nói huyên thuyên làm mình không tài nào chợp mắt. Khó khăn chìm được vào giấc ngủ thì nó lại gọi dậy vài lần trong đêm bảo “Lo quá”.

Hồi mình còn đến công ty mỗi sáng, Lo theo mình như hình với bóng. Mới nhận dự án thì lo không biết có rủi ro gì không; lên kế hoạch xong xuôi thì lo không biết đồng nghiệp có hỗ trợ hết lòng để kịp tiến độ không; đối tác làm không xong phải thức sáng đêm làm thay họ vì lo chất lượng không tốt; trước buổi trình bày kết quả dự án cho các sếp lại lo không biết có sự cố nào không; dự án kết thúc, sếp khen chưa vui được năm phút lại tiếp tục lo cho những dự án mới.

Sau đây là mẹo mình đang dùng để chuyển hoá năng lượng của Lo, bạn có thể tham khảo.

BƯỚC 1: Chấp nhận mình đang lo và nhận ra Lo đang ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Ngày nhỏ mình được người lớn khen “Nó còn nhỏ mà biết lo lắm”. “Biết lo” nghĩa là có tính tự giác cao, tự mình sắp xếp chuyện học hành không phải để ba má nhắc nhở. Vậy mà hồi đó hiểu và tự hào luôn cái nghĩa đen của nó. Thế là Lo luôn được đi chung với Tự hào (Pride). Lớn lên đi làm ai nói mình lo cái là vui lắm, nhất quyết không bỏ Lo. Do đó, nếu bạn có cặp bài trùng này thì đừng hỏi tại sao tui cứ Lo hoài. Chỉ có bạn mới tự quyết định có muốn chia tay Lo không thôi nha.

Rồi sau khi biết lúc nào cũng chơi với Lo là không tốt, mình lại đâm ra ghét Lo với cái suy nghĩ: “Giờ mình làm coach, hiểu cảm xúc rõ rồi, mình nhất định không được Lo”. Nghĩ tới Lo là mình thấy Xấu hổ. Thế là mỗi khi Lo tới, nhất định không tin mình đang Lo, Lo nói gì cũng không nghe và thế là cũng không hết lo.

Thế nhé, chấp nhận và mong muốn vượt qua Lo thì mới có thể tiếp tục những bước tiếp theo.

BƯỚC 2. Hỏi Lo xem tại thời điểm này điều gì làm nó lo lắng nhất.

Một quan sát khá thú vị từ những học viên/ khách hàng của mình là Lo nói rất nhiều. Nó lo đủ thứ nên điều quan trọng nhất là chọn ra một điều nó lo nhất. Thông thường thì chúng đều có liên kết với nhau. Bạn chỉ cần giải quyết điều to bự nhất thì những nỗi lo nhỏ sẽ tan biến hết.

Bưới 3. Chuyển Lo thành Sợ, bằng cách tự hỏi:

  1. Chính xác thì mình đang sợ điều gì?
  2. Điều đó sẽ làm TỔN HẠI MÌNH như thế nào?

Nỗi Sợ chỉ thật sự rõ ràng khi bạn trả lời được câu 2 một cách thành thật nhất: điều đó phải làm tổn hại đến BẠN, không phải bất cứ ai khác. Đây là câu trả lời đòi hỏi sự CAN ĐẢM để thành thật với chính mình. Và khi bạn đã trả lời được câu hỏi cuối, giải pháp sẽ tự tìm đến rất nhanh.

Hồi mình ngồi xem xét lại báo giá các khoá học cho công ty, Lo nó cứ ở bên mình. Hỏi lo chuyện gì, có phải sợ mất khách hàng vì tăng giá, sợ làm đối tác thất vọng, sợ không có nhiều cơ hội được đi chia sẻ với mọi người… cái nào nó cũng lắc đầu. Cả ngày trời sau nó mới chịu gật đầu với cái suy nghĩ “sợ người ta nói mình tham”. Cái suy nghĩ này làm tim mình nhoi nhói một tí.

Thì ra một trong những giá trị mà mình luôn cố gắng giữ là sống giản đơn và chia sẻ nhiều hơn. Thu về nhiều hơn có vẻ như sẽ làm tổn hại đến giá trị đó. Cũng may trong giây phút ấy, một câu hỏi của một chị bạn lại quay về “Thảo có bao giờ hỏi mình kiếm tiền để làm gì không?” và câu trả lời đã làm cho mình thật sự nhẹ nhõm. Lo đã bỏ đi. Cơ thể mình trở nên mỗi lúc một nặng dần trên gối, đầu óc nhẹ tênh chìm vào giấc ngủ cùng An yên.

Lo và Sợ không phải đến để làm cho chúng ta mệt mỏi, chúng đến để nói cho ta biết rằng có một giá trị/ điều gì đó mà ta vô cùng tự hào đang có nguy cơ bị tổn thương. Đây là cơ hội để nhìn nhận lại những giá trị mà ta gìn giữ bấy lâu ở một góc nhìn mới, mang đến thật nhiều an yên cho hành trình phía trước.

  1. Lo và Sợ có đang theo đuổi bạn?
  2. Giá trị nào bạn đang gìn giữ có nguy cơ bị tổn thương?
  3. Bạn sẽ làm gì để vượt qua Lo/ Sợ?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach

#loveYOURemotions

Trích dẫn thông điệp của Lo & Sợ:
Fear: I believe something may harm me, and I’m clear what it is.
Anxiety: I believe something may harm me, but I’m not sure what it might be.
The Field Guide to Emotions by Dan Newby.