Tác giả Viktor E. Frankl (1905-1997) là giáo sư thần kinh học và tâm thần học tại Trường Y, Đại học Vienna. Ông là Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý trị liệu Y khoá Áo và là nhà sáng lập trường phái trị liệu tâm lý: Logotherapy.
Viktor Frankl đã xuất bản 26 cuốn sách, được dịch sang 19 thứ tiếng. Ông là giáo sư thỉnh giảng tại các trường Đại học Harvard, Duquesne, và Southern Methodist. Chỉ tính riêng nước Mỹ, ông đã thực hiện 51 chuyến thuyết giảng. Ông nhận được bằng danh dự từ các trường như Loyola University, Edgecliff College, Rockford College, Mount Mary College, và các trường đại học ở Brazil và Venezuela.
Sinh năm 1905, Giáo sư Frankl nhận bằng Tiến sỹ Y khoa và Tiến sỹ Triết học của Đại học Vienna. Năm 1942, trong thời gian chiến tranh Thế giới thứ 2, Tiến sỹ Frankl và cả gia đình bị bắt. Hầu hết người thân bị sát hại, riêng ông đã sống sót sau ba năm ở các trại tập trung được lập ra bởi Adolf Hitler.
“Man’s search for meaning” là một chuỗi những câu chuyện về trải nghiệm của tác giả và những người xung quanh trong các trại tập trung, được kể dưới góc nhìn của một nhà thần kinh học và tâm thần học. Đây là điều mình cảm thấy thú vị và khâm phục ở tác giả: giọng văn không một chút oán trách, căm hận hay bi thương. Có cảm giác tác giả vừa là người phải trải qua tất cả những nghịch cảnh, đồng thời cũng là người tự quan sát những diễn biến trong cuộc sống của mình với góc nhìn bình thản, khách quan của một người làm khoa học.
Đọc những chương đầu tiên của cuốn sách này, tưởng tượng phải sống trong hoàn cảnh của tác giả, suy nghĩ đầu tiên của mình là có lẽ cái chết sẽ là chọn lựa nhẹ nhàng hơn. Mình không thể tìm được lý do để có thể chịu đựng tất cả những khổ ải này: bị đối xử như những con vật, không có đủ thức ăn, làm việc ngoài trời giá lạnh/ trong điều kiện nguy hiểm với giày/ quần áo rách nát, bị đánh đập/ hành hạ không vì lý do gì, có thể bị giết chết bất cứ lúc nào nếu có dấu hiệu mệt mỏi/ ốm đau…
Trong điều kiện khốc liệt đó, Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG là điều duy nhất giúp tác giả và các bạn tù của ông sống sót.
Ý nghĩa của cuộc sống có thể là hình ảnh của người thân đang chờ đợi chúng ta (vợ/ con …), một công trình khoa học tâm huyết đang còn dang dỡ… và với Frankl, nó chính là bài học của cuộc sống để thử thách, phát triển bản thân trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Mình học được rằng, khi số phận cho ta một bài kiểm tra kinh khủng nhất, điều đó không có nghĩa tạo hoá đang dồn ta đến bước đường cùng. Điều đó có nghĩa bản thân chúng ta và cả những giá trị sống của chúng ta đang được thử thách trong điều kiện khắc nghiệt nhất để trở thành những viên kim cương.
Mình học được rằng SỰ TỬ TẾ không chỉ có một loại duy nhất. Sống tử tế trong điều kiện bình thường là điều đáng quý. Nhưng vẫn có thể sống tử tế khi phải đối mặt với sự sống và cái chết – chọn lựa buông bỏ cơ hội có được tự do cho bản thân để ở lại trại tập trung chăm sóc cho đồng đội của mình – là sự tử tế đã được “kiểm định” qua bài kiểm tra khắc nghiệt nhất. Và tác giả Frankl đã vượt qua bài kiểm tra này không chỉ một lần.
Mình học được rằng: Dù là số phận sắp đặt cho ta là một người Do Thái bị hành hạ trong trại tập trung hay một sỹ quan Đức có nhiệm vụ hành hạ tù nhân, SỐNG TỬ TẾ LÀ MỘT CHỌN LỰA.
(Đã có một sỹ quan Đức lén lút dùng tiền lương của mình để mua thuốc cho tù nhân và chưa bao giờ dùng vũ lực trong nhà tù).
“Man’s search for meaning” dành cho ai?
Nếu bạn TÒ MÒ VỀ TÂM LÝ HỌC, quyển sách này sẽ mang đến góc nhìn vô cùng thú vị về diễn biến tâm lý con người khi phải sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết mỗi phút, mỗi giây. Bạn sẽ hiểu những giai đoạn tâm lý của con người chúng ta sẽ chuyển biến ra sao khi nhân phẩm/ quyền tối thiểu/ nhu cầu thiết yếu của một con người bị tước đoạt.
Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống bất công, hay tự hỏi tại sao mình phải chịu quá nhiều thiệt thòi/ thử thách/ tai ương, Man’s search for meaning sẽ cho bạn thấy ngoài kia, trên thế giới này còn có những con người phải chịu đựng những thử thách ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.
Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống cứ nhàn nhạt trôi qua, không có một chút ý nghĩa, hoặc có cảm giác mình đang trải qua khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis), tác giả Frankl sẽ cho bạn biết cuộc sống luôn ẩn chứa ý nghĩa riêng/ mục đích sống cho mỗi người.
Enjoy reading!