Bạn đã bao giờ bị “nghiện” chiếc điện thoại của mình. “Nghiện” ở đây có nghĩa là biết mình đang dành quá nhiều thời gian cho nó, hiểu rằng nó đang ảnh hưởng lên công việc và cuộc sống nhưng luôn luôn có lý do để cầm lấy nó.

Sáng mở mắt dậy, đầu óc còn lơ mơ thì tay với lấy điện thoại “Ờ thì lướt FB newsfeed chút xíu cho tâm trí tỉnh ra” hoặc “Tối qua mới đăng bài, cần phải kiểm tra xem có ai đó tương tác để còn trả lời họ”. Mới xa điện thoại tầm vài chục phút mà thấy như lâu lắm. Biết là mình cần phải “cai” chiếc điện thoại mà vẫn tự nhủ: “Mình đâu có lên FB, chỉ kiểm tra messenger xem có đứa bạn nào nhắn tin cho mình không”. Rồi thậm chí tối trước khi ngủ, mắt đã mỏi lắm rồi mà tay vẫn không thể rời điện thoại.

Lúc đó mình cứ ngỡ rằng Chán (Boredom) đang đến chơi, cần có chút tin tức gì đó ở bên ngoài để cuộc sống sôi động hơn. Đọc xong chương 7 ở phần II trong cuốn “Mất kết nối” của Johann Hari mới giật mình nhận ra mình bị mất kết nối với người xung quanh và cảm xúc đang ở lì trong nhà chẳng phải Chán mà là Cô đơn (Loneliness).

Cô đơn không chỉ đến khi ta không có bạn bè, người thân xung quanh. Cô đơn có thể xảy đến khi ta có rất nhiều bạn bè bên cạnh mà trong lòng vẫn cảm thấy trống vắng, thiêu thiếu một điều gì đó rất khó diễn tả. Đó là khi ta không có những MỐI QUAN HỆ HAI CHIỀU, không có ai đó để CHIA SẺ NIỀM VUI và NỖI ĐAU của mình, không có ai đó để HỖ TRỢ và BẢO VỆ lẫn nhau. Nói một cách khác, cô đơn là khi ta không có những kết nối CHÂN THẬT và CÓ Ý NGHĨA với những người xung quanh.

Những cụm từ viết hoa ở đoạn trên là những insights mình thấy rất chạm khi đọc được từ những nghiên cứu của tác giả. Chiêm nghiệm lại, đó chính là những điều mình thấy thiếu trong một khoảng thời gian khá dài.

Đó là khoảng thời gian mình vừa bỏ công việc cũ để theo đuổi hành trình coaching. Hầu hết những đứa bạn thân hơn mười mấy năm đều là những người ở ngành cũ. Coaching là một lĩnh vực còn quá mới. Mỗi khi gặp bạn bè, có kể những niềm vui hay khó khăn mình đang đối mặt thì tụi nó cũng không cảm được như cái hồi xa xưa. Thế là dần dần mình có cảm giác như đang sống ở một thế giới khác. Chỉ một mình mình.

Thời gian trôi qua, khi đã vượt qua những trở ngại ban đầu, mình lại mang trên vai trọng trách “giải cứu thế giới”, tự xây dựng hình ảnh người “mạnh mẽ”, không được tỏ ra yếu đuối. Thế là tự tạo ra cho mình một vỏ bọc kiên cường, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhưng lại từ chối sự hỗ trợ từ người khác. Những mối quan hệ mới mình xây dựng được thường là một chiều và mình lại càng thấy cô đơn – cái cảm giác một mình phải đối mặt và tự xoay sở với tất cả những thử thách mà cuộc sống đang quăng thẳng đến cho mình.

Johann đã tóm tắt những nghiên cứu của John Cacioppo và các nhà tâm lý học khác, chứng minh Cô đơn khiến chúng ta lo âu và gây ra trầm cảm. Có nhiều kết quả đáng giật mình như:

(1) Cảm giác Cô đơn có thể khiến cho mức cortisol tăng vụt lên mức tuyệt đối – ngang với một số điều đáng lo ngại nhất có thể xảy ra với bạn. Kết quả cũng cho thấy khi trở nên cô đơn đến tột độ, bạn sẽ chịu sự căng thẳng giống như bị tấn công thể xác (bị ai đó đánh vào cơ thể mình).

(2) Cô đơn chính là thủ phạm làm cho ta trải nghiệm chứng “tỉnh giấc ngắn” (micro-awakenings) khi ngủ vào ban đêm, làm giảm chất lượng của giấc ngủ.

(3) Cô đơn gây ra lo lắng, sợ hãi vì não gửi tín hiệu bạn có thể dễ dàng bị tấn công/ không an toàn.

(4) Cô đơn là nguyên nhân gây ra chứng nghiện game/ nghiện internet (thế giới game/ internet cho ta cảm giác kết nối vào một cộng đồng mà ta không có được ở thế giới thật).

Các bạn có thể tìm đọc dễ dàng các nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu thú vị khác ở phần II, chương 7.

Trải nghiệm của riêng mình thì cô đơn còn làm cho mình thèm ăn ghê gớm. Mỗi khi Loneliness đến, nó làm mình có cảm giác đói ngay cả khi mình vừa ăn no phình bụng vài phút trước. Và thế là mình phải tìm thứ gì đó để ăn thêm. Thứ gì đó thường là đồ ngọt hoặc đồ chiên giòn.

Cũng may giờ tín hiệu này mà mình nhận ra sự có mặt của Loneliness và ngay lập tức tìm cách gặp gỡ bạn bè, những đứa có thể ngồi lắng nghe (mà không liếc mắt vào điện thoại =))), hiểu và đồng cảm với những gì mình đang trải qua. Mình cũng dần từ bỏ hình ảnh “mạnh mẽ”. Bớt ngại hơn mỗi khi nhờ vả và luôn cố gắng nhận mỗi khi bạn bè chân thành gợi ý giúp đỡ.

Sự kết nối chân thật, dù chỉ vài chục phút ngắn ngủi cũng đủ để mời Loneliness đi chỗ khác chơi. Còn kết nối qua chiếc điện thoại hay mạng xã hội, giống như một nghiên cứu trong sách, chỉ làm cho sự thèm kết nối của mình tăng lên gấp bội. Giống như đang khát nước mà lại bị lạc trên biển, càng uống nước biển lại càng khát thêm.

Bạn có bao giờ bị mất kết nối với những người xung quanh?

Bạn đã làm gì để có những kết nối CHÂN THẬT và CÓ Ý NGHĨA với những người xung quanh?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions

P.S. The photo is copied from FB page 𝐈 𝐀 𝐌 𝐁 𝐔 𝐃 𝐃 𝐇 𝐈 𝐒 𝐓