Meditation now – Inner Peace through Inner Wisdom, tác giả S.N. Goenka

Tháng trước đi Làng Mai, mình gặp một vài bạn đã từng tham dự các khoá thiền Vipassana. Các bạn nói thích lắm. Tò mò, mình nhắn tin hỏi một bạn khách hàng cũ nơi thực tập của bạn vì mình nhớ là bạn cũng rất thích. Bạn giới thiệu www.vn.dhamma.org dặn dò nên đến các trung tâm trong hệ thống của thiền sư Goenka.

Thiền sư Goenka, một cái tên nghe quen quen. Suy nghĩ một lúc, mình nhớ ra đây chính là người mà Daniel Goleman có kể trong cuốn Altered Traits. Daniel đã học thiền Vipassana từ thiền sư Goenka khi tham dự một lèo 5 khoá retreat 10 ngày tại Ấn Độ vào mùa đông năm 1970. Daniel sau đó giới thiệu khoá này cho Richard J. Davidson (Giáo sư nghiên cứu về Tâm lý học và Tâm thần học của William James và Vilas). Richard đã được tự trải nghiệm ảnh hưởng của thiền Vipassana. Ông trở về nhà với niềm tin sâu sắc rằng có những phương pháp có thể biến đổi tâm trí của chúng ta để tạo ra hạnh phúc chân thật; và được truyền cảm hứng để thực hiện nhiều nghiên cứu neuroscience để tìm hiểu ảnh hưởng của meditation & mindfulness lên tâm trí, cơ thể và não bộ con người.

Thiền sư Goenka là người Ấn, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ở Myanmar. Goenka thành công rất sớm, kiếm được rất nhiều tiền và trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất. Thế nhưng trong cuốn “Meditation now”, thiền sư kể rằng mình đã rất giàu có nhưng không hề hạnh phúc.

Doanh nhân Goenka rất hay nổi giận mỗi ngày vì những chuyện bất như ý. Đêm đến lại mất ngủ. Nếu là một thương vụ thất bại, Goenka trằn trọc để tìm hiểu xem chuyện gì đã sai, lần tới mình phải làm sao để tránh lỗi này. Nếu là một thành công lớn, Goenka cũng không ngủ được vì quá vui sướng.

(Đọc đến đoạn này mình cứ tủm tỉm cười, nhớ lại hồi đó chỉ là một senior manager nhỏ bé mà cũng có “bệnh của doanh nhân”: cũng bực bội cả ngày vì những chuyện bất như ý, lo lắng vì những trở ngại trong công việc và hay nhớ chuyện không vui =))).

Năm 1955, Goenka bắt đầu bị chứng đau nửa đầu dữ dội. Thuốc thông thường không giúp giảm đau, vì vậy, theo gợi ý của một người bạn, Goenka đã tìm học Vipassana từ thiền sư Sayagyi U Ba Khin, một vị thầy có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và nguyên là Bộ trưởng bộ kế toán của Myanmar.

Vipassana – có nghĩa là insight hay “to see things as they really are” (tạm dịch: nhìn sự việc như chính bản chất của chúng). Đây là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ giúp người thực hành nhìn sâu, tự tìm ra insight/ wisdom về chính bản thân mình, từ đó tự tháo gỡ những nút thắt từ bên trong và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Phương pháp Vipassana bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở tự nhiên để tập định tâm. Sau khi tâm trí trở nên tĩnh lặng hơn, không còn bị cuốn đi bởi dòng suy nghĩ về quá khứ hoặc dự tính cho tương lai, thì mình có thể bắt đầu quan sát sự tương tác qua lại giữa tâm trí (mind), cảm xúc và những cảm giác (sensation) trên cơ thể để tự tìm ra insight cho bản thân. 

Mình học được một vài điều thú vị…

Quan sát hơi thở tự nhiên DỄ mà KHÓ, KHÓ mà DỄ

DỄ mà KHÓ

Theo những gì mình hiểu thì quan sát hơi thở tự nhiên là QUAN SÁT và CẢM NHẬN hơi thở TỰ NHIÊN vào ra NƠI CÁNH MŨI của mình khi ngồi thiền.

Mình đã đọc được kỹ thuật này trong sách “Mindfulness in plain english” của Bhante Gunaratana, đã được nghe thầy Minh Niệm nói trong một bài giảng nào đó vài năm trước nhưng kiên quyết… không làm. Lý do vì mình đã quen với cách ngồi thiền tận hưởng từng hơi thở để tâm trí thư giãn, rồi sau đó thích chí chạy theo những ý tưởng mới hiện ra trong tâm trí mình. Còn tự hào là tìm ra được nhiều ideas khi ngồi thiền nữa =)).

Đến lần này thì thật là duyên, được đọc song song thêm hai cuốn “Quán niệm hơi thở” và “Con đường chuyển hóa” của Thẩy Thích Nhất Hạnh và cũng lại được học kỹ thuật này. Thế là cái não lì lợm của mình chịu thay đổi. Do đó, đối với mình thì cái khó là khó thay đổi một thói quen cũ.

KHÓ mà DỄ

Chiêm nghiệm lại, nếu là mình của những ngày mới tập thiền chắc là không dễ gì quan sát được hơi thở tự nhiên. Vì khi tâm trí còn dễ dàng bị nhiều suy nghĩ hỗn tạp lôi cuốn đi, mình rất khó cảm nhận được hơi thở của chính mình, đừng nói là cảm nhận cái sự man mát (của hơi thở vào) hoặc âm ấm (của hơi thở ra) nơi hai cánh mũi. Nhờ có sự kiên trì ngồi sáng tối mỗi ngày trong vài năm mà mình đã có thể quan sát và cảm nhận từng hơi thở nhanh chóng. Điều này có nghĩa là, nếu bạn chưa cảm nhận được thì đừng nản chí nhé. Thực tập điều gì cũng cần có thời gian.

Nhờ kỹ thuật đầu tiên này mà mình đi vào trạng thái tĩnh lặng nhanh chóng hơn và có thể tự mình trải nghiệm những bài học thú vị mà thiền sư Goenko đã chia sẻ trong sách:

Mỗi CẢM XÚC đến đều tạo ra RUNG ĐỘNG (vibration)/ CẢM GIÁC (sensation) trên CƠ THỂ. Nếu như mình có thể luyện cho bản thân “phát hiện” ra những rung động/ hay cảm giác này thật sớm, thì mình có thể dùng trải nghiệm này để “tiếp đón” những cảm xúc khó chịu mỗi khi chúng đến thăm rất hiệu quả.

Ví dụ như khi Giận, cổ mình hay nghẹn lại, ngực căng lên, vai gồng lên. Nếu là mình cũng những năm về trước (không có chút kiến thức nào về cảm xúc hay meditation/ mindfulness), mình sẽ dễ dàng phản ứng lại (gào to/ nói những lời làm tổn thương người khác/ chuyện bé xé ra to…) mỗi khi Giận đến. Còn khi đã có thể quan sát được những cảm giác vi tế nhất từ cảm xúc Giận, mình sẽ ngay lập tức đưa sự tập trung của mình vào hơi thở (nơi hai cánh mũi), lấy lại bình tĩnh nhanh và giải quyết sự việc một cách bình tĩnh.

Tuy nhiên điều mình cảm thấy thú vị nhất là khả năng tự nhìn sâu, tìm ra insights khi tâm trí đã đạt đến trạng thái tĩnh lặng (không còn bị chi phối nhiều từ các suy nghĩ/ cảm xúc). Những insights này giúp mình nhìn thấy cốt lõi của vấn đề để thay đổi hành vi triệt để nhất.

Ví dụ như mình có thói quen hay chỉ trích bản thân. Mình hiểu điều này không tốt, có rất nhiều quyết tâm để thay đổi nhưng nó cứ quay trở lại thường xuyên. Nhờ tự nhìn sâu với câu hỏi “Hành vi này từ đâu mà ra?”, mình thấy lại được con bé cấp 1 đã luôn tự trừng phạt bản thân mỗi khi làm bài sai trong các kỳ thi. Nó muốn lúc nào cũng điểm cao, cũng nhất lớp để được bạn bè ngưỡng mộ. Cái cảm xúc Tự hào (Pride) chính là động cơ ẩn sâu đằng sau hành vi self-criticism. Sau khi nhìn thấy được gốc rễ của vấn đề, mình nhẹ nhàng buông bỏ Pride. Mình không còn cần cảm xúc này trên hành trình mới. Cơ thể mình trở nên nhẹ nhàng, như vừa trút bỏ một gánh nặng phải mang theo mấy chục năm qua. Đó là dấu hiệu mình đã tìm được một insight quan trọng.

Mình học được rằng, cảm xúc khó chịu/ hay hành vi nào đó làm cho mình không có được bình an trong cuộc sống, luôn được kết nối bởi một NÚT THẮT nào đó đã được ĐƯỢC TẠO RA BỞI CHÍNH MÌNH TRONG QUÁ KHỨ. Không có ai là người phải chịu trách nhiệm cho những nút thắc này và cũng không có ai có thể tháo gỡ nút thắt đó cho mình. Chỉ có bản thân mình mới có thể tự nhìn thấy, tự gỡ để có được bình an trong cuộc sống.

Nếu bạn đang tò mò về việc thực tập meditation và đặc biệt yêu thích việc tự tìm ra insights/ wisdom từ bản thân để sống hạnh phúc hơn thì quyển sách này có thể đến với bạn như một cái duyên.

À, mà đừng tự đọc sách và thực tập như mình nhé. Có cái hay mà cũng có nhiều rủi ro. Tìm được một người thầy bao giờ cũng sẽ an toàn và dễ dàng hơn.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions

About Sayagyi U Ba Khin (1899-1971)
https://tw.dhamma.org/introduction/sayagyi-u-ba-khin/
https://theravada.vn/tieu-su-ngai-thien-su-sayagyi-u-ba-khin/