Motivation (động lực) có lẽ là khái niệm đã rất quen thuộc với chúng ta. Trong trí tưởng tượng của mình, motivation giống như một ngọn lửa. Nhờ có nó mà mình có thể tỉnh táo thức dậy mỗi buổi sáng, hăng hái đến công ty rồi miệt mài cày đến nửa đêm mà không biết mệt.

Bạn có bao giờ tự hỏi motivations của những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và cả những việc nho nhỏ bạn đang làm hàng ngày là gì? Chúng có nguồn gốc từ đâu? Và chúng đang ảnh hưởng như thế nào đến con đường sự nghiệp và chất lượng cuộc sống của bạn?

Nói thiệt là mình chưa từng hỏi bản thân những câu hỏi này. Chúng thật sự quá sức với cái não nhỏ bé của mình 😂. Cách mình thường làm trong mấy chục năm qua là cắm đầu chạy thật nhanh khi động cơ có nhiều lửa. Khi lửa tắt thì tìm ai đó hoặc làm điều gì đó thể thắp lửa lại cho mình. Có lửa là mừng rồi, chứ lửa loại nào, từ đâu mà ra và lửa có hại hay có ích là những điều mình chưa bao giờ nghĩ đến.

Và rồi hôm kia mình đã được Jay Shetty khai sáng. Trong cuốn “Think like a monk” (#1 New York Times bestseller), tác giả dành hẳn một chương để nói về motivation. Đọc xong, mình cảm thấy quá hữu ích và không thể chờ để chia sẻ với bạn trải nghiệm của mình.

Jay mở đầu chương bằng việc chia sẻ cách phân loại động lực của triết gia Bhaktivinoda Thakura. Có 4 loại cả thảy:

(1) Fear: motivation được tạo ra từ những nỗi sợ như sợ chết/ bệnh tật/ nghèo đói/ không an toàn tài chính…
(2) Desires: motivation là sự hài lòng cá nhân từ thành công, sự giàu có, sự nổi tiếng…
(3) Duty: motivation được thúc đẩy bởi lòng biết ơn, trách nhiệm và mong muốn làm điều đúng đắn.
(4) Love: motivation bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác và sự thôi thúc giúp đỡ họ.

Ở bài viết này, mình không đánh giá loại động lực nào là tốt, loại nào là xấu hoặc có tính đúng sai về mặt đạo đức. Mình chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm và quan sát của mình về ảnh hưởng của những loại động lực lên con đường sự nghiệp và chất lượng cuộc sống của bản thân.

Fear đã từng là động lực của mình trong một thời gian khá dài. Đó là những năm tháng mình phải chứng minh (cho cả thế giới biết 😂) mình có thể trụ lại ở vị trí manager tại một công ty mình hằng ao ước. Động lực của mình lúc đó là nỗi sợ thất bại, sợ bị đánh giá vì thất bại. Và cũng có một khoảng thời gian mình đi làm với nỗi sợ không thể trả được cục nợ vì đã xây nhà bằng tiền vay ngân hàng.

Nhờ có Fear mà mình thức khuya dậy sớm không biết mệt để hoàn thành công việc sếp giao tốt nhất có thể. Mình đã có được niềm tin từ các sếp, đạt được những cột mốc quan trọng trên con đường nghề nghiệp của mình, chạm đến nhiều giấc mơ tưởng chừng như không thể thành hiện thực. Nhưng nếu hỏi rằng mình có thật sự thưởng thức từng bước trên hành trình đã qua không thì câu trả lời là KHÔNG! Động lực do Fear mang lại thường đi cùng với Stress, lo âu, những đêm mất ngủ, sức khoẻ lao dốc, không có cuối tuần và thời gian chất lượng cho bản thân, gia đình, và bạn bè.

Sau khi mình vượt qua được phần lớn những nỗi sợ thì Desires lập tức đến thế chỗ. Đó là giai đoạn mình mong muốn trở thành một trong những coach giỏi nhất, được nhiều người biết đến, có những bằng cấp nhiều người phải ganh tị, viết những bài blog được thật nhiều likes/ share, có những quyển sách nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất…

Desires mang đến cho mình những giấc mơ thật đẹp. Chúng mang đến thật nhiều năng lượng để bắt đầu ngày mới. Và rồi mình cũng nhận ra hạnh phúc/ sự tự hào về bản thân/ niềm vui chiến thắng ở cuối hành trình đến từ loại động lực này tắt rất nhanh. Những bài viết thật nhiều likes và shares vui được trong 2 ngày, những bằng cấp/ thành tích vui nhiều lắm được một tuần. Sau đó là câu hỏi: Sẽ phải làm gì tiếp để được vui như vậy? Và thế là Desire lại tiếp tục đốt lửa cho những ngày tháng quên ăn quên ngủ, để lao nhanh về phía mục tiêu. Mục tiêu năm sau phải nhiều thử thách hơn năm trước mới có thể mang lại hạnh phúc cho mình, còn sức khoẻ và nguồn lực lại tỷ lệ nghịch qua năm tháng.

Duty & Love. Mình đã từng nghĩ hai loại động lực này quá lý tưởng, xa vời và viễn vông. “May nhờ” những lần bị những cục lửa của Desires “thiêu rụi” mà mình bắt buộc phải dừng lại, suy ngẫm và buông bỏ những khao khát, những tham vọng, mong cầu quá lớn. Đó là lúc mình cảm nhận được lợi ích của động lực từ Duty & Love.

Khi không còn phải chạy theo những tham vọng của bản thân hoặc làm điều gì đó vì sự thôi thúc của những nỗi sợ, mình có thời gian kết nối với chính mình, lắng nghe được những điều mình thật sự thích làm, những điều thật sự hữu ích cho người khác và mình cảm nhận mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa.

Hai điều thú vị nữa mình học được từ Jay là (1) công việc nào cũng có nhiều ý nghĩa, miễn là chúng ta làm với động lực từ Duty & Love; và (2) cùng một công việc nhưng motivation khác nhau thì kết quả và chất lượng cuộc sống của mỗi người cũng sẽ rất khác nhau.

Ví dụ như công việc của mình…

Nếu hôm nào mình viết bài để được nhiều likes, mình thường nhức não tìm kiếm những topic thật hot/ trendy để gây sự chú ý. Hồi hộp không biết người ta sẽ đón nhận bài viết của mình như thế nào, đánh giá mình rao sao. Rồi chắc chắn sẽ thất vọng nếu số likes không được như mong đợi. Khi viết bài với ý định chia sẻ trải nghiệm để giúp một ai đó đang tìm kiếm câu trả lời, mình thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Giúp 100 người thì quá tốt mà giúp được 1 người cũng vui rồi.

Khi mình viết bài với ý định “ngầm” là bán hàng một khoá học nào đó, mình sẽ đắn đo xem chia sẻ như vậy là có quá nhiều không. Sau khi bỏ đi “động lực bán hàng” thì mình thoải mái chia sẻ, cứ viết hết những gì cần viết với mong muốn người đọc nhận được nhiều nhất có thể. Mình không còn bị căng thẳng vì áp lực bán hàng, rồi bị Tội lỗi dày vò như trước kia.

Ngọn lửa từ Duty & Love mang lại tuy không mãnh liệt và dữ dội như lửa của Fear & Desires. Nó chắc chắn không giúp mình đi nhanh và đạt được những “kỳ tích” như hành trình trước đó. Nó chỉ âm ấm mỗi sớm mai thức dậy nhưng mang lại hạnh phúc và đủ đầy vì cảm giác được sống có ích cho ai đó. Mình không còn bị cảm giác trống rỗng/ thiêu thiếu một điều gì đó sau khi đạt được một cột mốc quan trọng. Không còn bị Sợ “theo đuổi” như hình với bóng.

Duty & Love giúp mình tìm thấy ý nghĩa trong công việc hiện tại, sống trọn vẹn hơn từng ngày và có nhiều thời gian hơn để tự do sống cuộc đời của chính mình.

Động lực chính trong cuộc sống này của bạn là gì?
Chúng đang ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bạn?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach